• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản
Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2019

Nhân đôi niềm vui

(laichau.gov.vn)

Từ ngày 6-15/5, Ban Quản lý rừng phòng hộ và 10 xã, thị trấn của huyện Tân Uyên đồng loạt tổ chức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) năm 2019. Sau nhiều tháng chờ đợi, người dân không chỉ vui mừng khi số tiền được nhận cao hơn năm trước mà còn đúng dịp bước vào vụ sản xuất vụ mùa với bao nhu cầu thiết yếu cần chi trả.

Thỏa mong đợi

Nếu như mọi năm, công tác chi trả DVMTR được tiến hành trước tết Nguyên đán thì năm nay lại thực hiện thanh toán vào tháng 5. Mặc dù số tiền có thể ít hoặc nhiều phụ thuộc vào diện tích rừng khoanh nuôi, bảo vệ, quản lý nhưng rất được bà con mong chờ. Bởi đó là “trái ngọt” từ sự nỗ lực, đoàn kết thay đổi thói quen khác nhau nhưng chung mục đích “sống dựa vào rừng”. Đó là lí do những ngày qua, không khí tại các địa điểm chi trả đông vui như ngày hội.

Hàng dãy dài xe máy dựng san sát từ ngoài đường chính vào sân trụ sở UBND xã Mường Khoa; trước cửa các khu nhà làm việc chật kín người xếp hàng, ra vào; bà con rôm rả cười nói với niềm vui hiện rõ trên từng khuôn mặt. Nhanh chóng bắt chuyện, chúng tôi được anh Chảo A Lai ở bản Nậm Cung cho biết hôm nay bà con được nhận tiền chi trả DVMTR nên đến từ rất sớm và đang chờ đến lượt.

Mặc dù thời tiết oi bức, không khí ngột ngạt do tập trung đông người nhưng bên trong các phòng chi trả đội ngũ cán bộ làm việc nghiêm túc, khẩn trương. Năm nay, việc chi trả có sự thay đổi, toàn bộ số tiền được bàn giao cho trưởng bản ngay tại xã, sau đó bí thư chi bộ, trưởng bản chi trả cho bà con trước sự giám sát của cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện. Đồng thời, các khoản quỹ bản, xã hội hóa làm công trình an sinh xã hội, chi phí học tập tại trường... cũng được đại diện các đơn vị, bản tổ chức thu ngay tại đó.

Người dân
Người dân bản Hô Tra (xã Mường Khoa) nhận tiền chi trả DVMTR.

 

Sau khi nhận số tiền 19,1 triệu đồng từ tay trưởng bản, anh Vàng A Vòng (bản Hô Tra) nhanh chóng ký tên và bàn giao 3,5 triệu đồng tiền ủng hộ xây dựng nhà văn hóa bản cho công an viên. Khi được hỏi số tiền được nhận sẽ sử dụng vào việc gì, anh Vòng nói: Nhiều lắm! Trước hết là nộp được tiền cho bản để nhà văn hóa sớm thi công, còn lại mình sẽ mua máy cày mini, giống lúa, phân bón cấy vụ mùa và ít đồ dùng cho con đi học.

Còn với anh Châu A Tủa ở bản Hô So, khi nhận được thông báo của trưởng bản sáng 12/5 về nhận tiền DVMTR tại xã đã có mặt rất sớm. Bản ở xa trung tâm xã (14km) nên anh dự tính tranh thủ mua sắm thêm đồ dùng gia đình và thực phẩm mang đi nương. Anh Tủa hồ hởi: Mỗi năm đến nhận tiền đều thấy tăng, bà con bảo nhau phải giữ rừng tốt hơn. Trước đây, chúng tôi cũng sống nhờ vào rừng nhưng dựa vào khai thác gỗ, phá rừng làm nương còn nay là chăm sóc, bảo vệ. Tôi rất vui vì biết Hô So là một trong 2 bản nhận được số tiền chi trả cao nhất của xã Mường Khoa.

Khoản tiền chi trả DVMTR chỉ hơn 4 triệu đồng nhưng với gia đình anh Tòng Văn Phòng (bản Bút Dưới, xã Trung Đồng) thực sự là “cứu cánh” trong lúc mùa vụ. Ngay sau khi nhận được (ngày 9/5), anh đã cùng vợ ra thị trấn mua phân bón về chuẩn bị gieo cấy lúa mùa và để dành chăm sóc cây trồng. Anh Phòng chia sẻ: Mọi năm, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện chi trả dịp trước tết Nguyên đán, năm nay lùi lại vài tháng nên dân bản mong ngóng lắm. Số tiền không quá nhiều nhưng có tấm món để chi tiêu lúc cần thiết.

