A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tân Uyên nỗ lực tái đàn lợn sau đợt dịch

(laichau.gov.vn)

Ngày 20/2/2020, huyện Tân Uyên đã công bố hết Dịch tả lợn Châu Phi. Ngay sau đó, huyện đã định hướng cho các hộ chăn nuôi tái đàn nhằm ổn định tăng trưởng đàn vật nuôi và đảm bảo nguồn thực phẩm từ thịt lợn trên địa bàn.

 

Sau thời gian tái đàn, đàn lợn trên địa bàn huyện Tân Uyên đang sinh trưởng tốt.

 

Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện ảnh hưởng nặng nề tới tổng đàn trên địa bàn huyện Tân Uyên. Trước thời điểm chưa có dịch đến ngày 30/3/2019, tổng đàn lợn của huyện là 32.624 con, đến 31/12/2019 tổng đàn lợn của huyện chỉ còn 18.048 con (giảm gần 50% tổng đàn). Nhờ được các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo nên khi có lợn bị ốm, chết, các hộ đã chủ động báo lên cấp trên. Những con bị dương tính, bị chết, các hộ đã phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn tiêu hủy đúng theo quy định, không để mầm bệnh lây lan, tiềm ẩn nguy cơ tái phát khi thực hiện tái đàn.

Nhằm ổn định tăng trưởng đàn vật nuôi và đảm bảo nguồn thực phẩm từ thịt lợn trên địa bàn, sau khi công bố hết dịch, huyện Tân Uyên đã triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) về công tác tái đàn sau Dịch tả lợn Châu Phi. Các cơ quan chuyên môn của huyện thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi đã xảy ra dịch bệnh. Thực hiện tái đàn lợn có kiểm soát, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền đến tất cả các hộ dân chuẩn bị chuồng trại đảm bảo để thực hiện tái đàn. Trong quá trình tái đàn, nhất định phải áp dụng đúng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; kiểm soát tốt các khâu trong quá trình chăn nuôi lợn; từ bỏ thói quen sử dụng thức ăn chăn nuôi tùy tiện...

Thời gian qua đã có nhiều xã, thị trấn, hộ gia đình trên địa bàn huyện thực hiện tái đàn hiệu quả. Nhiều gia đình nay đã có đàn lợn sinh trưởng phát triển tốt, không bị dịch bệnh và mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Nhiều hộ ở thị trấn Tân Uyên, xã Thân Thuộc (trong đó điển hình ở bản Hua Pầu) đã chuẩn bị chuồng trại để tái đàn với quy mô từ 20-30 con/hộ, có gia đình nuôi đến 80 con lợn. Đây sẽ là cơ sở để thúc đẩy sự khôi phục nhanh hơn cho ngành chăn nuôi lợn của tỉnh.

Tuy nhiên, thực hiện tái đàn ở quy mô rộng và trước nhu cầu lớn của người dân trong thời điểm hiện nay lại không phải chuyện dễ dàng. Ngay như việc tuân thủ đúng theo quy định đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi là một ví dụ. Theo bà Nguyễn Thị Luyến – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Uyên, hầu hết các hộ nông đều chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại chỉ được đầu tư có mức độ và công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chưa thực hiện thường xuyên, liên tục. Người dân cũng chỉ quan tâm vệ sinh chuồng trại sạch sẽ thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, còn việc phòng bệnh bằng các loại thuốc hóa học thì còn ít gia đình có điều kiện. Việc an toàn sinh học có lẽ chỉ mới thực hiện ở những trang trại lớn mà thôi.

Mặt khác, việc lựa chọn nguồn giống lợn đang gặp khó khăn do không có nguồn cung tại chỗ, phải phụ thuộc nhiều ở thị trường con giống các tỉnh miền xuôi. Trong khi đó, việc tái đàn hiện nay đang thực hiện đồng loạt ở các địa phương, nhu cầu con giống cũng đang bức thiết nên không còn nguồn để cung ứng lên các tỉnh miền núi như Lai Châu, hoặc nếu có cũng không nhiều. Theo như anh Vàng Văn Lai (bản Tân Hợp, thị trấn Tân Uyên), gia đình anh có nhiều năm chăn nuôi lợn nhờ tận dụng bã rượu và nguồn thức ăn trồng được, khi bị dịch bệnh vào tháng 9/2019, đàn lợn 24 con (khoảng 1,4 tấn lợn) của gia đình đều bị tiêu hủy. Đến nay, vợ chồng anh có nhu cầu tái đàn với khoảng 30 con nhưng mới tìm được 13 con lợn giống tại địa phương. 

Thiết nghĩ, công tác tái đàn lợn sau Dịch tả lợn Châu phi dù muốn đẩy nhanh tốc độ vẫn cần có thời gian để các địa phương thực hiện nhân giống. Song cũng rất cần sự quan tâm sâu sát và chỉ đạo quyết liệt hơn nữa của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn tham mưu để hỗ trợ cho người dân thực hiện tái đàn, đảm bảo tăng trưởng đàn gia súc.


Tác giả: Trịnh Hải
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 662
Hôm qua : 6.019
Tháng 04 : 127.016
Năm 2024 : 798.606
Tổng số : 82.264.699