• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu: Xây dựng gia đình văn hóa

(laichau.gov.vn)
Những năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp triển khai thực hiện giữa các ngành, đoàn thể, sự tham gia hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp Nhân dân. Đến nay, phong trào đã từng bước đi vào đời sống xã hội, trở thành một phong trào thi đua yêu nước rộng lớn của quần chúng, góp phần vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Phần thi chào hỏi tham gia Hội thi tìm hiểu pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình năm 2016 của Trường Cao đẳng Cộng đồng

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa được lồng ghép với các tiêu chí bình xét và công nhận danh hiệu gia đình văn hóa như gia đình không bạo lực, không sinh con thứ ba, không vi phạm pháp luật, không trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học, không mắc các tệ nạn xã hội… Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa công tác gia đình với phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã hướng các gia đình trên địa bàn tỉnh tích cực trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của dòng họ, tình làng, nghĩa xóm; đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang giảm hẳn so với những năm trước, tỷ lệ tảo hôn cũng giảm dần theo từng năm, đến nay 80% số cặp vợ chồng đăng ký kết hôn đúng độ tuổi; 89% số hộ gia đình thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn minh; 100% số hộ gia đình thực hiện đúng quy ước, hương ước của bản, khu phố, tỷ lệ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa đạt 80%.

Từ những kết quả đạt được trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa, người dân đã từng bước thực hiện tốt nếp sống văn minh ở khu dân cư. Đối với việc cưới, được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, đúng quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, tuân thủ các điều kiện nguyên tắc kết hôn; đơn giản hóa các thủ tục và tổ chức phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa của địa phương và hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình. Ngoài ra, việc tổ chức lễ hội cũng được thực hiện nghiêm túc, tiết kiệm.

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa được triển khai đồng bộ gắn với các phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” bao gồm các nội dung thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, xóa đói giảm nghèo, “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Gia đình, dòng họ hiếu học”… Các gia đình thường xuyên nhắc nhở các thành viên chăm lo xây dựng gia đình hòa thuận, đoàn kết tương trợ trong cộng đồng; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, sống kỷ cương, giao tiếp ứng xử lễ phép, gương mẫu chấp hành hương ước, quy ước của địa phương. Qua đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được đề cao phát huy, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực.

Việc phát động đăng ký và tổ chức bình xét danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm diễn ra công khai, dân chủ. Số lượng và chất lượng gia đình văn hóa ngày càng được nâng lên, năm 2015, toàn tỉnh có 80% gia đình được công nhận đạt chuẩn gia đình văn hóa, 64% số làng, bản, khu dân cư được công nhận đạt chuẩn văn hóa.

Ngoài các mô hình và phong trào trên, Lai Châu còn có các phong trào và mô hình như mô hình tín dụng gia đình nhằm hỗ trợ các gia đình vay vốn tín dụng để phát triển kinh tế hộ gia đình, phong trào hai giải, các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc… Qua các buổi sinh hoạt của các câu lạc bộ các hội viên được chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc con cái, bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình…Nhiều câu lạc bộ đã xây dựng được nguồn quỹ để hỗ trợ các thành viên phát triển kinh tế, thăm hỏi, tặng quà các thành viên trong câu lạc bộ lúc ốm đau, bệnh tật, hiếu hỷ…

Cùng với đó, tỉnh cũng đã đẩy mạnh công tác phòng chống bạo lực gia đình với nhiều hoạt động thiết thực như: Hàng năm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thi tìm hiểu các kiến thức về phòng chống bạo lực gia đình; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi họp bản, khu phố; các hoạt động tuyên truyền, vận động được triển khai đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thôn, bản, cụm dân cư và từng gia đình trên địa bàn toàn tỉnh… góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về trách nhiệm phòng, chống bạo lực gia đình từ đó tự giác tham gia thực hiện phong trào…

Các mô hình phòng chống bạo lực gia đình được thành lập và nhân rộng trên toàn tỉnh đến nay đã có 41 mô hình phòng chống bạo lực gia đình với 201 nhóm phòng chống bạo lực gia đình và 212 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững với 4.387 thành viên tham gia câu lạc bộ và 114 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng được xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh. Sự phát triển mô hình phòng chống bạo lực gia đình và sự lớn mạnh của các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, các nhóm phòng chống bạo lực gia đình, các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng đã làm giảm đáng kể tình trạng bạo lực gia đình. Đặc biệt là bạo lực trẻ em giảm hẳn, tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới, phụ nữ lấy chồng người nước ngoài ngày càng giảm. Tỷ lệ bạo lực gia đình trên địa bàn toàn tỉnh giảm hẳn còn 7%.

Ông Hoàng Quốc Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: Có thể nói, việc thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa những năm qua không những chỉ góp phần tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam mà còn tạo chuyển biến trong xây dựng mô hình gia đình mới, bình đẳng, ấm no, hạnh phúc; góp phần đẩy lùi hủ tục, các tệ nạn xã hội, tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm tính thiết thực, bền vững; từng bước giảm khoảng cách chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa của Nhân dân giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi với đồng bằng…

Xây dựng gia đình “ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” chính là mục tiêu xây dựng con người mới, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI). Để có một gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, vai trò nêu gương của ông bà, cha mẹ là vô cùng quan trọng, phải là tấm gương sáng trong tư duy, đạo đức, lời nói đến hành động. Mỗi gia đình phải xây dựng trên nền tảng của tình yêu thương và sự hy sinh, chia sẻ thực sự, có như vậy cuộc sống gia đình sẽ ngày càng bền chặt và hạnh phúc.

 

Hà Linh


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.659
Hôm qua : 8.942
Tháng 04 : 192.489
Năm 2024 : 864.079
Tổng số : 82.330.172