• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần xây dựng nền nông nghiệp tín nhiệm “Nông nghiệp sạch, an toàn, chất lượng, nông nghiệp hữu cơ”

(laichau.gov.vn)

Trong nông nghiệp, muốn cạnh tranh được cần tiếp tục giảm giá thành, giảm chi phí, nhất là chi phí logistics, chi phí vận chuyển. Cần xây dựng thương hiệu nông sản, từ đó có thể quy hoạch vùng nguyên liệu quy mô lớn. Cần xây dựng một nền nông nghiệp tín nhiệm, đó là nông nghiệp sạch, an toàn, chất lượng, nông nghiệp hữu cơ...

Đ/c Giàng A Tính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.

 

Đây là một trong những phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp” được Chính phủ tổ chức sáng nay (21/2).  Về phía tỉnh Lai Châu có sự tham dự của đồng chí Giàng A Tính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh và một số doanh nghiệp trên địa bàn.

Hội nghị này được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng, xác định giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp gắn với chương trình khoa học công nghệ quốc gia với các chương trình đầu tư vào chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp. Đặc biệt, Hội nghị kỳ vọng thu hút các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp tại các vùng, địa phương trọng điểm phát triển nông nghiệp.

Báo cáo tóm tắt công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp cho thấy: Trong 10 năm trở lại đây cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản của nước ta đã có những bước phát triển đáng kể. Hình thành hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm. Cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi trong nhiều khâu của chuỗi sản xuất nông nghiệp. Công nghiệp chế biến nông sản làm nền nông nghiệp thay đổi mạnh mẽ, từ tự cung tự cấp sang xuất khẩu tới trên 186 nước và vùng lãnh thổ, kể cả thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật bản. Ví dụ như chế biến hạt điều, cafe, sữa...

Kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, bình quân 8-10% trong nhiều năm qua (năm 2019 đạt mức kỷ lục 41,3 tỷ USD). Các nhà máy chế biến nông lâm thuỷ sản phần lớn được xây dựng ở khu vực nông thôn, đã đóng góp tích cực trong cải thiện bức tranh kinh tế - xã hội nông thôn; hình thành các thị trấn, thị tứ tại khu vực xây dựng các nhà máy chế biến; giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1,6 triệu lao động mà phần lớn là con em nông dân, với mức thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, công nghiệp chế biến nông sản vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Chưa đáp ứng được yêu cầu đầu ra cho khâu sản xuất nguyên liệu; gia tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến còn thấp; chất lượng sản phẩm chưa ổn định, còn tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm; dây chuyền thiết bị cũ, công nghệ chưa tiên tiến, sản phẩm đơn giản, tiêu hao nhiều nguyên liệu và năng lượng; sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao tỷ lệ còn thấp...

Khẳng định nông nghiệp Việt Nam hiện nay còn tiềm năng lớn, có thể làm giàu từ nông nghiệp, nhưng lãng phí và thất thoát trong nông nghiệp vẫn còn cao trong các khâu chế biến, thu hoạch, bảo quản; cơ giới hóa còn thấp, nên năng suất lao động nông nghiệp thấp. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần lắng nghe, tiếp thu, vận dụng phù hợp; tháo gỡ, tạo điều kiện cho hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển nông nghiệp Việt Nam để đón bắt thời cơ mới, trong điều kiện mới của Việt Nam.

Thủ tướng cho rằng đẩy mạnh xuất khẩu nông sản tươi cũng rất cần thiết, nhưng chế biến sâu là hướng đi quan trọng để chúng ta chủ động với thị trường toàn cầu. Việt Nam ở đâu cũng có sản phẩm nông nghiệp, cũng có đặc sản. Vì vậy tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường là điều rất quan trọng. Phải giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp mạnh mẽ bằng cách áp dụng cơ giới hóa. Tiếp tục áp dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số, công nghệ sinh học, cơ khí để nâng cao giá trị, chất lượng. Muốn cạnh tranh được cần tiếp tục giảm giá thành, giảm chi phí, nhất là chi phí logistics, chi phí vận chuyển. Cần xây dựng thương hiệu nông sản, từ đó có thể quy hoạch vùng nguyên liệu quy mô lớn. Cần xây dựng một nền nông nghiệp tín nhiệm, đó là nông nghiệp sạch, an toàn, chất lượng, nông nghiệp hữu cơ.

Để bảo đảm triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm nêu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì khẩn trương hoàn thành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa và công nghiệp chế biến nông sản đến năm 2030 và Đề án phát triển 3 ngành chế biến để phấn đấu đứng trong tốp 5 nước hàng đầu thế giới về: Chế biến rau, củ, quả; thủy, hải sản; gỗ và sản phẩm từ gỗ; trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp thay thế Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013. Bộ Công Thương triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam; Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, hợp tác xã trong lĩnh vực nâng cấp công nghệ chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; UBND các tỉnh, thành phố, bên cạnh thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, phải chủ động xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn một cách thực chất và hiệu quả hơn...


Tác giả: Lê Dũng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.279
Hôm qua : 6.608
Tháng 03 : 227.183
Năm 2024 : 658.018
Tổng số : 82.124.111