• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu: Bước tiến mới trong xây dựng chính quyền điện tử

(laichau.gov.vn)

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT), thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã lãnh, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện công tác này nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng phát biểu tại Phiên họp UBND bằng hình thức trực tuyến với các huyện, thành phố.

 

Thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều biện pháp để xây dựng chính quyền điện tử, đặc biệt là năm 2019, thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025 và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và yêu cầu thực tiễn của địa phương, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Lai Châu quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương đã tạo ra sự đồng bộ trong triển khai thực hiện. Riêng năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành 07 kế hoạch, quyết định chỉ đạo điều hành; ban hành 194 văn bản bản đôn đốc, hướng dẫn tổ chức thực hiện. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, đặc biệt là nâng cao vai trò của người đứng đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý điều hành nói riêng và xây dựng chính quyền điện tử nói chung.

Do đẩy mạnh công tác lãnh, chỉ đạo cùng với sự tích cực thực hiện của các cơ quan, đơn vị và địa phương, việc xây dựng CQĐT đạt được nhiều kết quả quan trọng; đã thiết lập hệ thống quản lý văn bản và điều hành cho 698 cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị xã hội, các tổ chức liên hiệp hội với 8.200 tài khoản; 100% cơ quan nhà nước thực hiện xử lý công việc trên môi trường mạng; đã thực hiện kết nối liên thông 4 cấp từ xã đến Chính phủ, từ sở, ngành đến bộ chủ quản và các cơ quan nhà nước Trung ương.

Việc gửi nhận văn bản điện tử được triển khai và chỉ đạo quyết liệt, từ khi hoàn thiện việc kết nối liên thông đến nay đã có 1.496.585 văn bản gửi nhận điện tử, tiết kiệm cho ngân sách gần 8 tỷ đồng tiền giấy, mực, phong bì, tem bưu chính. Hệ thống thư công vụ được đầu tư, đảm bảo hoạt động 24/7 an toàn, bảo mật… tạo điều kiện cho công chức, viên chức hoạt động công vụ được thuận lợi. Hệ thống ký số bao gồm cả ký số trên thiết bị di động và chứng thực chữ ký số được hoàn thiện, đã cấp 1.756 chữ ký đáp ứng nhu cầu điều hành, xử lý công việc mọi lúc, mọi nơi. Hoàn thiện  2.034 dịch vụ công trực tuyến (mức độ 3 là 58 dịch vụ, mức độ 4 là 73 dịch vụ) với tổng số hồ sơ phát sinh 21.140 hồ sơ.

Hệ thống Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Cổng Thông tin đối ngoại tỉnh và các Cổng Thông tin của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã cập nhật kịp thời, đầy đủ các thông tin phục vụ đông đảo tổ chức, cá nhân, lượt truy cập ngày càng tăng; riêng Cổng Thông tin điện tử tỉnh có tới trên 54,8 triệu lượt truy cập. Mạng internet băng rộng đã phủ đến 100% số xã. Mạng máy tính trang bị cho cán bộ công chức cấp tỉnh, cấp huyện đạt tỷ lệ 1/1 người máy, 100% kết nối intenet; cán bộ công chức cấp xã đạt tỷ lệ 1,5 người/máy, 80% kết nối internet. Hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư, toàn tỉnh có 1.809 trạm BTS, phủ sóng di động đến 100% số xã (92% bản phủ sóng 3G, 78% bản phủ sóng 4G). Hệ thống hội nghị trực tuyến có 17 điểm cầu các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện và 99 điểm cầu cấp xã. Cùng với đó công tác an toàn an ninh thông tin được quan tâm kể cả đầu tư thiết bị cũng như đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức của các cán bộ các cấp, các ngành.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn có một số hạn chế như: Một bộ phận công chức chưa tích cực thay đổi thói quen làm việc, chưa chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động công vụ. Một số cơ quan, đơn vị chưa tích cực sử dụng chữ ký số. Tỷ lệ hồ sơ phát sinh trong dịch vụ công mức độ 3, 4 chưa nhiều. Chưa xây dựng được nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP). Một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đến việc đầu tư trang thiết bị làm việc đáp ứng yêu cầu...

Tỉnh Lai Châu xác định, công tác xây dựng chính quyền điện tử là nhiệm vụ thường xuyên, không thể làm nhanh một sớm, một chiều và phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể, tuân thủ nguyên tắc, xác định rõ mục đích từng giai đoạn. Trên cơ sở đó, năm 2020 tỉnh ưu tiên nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thiện các yếu tố nền tảng của CQĐT như xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh kết nối vào nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia; xây dựng Kiến trúc CQĐT phiên bản 2.0; nâng cao tỷ lệ dịch vụ công mức độ 4; tạo lập hình thành bước đầu về cơ sở dữ liệu của tỉnh kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia; xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của UBND tỉnh; Hệ thống hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trực tuyến…

Với sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự chung sức, đồng lòng của cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến địa phương, sự vào cuộc của các doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin, tỉnh Lai Châu sẽ có những bước tiến nhanh trong xây dựng CQĐT, đặt nền móng vững chắc cho giai đoạn tiếp theo.


Tác giả: Quốc Luân
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.816
Hôm qua : 6.608
Tháng 03 : 226.720
Năm 2024 : 657.555
Tổng số : 82.123.648