Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu
Sáng nay (6/8), Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (gọi tắt là Hiệp định EVFTA). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị, tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Giàng A Tính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan liên quan của tỉnh; đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh.
Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, Hiệp định EVFTA có mục tiêu nhằm phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức liên quan, quyết định biện pháp chỉ đạo, điều hành và các biện pháp khác triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Hiệp định này. Để đạt được mục tiêu nêu trên, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần cụ thể hoá và tổ chức triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ cơ bản gồm: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước Châu Âu; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp và chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Tham luận tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương đã trình bày tham luận về tình hình chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA; những vấn đề có liên quan, tác động trực tiếp đến tính hiệu quả của việc triển khai Hiệp định cũng như tận dụng những cơ hội để doanh nghiệp có thể tăng tốc trên “con đường” EVFTA này.
Theo các chuyên gia, Hiệp định sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho quan hệ thương mại Việt Nam và Châu Âu, hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư, thị trường xuất khẩu thứ hai và nhà đầu tư đứng thứ năm của Việt Nam. Hiệp định là cơ hội vàng để giúp hai bên đẩy mạnh hợp tác và cùng phát triển. Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, 84% các dòng thuế, chiếm 71% xuất khẩu của Việt Nam sang Châu Âu sẽ được giảm xuống mức 0%.
Sau 7 năm, 99,2% các dòng thuế, chiếm 99,7% xuất khẩu Việt Nam sang Châu Âu sẽ được loại bỏ. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam. Mặt khác, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi 65% giá trị xuất khẩu của Châu Âu sang Việt Nam sẽ được miễn thuế nhập khẩu ngay sau khi thỏa thuận có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được loại bỏ theo các lộ trình cam kết 10 năm...
Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra cơ hội phát triển cho tỉnh Lai Châu và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến của tỉnh trong lộ trình tiếp cận thị trường Châu Âu và tiến tới xuất khẩu các mặt hàng nông sản đặc trưng, thế mạnh của địa phương như: Chè, mật ong, gạo…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương cần chủ động và tích cực hành động hơn nữa trong việc triển khai Kế hoạch thực thi EVFTA; tăng cường cơ chế phối hợp, bảo đảm sự thống nhất trong quá trình áp dụng và triển khai các cam kết theo Hiệp định; chú trọng khâu đào tạo nguồn nhân lực về quản lý Nhà nước trong hội nhập kinh tế quốc tế; đẩy mạnh công tác phổ biến tuyên truyền; ban hành kịp thời các văn bản pháp luật, hướng dẫn thực thi Hiệp định EVFTA. Đối với các hiệp hội, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ cũng khuyến nghị cần phải thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh, chú ý hơn đến việc bảo đảm các nghĩa vụ xã hội, tiêu chuẩn lao động và nguyên tắc bảo vệ môi trường.
Đồng thời, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ làm vai trò kiến tạo phát triển, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi, định hướng, khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực hành động để có thể nắm bắt được các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại...