• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Người tiêu dùng cần tự trang bị kiến thức khi mua hàng trực tuyến

(laichau.gov.vn)
Trong thời buổi công nghệ 4.0 như hiện nay, người tiêu dùng không thể phủ nhận sự tiện ích của việc mua sắm hàng hóa bằng hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, cũng không ít những trường hợp dở khóc, dở cười khi mua hàng qua hình thức này. Vậy người tiêu dùng phải làm gì để tự bảo vệ quyền lợi của mình khi mua hàng trực tuyến.

Ảnh minh họa (nguồn viettinlaw.com)

Sự tiện lợi của công nghệ 4.0

Có thể khẳng định nếu quay trở về một thập kỷ trước, việc mua sắm bằng hình thức trực tuyến còn là một khái niệm rất xa lạ với đại đa số người tiêu dùng Việt, thì nay nó đã ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chỉ cần vài lần nhấp chuột, người tiêu dùng hoàn toàn có thể mua rất nhiều các sản phẩm từ vật dụng gia đình, đồ điện tử, quần áo, mỹ phẩm, thậm chí cả đồ ăn uống… Các sản phẩm được kinh doanh qua hình thức online này thường có giá thành khá rẻ, hình ảnh thì bắt mắt, giới thiệu sinh động, hấp dẫn. Không chỉ vậy các trang bán hàng này thường có chiêu thức giảm giá, ưu đãi, khuyến mãi rất hấp dẫn để thu hút người tiêu dùng.

Với chi phí rẻ và nhiều sự lựa chọn, hoạt động mua sắm trực tuyến đang là một lĩnh vực hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của cả người bán lẫn người mua. Những người kinh doanh cũng đã dần thay đổi nhận thức, bên cạnh hình thức bán hàng truyền thống, thì các doanh nghiệp, cá nhân cũng đã quan tâm và đẩy mạnh bán hàng trực tuyến.

Đối với người tiêu dùng, thì một ưu điểm lớn nhất mà mua hàng trực tuyến mang lại đó là tiết kiệm thời gian và giao hàng tại nhà. Trong cuộc sống bận rộn như hiện nay, người tiêu dùng không cần phải mất công, mất thời gian đi tìm sản phẩm, mà chỉ cần vào trang web mua hàng trực tuyến, chọn sản phẩm mình muốn mua rồi bấm nút đặt hàng hoặc mua hàng. Không chỉ vậy, người tiêu dùng còn có thể so sánh về giá cả và có nhiều sự lựa chọn về mặt hàng cần mua. Với những tiện lợi của hình thức mua hàng trực tuyến đã đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng, đặc biệt là đối với người tiêu dùng trẻ tuổi.

Tự trang bị kiến thức để bảo vệ quyền lợi của chính mình

Tuy nhiên, qua hình thức mua sắm hàng trực tuyến này, cũng đã có không ít khách hàng sau khi nhận sản phẩm đã thực sự ngỡ ngàng về sản phẩm. Vì chất lượng, hình ảnh không giống như những gì được quảng cáo.

Chị Nguyễn Thị Vân, tổ 12, phường Tân Phong, Thành phố Lai Châu chia sẻ: Vì thời gian bận rộn nên tôi cũng hay mua hàng trực tuyến. Tuy nhiên mua hàng theo hình thức này cũng rất là rủi ro. Vì tôi cũng không hay tìm hiểu về các trang hàng uy tín, chủ yếu mua hàng bằng niềm tin và hình ảnh, sự quảng cáo về sản phẩm nên đã một vài lần tôi bị mua phải sản phẩm không tốt và kém chất lượng, không giống như hình ảnh và chất lượng qua trang web đã giới thiệu. Có sản phẩm sau khi tôi nhận hàng khá ngỡ ngàng và không biết nên dùng hay bỏ đi. Khi liên hệ lại với nơi bán tôi không nhận được sự phản hồi và cũng không trả lại được sản phẩm.

