• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Những “ngôi sao” nơi tuyến đầu chống dịch

(laichau.gov.vn)

Hiện tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, dọc tuyến biên giới của tỉnh ta, chúng tôi vẫn gặp những đứa trẻ tha thẩn chơi đùa bên những rặng dã quỳ, những bà, những mẹ người Dao, người Mông thong thả lu cở, rảo bước khi chiều về. Có được sự bình yên đó là biết bao cống hiến, hy sinh của rất nhiều cán bộ, chiến sỹ lực lượng bộ đội biên phòng nói chung, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải (huyện Phong Thổ) nói riêng. Có đến, có trải nghiệm mới thấy được cái giá của sự thanh bình ấy đáng trân quý biết nhường nào.

Cán bộ, chiến sỹ Chốt chặn Covid tiếp giáp Mốc 70(2) kiểm tra thân nhiệt cho người dân. 

 

6 tháng 7 lần chuyển lán

Dù phải ăn núi ngủ rừng, dù trong cuộc sống cũng như thực hiện nhiệm vụ trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn và thiếu thốn, nhưng những người lính bộ đội biên phòng mà chúng tôi gặp vẫn kiên trì bám chốt, quyết tâm không để dịch bệnh xâm nhiễm vào nội địa, đảm bảo bình yên, an toàn cho Nhân dân yên tâm lao động, sản xuất.

Con đường tuần tra biên giới ở xã Vàng Ma Chải chẳng dễ đi bao giờ. Những “thạch trận” ngổn ngang bởi những khối đá tảng “mai phục” trên taluy dương, dưới taluy âm, bên vệ đường. Thậm chí có những tảng đá to bằng cả ngôi nhà nằm chình ình giữa lối như thể phục sẵn để cản bước những cán bộ chiến sỹ biên phòng trên cung đường tuần tra, kiểm soát biên giới. Nhưng trên tuyến đường ấy, dường như đã mòn dấu chân người lính. Ở nơi thanh vắng thưa người, như thử thách lòng người ấy, hơn nửa năm nay đã có thêm các tổ chốt chặn phòng, chống dịch Covid-19 của Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải dàn ra, tạo ra tấm khiên vững chắc trước sự xâm nhiễm dịch bệnh.

Sợ chúng tôi không quen đường, đích thân Đại úy Nguyễn Hữu Kiểm - Chính trị viên Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải dẫn chúng tôi xuống các tổ chốt chặn. Con đường khó đi là thế mà anh Chính trị viên trẻ cứ phăm phăm như thể đang đi trên đường nhựa giữa nội đô. Nghỉ một chút, cho mấy chú “ngựa sắt” lấy sức, anh Kiểm cười xòa: “Khổ luyện thành tài chú ơi. Lính bọn anh có ngày phải quần đi quần lại những loại đường như thế này đến mấy lần ấy chứ”. Nhìn cái cách anh bình thản trước những cung đường mà mới nói thôi nhiều người đã sợ, chúng tôi mới thấy được phần nào những gian nan, khó nhọc và cái giá của sự thanh bình, yên ổn hàng ngày được hưởng.

Chúng tôi đến Tổ chốt chặn Covid-19 tiếp giáp Mốc 70(2) khi trời chiều ngả bóng làm óng vàng thêm những cánh đồng lúa ngã ba suối Tả Páo Hồ, Tả Páo Sung. “Đại bản doanh” của 4 người lính giữ chốt nơi đây nằm nép mình khiêm tốn trên một khoảnh đất trống bên sườn núi. Đời người lính thật giản dị, nhưng kiên cường có lẽ là đức tính được rèn luyện thành điều vốn có của những anh Bộ đội Cụ Hồ. Trong nhiệm vụ của họ chẳng có cụm từ nào liên quan đến cuộc sống thường nhật, nhưng sự tháo vát, khéo léo và ý chí quyết tâm vượt lên khó khăn sẽ khiến họ chiến thắng bất kỳ nghịch cảnh nào.

Gặp Thiếu tá Nguyễn Văn Khiêm khi anh vừa cùng anh em trong tổ kiểm tra thân nhiệt, phát khẩu trang và tuyên truyền cho người dân đi qua chốt. Anh Khiêm bảo: “Tôi chả nhớ chính xác ngày nhận lệnh lập chốt, chỉ nhớ rằng gà, vịt đã đẻ được mấy lứa. Con chó ngày mới đến chốt mới dẫn theo mà nay cũng đã có một đàn con…” Sự lạc quan của người lính tóc đã bạc quá nửa đầu này khiến chúng tôi vừa cảm phục, vừa yên tâm bởi sức sống, sự vươn lên mãnh liệt của họ như một sự đảm bảo chắc chắn cho chiến thắng của họ và của cả đất nước trên mặt trận mới này.

