A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngọt ngào hương vị bánh “Khẩu xi”

(laichau.gov.vn)

Bánh “Khẩu xi” là một loại bánh truyền thống của đồng bào dân tộc Thái xã Mường Cang nói riêng, huyện Than Uyên nói chung. Từ những nguyên liệu đơn giản gồm: gạo nếp, đường, gừng tươi, vừng dưới đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái tạo nên loại bánh đặc biệt, khiến những ai đã từng thưởng thức sẽ nhớ mãi không quên cái vị ngọt thanh của gạo, đường hòa quyện với mùi thơm của vừng, chút vị hơi cay của gừng và cảm giác giòn tan khi ăn.

Để tìm hiểu kỹ hơn về bánh “Khẩu xi” đặc biệt này, chúng tôi vượt hơn 100km từ thành phố Lai Châu xuống bản Pom Bó, xã Mường Cang, tìm đến gia đình chị Nùng Thị Nguyên (35 tuổi), người nổi tiếng về làm bánh “Khẩu xi” của huyện với gần 10 năm kinh nghiệm. Vừa dừng xe ở dưới sân, chúng tôi đã cảm nhận được thoang thoảng mùi thơm đặc trưng của đường hòa quyện với gừng tươi. Bước lên trên nhà sàn, chúng tôi thấy người phụ nữ với chiếc váy nhung truyền thống của người Thái. Lúc này, chị Nguyên đang chuẩn bị làm mẻ bánh “Khẩu xi” mới để kịp giao đúng hẹn cho khách đã đặt trước.

Chị Nùng Thị Nguyên- bản Pom Bó, xã Mường Cang (huyện Than Uyên) đang cắt bánh “Khẩu xi” thành từng miếng nhỏ.
Chị Nùng Thị Nguyên (bản Pom Bó, xã Mường Cang, huyện Than Uyên) cắt bánh “Khẩu xi”.

Vừa làm, vừa nói chuyện với chúng tôi, chị Nguyên bảo: bánh “Khẩu xi” ăn ngon miệng là vậy, nhưng để làm ra được bánh ngon, thơm, đậm vị truyền thống người Thái thì rất cầu kỳ, trải qua nhiều công đoạn. Bánh phải dùng gạo nếp 97, hạt to, tròn đều, dẻo, thơm đem ngâm, đồ thành xôi; khi hạt xôi chín, mềm thì cho ra nia, mẹt thổi nguội rồi đem phơi, trong quá trình phơi phải đảo liên tục, làm tơi những cục xôi bị vón. Trời nắng to thì phơi 2 nắng, còn ít nắng thì phơi lâu hơn. Những hạt cơm nếp đem phơi nắng (hay còn gọi là xôi khô) lúc chiên sẽ tạo được độ phồng, giòn tan.

Đứng một lúc trong gian bếp, chúng tôi vã hết cả mồ hôi vì trời nắng nóng cộng thêm nhiệt độ của bếp củi đang cháy to, thế mà chị Nguyên vẫn miệt mài chiên xôi khô. Chị đổ từ từ xôi khô vào chảo dầu to, những hạt xôi reo lên “xèo, xèo” rồi nở phồng nổi trên mặt chảo rất đẹp mắt. Hạt nào hạt nấy căng tròn, bóng bẩy. Lau vội những giọt mồ hôi đầm đìa trên trán, nhìn chúng tôi nhoẻn miệng cười, chị Nguyên nói: Lúc chiên lửa phải to, đều thì xôi chiên của mình sẽ đều, bắt mắt hơn. Hôm nay tôi sẽ làm bánh “Khẩu xi” nhiều màu sắc cho các bạn thưởng thức nhé!

Được biết, ngoài màu trắng kem thuần khiết của gạo kết hợp với đường, “Khẩu xi” còn có thêm nhiều màu sắc như: màu vàng của loại hoa rừng, màu tím của cây lá cẩm, màu cam của gấc hay màu xanh của lá dứa nếp - đây là các loại nguyên liệu dễ tìm thấy trên vùng đất Tây Bắc này. Các loại hoa, lá cây, quả đều được đun lên cho ra màu rồi đem ngâm với gạo, sau đó đồ thành xôi.

Theo lời chị Nguyên, để tạo độ ngọt thanh, kết dính cho bánh thì cần thêm đường theo tỷ lệ 1/3, 1/2 (một phần đường tương ứng với 2 hoặc 3 phần xôi khô nguyên liệu) tùy theo sở thích của khách hàng. Đường được đun cùng với một ít gừng tươi giã nhỏ, thêm chút nước cho đến khi đường tan thành nước, chuyển màu cánh gián, sánh mịn và có độ kết dính là được.

Sau 15 phút chiên xôi khô xong, chị Nguyên cho thành phẩm ra chiếc chậu sạch to, để nguội một chút; rồi đổ nước đường vừa bắc ra từ bếp vào; đôi tay chị nhanh thoăn thoắt cầm lấy 2 chiếc muôi phẳng đảo liên tục để đường ngấm vào những hạt xôi. Sau đó, chị đổ hỗ hợp lên chiếc bàn đã trải sẵn tấm nilong trắng sạch, có khung chắn. Vừa giàn đều hạt xôi lúc còn ấm theo khung, chị Nguyên vừa lấy tay xoa đều, siết chặt xuống cho các hạt xôi kết dính lại với nhau tạo thành bánh có độ dày khoảng 3cm. Công đoạn cuối cùng là rắc vừng lên bánh rồi cắt thành từng miếng để người bán dễ chia vào túi, còn người thưởng thức dễ lấy bánh ăn mà không bị nát.

Hơn 1 tiếng đứng bếp làm bánh “Khẩu xi” 3 màu với nhiều công đoạn cầu kỳ, chị Nguyên cho ra mẻ bánh hơn 2kg thật ngon, đẹp mắt. Thấy chúng tôi vui cười, reo lên khi được thưởng thức ngay món bánh truyền thống của người dân tộc Thái, chị Nguyên khoe: Hôm nay tôi bận nên làm ít, bình thường 1 ngày làm 2 mẻ khoảng 10kg bánh. Khi có khách đặt nhiều thì ngày làm hơn 30kg bánh. Tháng tết vừa rồi, tôi làm bán được gần 1 tấn bánh đấy!

Con số thật ấn tượng cho thấy bánh “Khẩu xi” của chị Nguyên làm ngon đến cỡ nào. Tuy bánh “Khẩu xi” giúp chị có thêm được nguồn thu nhập đáng kể để trang trải cuộc sống gia đình, nhưng điều quan trọng nhất với chị đó là khôi phục, gìn giữ nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của dân tộc mình; qua đó răn dạy các con biết hướng về cội nguồn bởi chị cũng học làm bánh từ thế hệ ông bà, cha mẹ đi trước. Đồng thời, gửi lời nhắn nhủ tới thế hệ trẻ cần có ý thức, trách nhiệm hơn nữa trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa của người Thái.

Hiện nay, bánh “Khẩu xi” của chị Nguyên đã có mặt tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của huyện Than Uyên. Ngoài ra, có rất nhiều cá nhân ở trong và ngoài tỉnh đã và đang làm đầu mối để quảng bá thương hiệu và bán bánh “Khẩu xi” do chị làm ra.

Cập nhật ngày 4/6/2020


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.802
Hôm qua : 7.172
Tháng 04 : 123.137
Năm 2024 : 794.727
Tổng số : 82.260.820