Không chỉ chị Vân, một số khách hàng còn cho biết, họ đặt mua sản phẩm trên mạng để được hưởng giá ưu đãi theo chương trình của nhà phân phối nhưng sau khi sản phẩm hư hỏng, không sử dụng được thì gặp khó khăn trong việc bảo hành sản phẩm.

Được biết hiện nay, nhiều nhà kinh doanh đã lợi dụng những kẽ hở trong quản lý thương mại điện tử để quảng cáo sản phẩm không đúng thực chất, đồng thời không cung cấp đầy đủ và minh bạch các thông tin về quy chế hoạt động, chính sách bán hàng... Từ đó dẫn tới hậu quả là những khách hàng của những trang bán hàng trực tuyến nói trên khi bị vi phạm về quyền lợi mà không biết khiếu nại hay phản ánh ở đâu khi không có đầy đủ chứng cứ và chấp nhận chịu thiệt thòi.

Đặc biệt cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, nhiều cá nhân kinh doanh trên facebook cá nhân hoặc fan page cá nhân. Người tiêu dùng mua sản phẩm của bạn bè, người quen chủ yếu bằng niềm tin, nên rất nhiều người đã mua phải sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, sản phẩm không đảm bảo về chất lượng, nhưng thường khi mua phải sản phẩm không tốt mới rút kinh nghiệm cho bản thân…

Về vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì có rất nhiều các văn bản pháp luật quy định về vấn đề này như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, Nghị định 99/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP về  xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, thì trong các văn bản này vẫn chưa nhắc đến cụ thể về vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến, mà thiên về các hoạt động giao dịch, mua bán theo cách truyền thống, mua bán trực tiếp giữa người mua và người bán.

Trước thực tế đó đòi hỏi người tiêu dùng cần tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản khi mua hàng trực tuyến: Nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…); Tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận …; tìm hiểu kỹ về sản phẩm/dịch vụ trước khi mua như: Nguồn gốc xuất xứ, tính năng, đánh giá về sản phẩm/dịch vụ nhằm tránh trường hợp mua phải sản phẩm/dịch vụ kém chất lượng; cảnh giác với những yêu cầu cung cấp thông tin từ những trang web lạ như: Họ tên, số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ, sở thích… Đây có thể là những trang web sử dụng thông tin người tiêu dùng trái với quy định pháp luật, gây phiền toái cho người tiêu dùng hoặc thậm chí đánh cắp các thông tin tài chính của người tiêu dùng; cảnh giác với thông báo về việc trúng thưởng phiếu mua hàng dùng để mua sản phẩm của công ty, theo đó phiếu mua hàng thường có giá trị nhỏ hơn giá trị sản phẩm, người tiêu dùng phải chi thêm một khoản tiền nữa. Tuy nhiên, khi nhận hàng thì sản phẩm thường có giá trị thấp hơn so với khoản tiền người tiêu dùng đã bỏ ra. Cảnh giác tương tự với hình thức thông báo trúng thưởng và người tiêu dùng phải đóng tiền thuế/phí để nhận được sản phẩm.

Có thể thấy, với nhiều chiêu thức lừa đảo của các đối tượng xấu như hiện nay, đòi hỏi người tiêu dùng phải thực sự tỉnh táo và trang bị cho mình những kiến thức cơ bản khi mua hàng trực tuyến. Nhưng quan trọng hơn hết thì để hoạt động kinh doanh lâu dài đòi hỏi các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng trực tuyến nên tự ý thức được việc kinh doanh của mình, và luôn cung cấp cho khách hàng những hàng hóa, dịch vụ chất lượng.

Trích Điều 8, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

1. Quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa.

2. Quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan...

3. Quyền được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình.

4. Quyền được góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ...

5. Quyền được tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

6. Quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

7. Quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định pháp luật.

8. Quyền được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Nguyễn Trang


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 269
Hôm qua : 6.608
Tháng 03 : 224.173
Năm 2024 : 655.008
Tổng số : 82.121.101