• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

“Phao cứu sinh” cho người nghèo trong đại dịch

(laichau.gov.vn)

Gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 42/NQ-CP được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 9/4/2020 chính là “phao cứu sinh” cho nhiều đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng trong đại dịch Covid-19. Sau khi Nghị quyết được ban hành, thành phố Lai Châu đã nhanh chóng triển khai hỗ trợ đến người được thụ hưởng.

Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB & XH) thành phố đã tham mưu cho UBND thành phố và phối hợp với các ngành chức năng, UBND các xã, phường tiến hành rà soát các nhóm đối tượng được thụ hưởng. Đến nay, đã rà soát được 4 nhóm đối tượng (1.642 người) gồm: người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo và cận nghèo với số tiền gần 2 tỷ đồng. Còn những đối tượng là người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; hộ kinh doanh có thu do cơ quan thuế thực hiện quản lý dưới 100 triệu đồng đang được đơn vị tiếp tục phối hợp rà soát để sớm chi trả tiền cho các đối tượng được hưởng thụ.

Cán bộ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, Bưu điện thành phố chi trả tiền cho đối tượng bảo trợ xã hội tại phường Đoàn Kết.
Cán bộ Phòng LĐ, TB & XH, Bưu điện thành phố chi trả tiền cho đối tượng bảo trợ xã hội tại phường Đoàn Kết.

Được biết, để đảm bảo chi trả cho các đối tượng kịp thời, nhanh chóng, công khai, minh bạch, ngày 29/4, Phòng LĐ, TB & XH thành phố phối hợp với Bưu điện thành phố thực hiện chi trả trực tiếp cho 609 người là các đối tượng người có công, đối tượng bảo trợ xã hội tại 7 xã, phường với số tiền 913.500 nghìn đồng. Còn 2 đối tượng hộ nghèo và cận nghèo sẽ tiếp tục được chi trả trong thời gian tới.

Có mặt tại phường Tân Phong, khi các cán bộ của Phòng LĐ, TB & XH thành phố, Bưu điện thành phố đang chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết 42/NQ-CP, chúng tôi nhận thấy sự phấn khởi, hồ hởi của nhiều người khi được nhận tiền hỗ trợ. Trò chuyện với bà Vũ Thị Nhài (tổ 8, phường Tân Phong) khi bà đang chờ nhận tiền hỗ trợ, chúng tôi được biết, hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn, chồng bà là ông Trần Trọng Thủy bị câm, điếc bẩm sinh, sức khỏe giảm sút nhiều nên mọi “công to, việc nhỏ” đều đến tay bà. Hiện nay, thu nhập chính của gia đình chỉ trông chờ vào số tiền 540 nghìn/tháng của ông Thủy được Nhà nước hỗ trợ cho đối tượng bảo trợ xã hội và mấy chục mét vuông đất vườn trồng rau của bà. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bà Nhài không đi chợ buôn bán được, kinh tế vốn đã khó khăn nay lại càng vất vả hơn. Nay được Chính phủ hỗ trợ tiền trong 3 tháng (từ tháng 4 - tháng 6) với số tiền 500 nghìn đồng/tháng đã phần nào giúp gia đình bà Nhài vơi bớt khó khăn. "Số tiền hỗ trợ của Chính phủ lúc này chính là “phao cứu sinh” cho những đối tượng yếu thế như chúng tôi có thêm động lực vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra” - bà Nhài bộc bạch.

Còn với ông Đỗ Thanh Hiến ở tổ 2 (phường Đoàn Kết) là thương binh hạng 2/4, bị nhiễm chất độc hóa học trong kháng chiến chống Mỹ, chia sẻ: Cảm ơn Đảng và Chính phủ đã kịp thời hỗ trợ cho người nghèo, đối tượng yếu thế, người bị ảnh hưởng kinh tế do dịch Covid-19, giúp nhiều hộ gia đình vượt qua khó khăn. Bản thân những người có công như chúng tôi cũng cảm thấy ấm lòng khi được quan tâm, hỗ trợ”.

Hơn 1 tháng nay, khi tỉnh phát hiện có ca bị nhiễm Covid-19, bà Ngô Thị Long ở tổ 14 (phường Tân Phong) không có việc làm. Vốn làm nghề trông trẻ tại nhà cho các hộ gia đình có con nhỏ nhưng do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để chống dịch Covid-19 nên bà phải ở nhà theo quy định. Bà Long tâm sự: “Thời gian qua thực sự là chuỗi ngày khó khăn nhất đối với gia đình tôi. Bởi tôi là lao động chính trong gia đình, do dịch bệnh không đi làm được nên chỉ quanh quẩn ở nhà. Vì vậy, tôi rất mong được nhận tiền hỗ trợ để giải quyết khó khăn trước mắt, giúp gia đình vượt qua cơn bĩ cực”.

Tuy nhiên, theo đồng chí Vũ Thị Huệ - Trưởng Phòng LĐ, TB & XH thành phố Lai Châu cho biết: Nghị quyết 42/NQ-CP là chính sách lớn, để triển khai hiệu quả, kịp thời, đúng người, đúng đối tượng hiện đang gặp nhất nhiều khó khăn. Nhất là việc rà soát các đối tượng có phải lao động tự do bị mất việc là rất khó, trong khi đó, đối tượng thụ hưởng nhiều, thời gian thống kê ngắn. Ngoài ra, việc phối hợp rà soát các hộ kinh doanh thu thuế dưới 100 triệu đồng, các doanh nghiệp, người lao động mất việc, thiếu việc, ngừng việc, bị giảm sâu thu nhập (bao gồm cả có hợp đồng và không có hợp đồng lao động) rất khó khăn, phức tạp và mất nhiều thời gian như phải thẩm định, xác nhận qua cơ quan thuế, Bảo hiểm Xã hội, các ngành chức năng, UBND xã, phường, tổ trưởng tổ dân phố, bản. Đặc biệt, một số văn bản thiếu tính thống nhất nên rất khó khăn trong thực hiện. Vì vậy, chúng tôi rất cần có hướng dẫn cụ thể để triển khai Nghị quyết 42/NQ-CP hiệu quả và quan trọng nhất là đúng đối tượng, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân.

 Cập nhật ngày 05/5/2020.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.578
Hôm qua : 6.608
Tháng 03 : 229.482
Năm 2024 : 660.317
Tổng số : 82.126.410