“Tháng 2/2020 chúng tôi được lệnh đến đây lập chốt, đến nay mới được 6 tháng nhưng đã phải chuyển chỗ ở 7 lần. Trong đó có đến 4 lần bị gió lốc “bốc” toàn bộ lều bạt bay đi, anh em lúc ấy chỉ biết trùm chăn đứng giữa trời mưa cả đêm để thực hiện nhiệm vụ” - Thượng úy Nguyễn Đình Thuần, Tổ trưởng Tổ chốt chặn Covid-19 tiếp giáp Mốc 69(2) kể. Nghe Thuần kể về 7 lần chuyển lán, 4 lần cuộn chăn dưới mưa với nụ cười trên môi, tôi tin chắc rằng bao khó khăn, gian khổ ấy có thể quật ngã được rất nhiều người nhưng sẽ chẳng thể nào khuất phục được những người lính nơi đây.

Làm nhiệm vụ bảo vệ, giữ bình yên cho Nhân dân nên ở đây các anh cũng được người dân rất tin yêu, giúp đỡ. Khi thì cây tre làm lán, khi thì nắm rau rừng lấy được trên nương, có lúc thì cho mượn nhà, mượn đất dựng lán, rồi lại cho ké đường nước để sinh hoạt hàng ngày. Còn các anh ngoài việc tuyên truyền cho bà con hiểu hơn về dịch bệnh nguy hiểm, tặng khẩu trang miễn phí, có khi còn thu ngô, vác củi, lùa trâu giúp bà con… Ông Lỳ Gò Xá – bản Hoang Thèn (Vàng Ma Chải - Phong Thổ) cho biết: Các chú bộ đội tốt lắm. Ở gần các chú, chúng tôi hiểu dịch bệnh nguy hiểm thế nào và phải làm sao để ngăn chặn. Khi rảnh rỗi các chú cũng giúp chúng tôi phơi ngô, vác thóc. Có các chú ở đây chúng tôi rất yên tâm”.

Thật khó để diễn tả hết những khó khăn của người lính biên phòng mà chúng tôi đã gặp trên các chốt. Chỗ ở, cái ăn và cả những thiếu thốn vô hình khác nữa có thể đánh gục nhiều người. Nhưng với ý chí người lính Cụ Hồ, với quyết tâm đảm bảo an toàn cho người dân, chúng tôi hoàn toàn tin rằng họ sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Những khát khao giản dị

Làm nhiệm vụ ở chốt, ăn núi, ngủ rừng, xa khu dân cư, thiếu thốn đủ bề từ cái ăn, cái mặc đến cả tình người. Có người bố mẹ ốm đau, vợ con đổ bệnh, biết đấy, thương đấy nhưng nhiệm vụ là quan trọng, Tổ quốc là trên hết, lẳng lặng quay đi khóc thầm mà đành chịu. Đôi khi, có một mình, họ chỉ ước muốn những điều thật giản dị…

Ở Tổ chốt chặn Covid-19 tiếp giáp mốc 70(2) tại xã Vàng Ma Chải - huyện Phong Thổ, bữa cơm lính chốt thật đơn sơ, giản dị, mang đầy phong cách dã chiến. Một đĩa lạc rang, vài con cá khô, bát canh măng rừng… cũng là xong một bữa. Ở đây, những loại thức ăn đóng hộp là đồ thường nhật, bởi vậy tưởng chừng cái tên “heo bọc thép”, “cá bọc thép” (dùng để chỉ các loại đồ ăn đóng hộp) chỉ có ở lính hải quân cũng đã rất quen thuộc với anh em. Bữa cơm gia đình là điều ai cũng ao ước, không phải là vì giá trị dinh dưỡng mà cái không khí đầm ấm là điều anh em ở đây đã lâu rồi không được trải lại.

