• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phòng, chống Covid-19

(laichau.gov.vn)

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành; trong giải quyết công việc tại các cơ quan, đơn vị; trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường sử dụng các dịch vụ trực tuyến… Đây là những việc mà tỉnh Lai Châu đang làm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp.

Cuộc họp giữa lãnh đạo UBND tỉnh với đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan thông qua phần mềm Zoom Cloud Meeting. 

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh: “Làm tốt Chính phủ điện tử cũng là một giải pháp ngăn ngừa Covid-19”, “Đây là thời cơ đẩy mạnh kinh tế số, thương mại điện tử và là dịp cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa” và gần đây nhất là Chỉ thị số 16/CT- TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong đó có nhấn mạnh việc cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; tăng cường tổ chức họp trực tuyến...

Thực hiện sự chỉ đạo này, tỉnh Lai Châu đã và đang triển khai rất tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi mặt để phòng, chống Covid-19. Điển hình trong công tác chỉ đạo, điều hành, UBND tỉnh Lai Châu đã triển khai và chỉ đạo quyết liệt việc gửi nhận văn bản điện tử. Toàn bộ văn bản chỉ đạo, điều hành của tỉnh được triển khai trên Hệ thống quản lý văn bản điều hành. Hiện nay, tỉnh Lai Châu đã thiết lập hệ thống quản lý văn bản và điều hành trong tất cả các cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị xã hội, các tổ chức liên hiệp hội do tỉnh thành lập với tổng số 698 cơ quan và 8200 tài khoản; 100% cơ quan nhà nước thực hiện xử lý công việc trên môi trường mạng. Tính đến ngày 4/4/2020, tỉnh Lai Châu chủ yếu gửi nhận văn bản điện tử với 1.712.130 văn bản điện tử được gửi nhận.

Trong tình hình dịch Covid-19 và thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg thực hiện cách ly toàn xã hội, nhiều cơ quan hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức chuyển máy móc, thiết bị về nhà nếu có nhu cầu, để có thể xử lý công việc mà không cần làm việc tại cơ quan, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ xuyên suốt, không bị gián đoạn. Cùng với đó là khai thác tối đa hệ thống thư công vụ, hệ thống ký số (hiện tỉnh Lai Châu đã cấp 1.983 chữ ký số, trong đó: tổ chức 572, cá nhân 1.411; Sim ký số 120) nhờ đó đã đáp ứng nhu cầu điều hành, xử lý công việc mọi lúc, mọi nơi. Không chỉ vậy, tất cả các cuộc họp phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh đều được sử dụng hình thức họp trực tuyến trên hệ thống giao ban trực tuyến hoặc qua phần mềm Zoom Cloud Meetings. Qua đó, mọi công tác chỉ đạo, điều hành được thực hiện thông suốt.

Hiện nay, tỉnh Lai Châu có Hệ thống giao ban trực tuyến, đặt điểm cầu tại Văn phòng UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố và 99 điểm cầu UBND cấp xã. Hệ thống này đáp ứng camera tối thiểu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của tỉnh. Ngoài ra tỉnh Lai Châu còn khuyến khích các cá nhân trong nội bộ của tỉnh, các cơ quan có thể sử dụng 1 trong các phần mềm Zoom Cloud Meeting, Skype, Google Hanggout Me, Lifesize, Gotomeeting… để phục vụ cho công việc.

Lãnh đạo sở, ngành sử dụng phần mềm trực tuyến trong điều hành công việc. 

 

Riêng trong hoạt động giải quyết thủ tục hành chính, ngày 01/4/2020, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 659/UBND-KSTT để thực hiện nghiêm túc nguyên tắc cách ly toàn xã hội trong công tác giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Trong đó, riêng Trung tâm Hành chính công đã chỉ đạo tạm dừng việc tiếp nhận trực tiếp hồ sơ thủ tục hành chính trong vòng 15 ngày kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2020; chỉ tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính gửi trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, Cổng Dịch vụ công quốc gia và hồ sơ được gửi qua dịch vụ Bưu chính công ích. Qua đó góp phần thúc đẩy người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, hạn chế tiếp xúc đông người. Hiện nay tổng số dịch vụ công của tỉnh là 2.062 dịch vụ, trong đó ở mức độ 3 là 64 dịch vụ, mức độ 4 là 72 dịch vụ.