Chi trả đúng, giám sát chặt

Năm nay, trên địa bàn huyện có 2 đơn vị thực hiện chi trả là Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện và các xã, thị trấn. Đối với Ban Quản lý rừng phòng hộ thực hiện nghiệm thu, hoàn thiện hồ sơ thanh toán và chi trả DVMTR rừng tại lâm phận được giao. Diện tích cung ứng DVMTR sau nghiệm thu là 22.775,97ha, diện tích chi trả 19.338,58ha, tổng số tiền chi trả 37.322.287.896 đồng. Các xã, thị trấn thực hiện nghiệm thu, chi trả với diện tích 12.199,13ha. Tổng số tiền chi trả toàn huyện là 58 tỷ đồng.

Ông Phạm Ngọc Đoàn - Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện cho biết: Thực hiện chi trả tiền DVMTR năm 2019 có điểm mới là do 2 đơn vị chịu trách nhiệm, gồm: Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện và các xã, thị trấn. Bởi theo Quyết định số 41/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 4/11/2019 ban hành quy định một số nội dung thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh Lai Châu quy định rõ việc khoán bảo vệ rừng cho các đơn vị. Cụ thể, Ban Quản lý rừng phòng hộ là chủ rừng đối với toàn bộ diện tích rừng nằm trong lâm phận (đã được giao đất) và diện tích rừng trồng được Nhà nước đầu tư do Ban quản lý, thực hiện khoán bảo vệ toàn bộ diện tích rừng, trong đó tập trung khoán cho các cộng đồng dân cư. UBND cấp xã thực hiện hợp đồng bảo vệ toàn bộ diện tích rừng thuộc trách nhiệm quản lý, trong đó tập trung hợp đồng với các cộng đồng dân cư. Do đó, thay vì chi trả toàn bộ thì năm nay, Ban bàn giao lại một số diện tích cho UBND các xã, thị trấn.

Căn cứ Nghị định số 168/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và Công ty TNHH một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước, cuối năm 2018, đầu năm 2019, Ban cử cán bộ kỹ thuật đo đạc, quy chủ và phối hợp, tham mưu các xã, thị trấn tổ chức họp bản, hướng dẫn người dân làm đơn xin bảo vệ diện tích được hưởng tiền DVMTR. Sau đó, bản cử người đại diện ký hợp đồng và có trách nhiệm nhận toàn bộ số tiền khi thanh lý hợp đồng để chi trả cho người dân. Đồng thời, rà soát, bàn giao diện tích rừng thuộc quyền hạn cho xã; cuối năm 2019 đến tháng 3/2010 hoàn thành công tác đo đạc, nghiệm thu. Trong quá trình tổ chức chi trả, đối chiếu danh sách của Ban và xã đảm bảo trùng khớp thông tin đúng quy định; cán bộ các đơn vị, địa phương giám sát quá trình chi trả đảm bảo công khai, đúng quy định và giải đáp thắc mắc ngay khi người dân có ý kiến về chế độ, chính sách liên quan. Với tinh thần chủ động, tích cực, các đơn vị, địa phương đã hoàn tất công tác chi trả đảm bảo kế hoạch đề ra.

So với năm 2018, số tiền chi trả DVMTR của huyện Tân Uyên năm 2019 tăng 20 tỷ đồng (từ 38 tỷ đồng lên 58 tỷ đồng). Điều này được ông Đoàn khẳng định: Đó là hiệu ứng từ chính sách chi trả DVMTR mang lại. Bởi năm 2012 trở về trước, trên địa bàn huyện thường xuyên xảy ra phá rừng, cháy rừng. 8 năm triển khai chi trả, tỷ lệ che phủ rừng nâng cao, chất lượng rừng tăng lên rõ rệt. Người dân thực sự coi chăm sóc, bảo vệ, trồng rừng là nghề để tạo sinh kế lâu dài. Minh chứng rõ nhất là năm 2010, tỷ lệ che phủ rừng của huyện chỉ đạt 18% đến cuối nhiệm kỳ 2015 - 2020 tăng 40,3% (vượt chỉ tiêu nghị quyết).

Cập nhật ngày 15/5/2020


Tác giả: Theo Hồng Thắm/baolaichau.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.509
Hôm qua : 6.608
Tháng 03 : 229.413
Năm 2024 : 660.248
Tổng số : 82.126.341