Không có điện có nghĩa là cuộc sống gần như bị “cách ly” với thế giới hiện đại. Khi chúng tôi đến Chốt chặn Covid-19 tiếp giáp Mốc 69(2), ba anh em trong Tổ của Thượng úy Nguyễn Đình Thuần vừa dựng xong lán trên con đường vành đai biên giới. Những thân tre vẫn xanh nguyên, những gốc cây bụi bên nền lán vẫn còn đang rỉ nhựa. Đây đã là lần đổi lán thứ 7 của các anh sau 4 lần gió lốc tốc mái lều và 2 lần ngủ nhờ ở nhà dân. Trong cái lán đơn sơ đúng chất lính ấy, điều chúng tôi ấn tượng nhất là có đến cả chục cục pin dự phòng và bốn, năm chiếc đèn pin cùng những thiết bị y tế để đo thân nhiệt, sát khuẩn tay và khẩu trang. Tuy ở đây không có điện nhưng thật may lại có sóng điện thoại nên ít nhất sợi dây liên lạc với hậu phương vẫn còn được duy trì nhưng phải dùng điện thoại rất dè xẻn vì mỗi khi hết điện, anh em lại phải đi 4km để sạc nhờ.

Đêm biên giới thật u tịch và buồn, Tổ chốt chặn Covid-19 tiếp giáp mốc 69(2) có 3 đồng chí mà lại có đến hai điểm chốt cách nhau cả cây số nên buổi tối các anh phải tách nhau ra thực hiện nhiệm vụ. Kê chiếc ghế tự chế ở đầu lán, Thượng úy Thuần nhận ca trực đầu tiên. Vài tàn lửa ở những mẩu củi cuối cùng trong lán lóe lên lần cuối rồi lịm tắt. Trời bắt đầu đổ mưa, màn đêm đen đặc như con quái vật khổng lồ nuốt trọn cả chiếc lán nhỏ cùng người chiến sỹ gan góc. Thuần vẫn ngồi đấy lặng thinh để mặc cho bóng đêm vờn lên mũ, lên tóc. Mắt anh như không chớp, hướng về dòng Tả Páo Sung, nơi thường có những người vượt biên, chiếc đèn pin trong tay anh lâu lâu lại lia vào màn đêm đen kịt mỗi khi anh phát hiện tín hiệu bất thường. Thuần chia sẻ: Đêm đen đặc thế này lại hay vì nếu vượt biên người ta phải có đèn, như vậy dễ phát hiện. Cũng những đêm như thế này, chúng tôi đã bắt được nhiều trường hợp vượt biên trái phép trở về Việt Nam đấy.

Ngoài thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sỹ ở các chốt còn tranh thủ giúp Nhân dân.

Có một điều ít người biết đến trong những điều thiếu thốn của lính chốt, ấy là thiếu ngủ. Các chiến sỹ cũng phải phân ca trực đêm trực ngày. Có đêm “có biến” hầu như cả đêm các anh không ai được ngủ. Bởi vậy một giấc ngủ sâu cũng là một ước mơ đối với những người đang làm nhiệm vụ nơi đây.

Lính ở chốt là thiếu thốn đủ bề nhưng khi hỏi các anh ước mơ gì thì nhiều người ấp úng. Cũng là dễ hiểu bởi với những người lính Cụ Hồ, những khó khăn về vật chất sẽ chẳng thể làm họ quỵ ngã, những thiếu thốn về tinh thần thì họ đã được rèn luyện và xác định, hơn nữa công nghệ cũng giúp họ rất nhiều trong việc xóa mờ khoảng cách ấy. Điều mong ước lớn nhất mà ai cũng đồng tình lúc này đó là hết dịch bệnh. Bởi vậy dù phải ăn “cá bọc thép” cả tuần, hay phải quen với đôi mắt quầng thâm mất ngủ, họ vẫn sẽ vượt qua. Bởi sau lưng họ là hậu phương, là cha, mẹ, vợ, con, là quê hương, làng mạc… Những tình cảm thiêng liêng đó đã giúp họ mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn để lập nên những chiến công mới. Hàng chục vụ việc, hàng trăm người xuất nhập cảnh trái phép với những nguy cơ xâm nhiễm bệnh đã được chính những con người bằng xương, bằng thịt này ngăn chặn được trong an toàn và hữu nghị. Họ đang là những lá chắn sống, bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc mến yêu.


Tác giả: Khánh Kiên – Ngọc Duy
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 6.171
Hôm qua : 8.942
Tháng 04 : 193.001
Năm 2024 : 864.591
Tổng số : 82.330.684