Để đảm bảo việc kết nối công nghệ thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành trong phòng, chống dịch Covid-19, UBND tỉnh Lai Châu còn chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Ma Lù Thàng và UBND các huyện, thành phố lập danh sách cán bộ đầu mối các cơ sở y tế tham gia cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 để thực hiện kết nối hệ thống điều hành, họp trực tuyến với hệ thống công nghệ thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo Quốc gia.

Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu ngành về công nghệ thông tin của tỉnh đã tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản về kết nối công nghệ thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành trong phòng, chống dịch Covid-19 và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn tỉnh. Theo đó, Sở đã đề nghị các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh: Tăng cường phổ biến, triển khai áp dụng, hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động áp dụng các nền tảng, giải pháp họp, hội nghị trực tuyến, văn phòng làm việc trực tuyến, kênh giao tiếp số; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; thiết lập, hướng dẫn sử dụng các kênh hỏi đáp trực tuyến để người dân, doanh nghiệp liên hệ, hỏi đáp khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công, các phương tiện giao tiếp trên Internet; chú trọng các hoạt động phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin để đảm bảo giải quyết công việc trực tuyến thông suốt…

Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông còn tăng cường chỉ đạo các cơ quan báo chí, Cổng Thông tin điện tử tỉnh tăng cường thời lượng, tần suất, lịch phát sóng các bài viết về công nghệ, phổ biến các ứng dụng, giải pháp liên quan đến chủ đề cuộc sống số; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo lưu lượng, chất lượng Internet, 3G, 4G, theo dõi, tăng lưu lượng để kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng; đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, cung cấp giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt; chỉ đạo các doanh nghiệp Bưu chính trên địa bàn tăng cường giới thiệu đến người dân, doanh nghiệp sàn thương mại điện tử và các dịch vụ giao hàng tận nơi, giao hàng tiết kiệm, thanh toán trực tuyến để hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm.

Chuyên viên Sở Thông tin và Truyền thông họp trực tuyến.

 

Trao đổi với chị Bùi Thị Lan - Chuyên viên Phòng Bưu Chính - Viễn Thông - Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông được biết: Hiện nay, tất cả các cuộc họp giao ban hàng ngày, hàng tuần giữa lãnh đạo Sở với các phòng chuyên môn và Trung tâm, hoặc giữa các phòng chuyên môn với nhau được chúng tôi thực hiện qua phần mềm Zoom Cloud Meeting hoặc Microsoft Teams. Cùng với đó, chúng tôi trao đổi tài liệu qua Hệ thống quản lý văn bản điều hành và thư công vụ. Qua việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp chúng tôi có thể báo cáo, trao đổi công việc khá thuận lợi, nhờ vậy mọi công việc đảm bảo thông suốt, phục vụ tốt cho thực hiện nhiệm vụ.

Nhớ lại câu nói vui của một lãnh đạo đầu ngành: "Giờ người người ký số, nhà nhà zalo, cơ quan nào cũng trực tuyến, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký văn bản thì chỉ vài phút sau là cấp xã đã nhận được....". Điều này chứng minh rằng: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động sẽ là giải pháp với mục tiêu "kép" vừa  hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19; vừa góp phần không nhỏ giúp tỉnh Lai Châu xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy thương mại điện tử và cải cách hành chính mạnh mẽ hơn.


Tác giả: Duy Đức
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.539
Hôm qua : 8.942
Tháng 04 : 191.369
Năm 2024 : 862.959
Tổng số : 82.329.052