A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật

(laichau.gov.vn)

Sáng nay (24/11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 63 điểm cầu của các tỉnh, thành trong cả nước.

Các đại biểu tại điểm cầu Lai Châu.

Tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có các đồng chí: Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh dự Hội nghị.

Với chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển phục vụ người dân và doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh cho khởi nghiệp sáng tạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, điều hành. Thủ tướng Chính phủ có nhiều chỉ đạo ngày càng quyết liệt hơn trong công tác xây dựng thể chế, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ban, ngành Trung ương, các đơn vị hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng các dự thảo văn bản. Giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống pháp luật nước ta tiếp tục được hoàn thiện cả về số lượng và chất lượng. Hầu hết, các lĩnh vực của đời sống, xã hội đều có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, cơ bản thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, không chỉ góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội mà còn đảm bảo xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, chủ động hội nhập quốc tế của đất nước.

Giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 112 văn bản, trong đó có 71 Luật, 2 pháp lệnh, 22 nghị quyết của Quốc hội, 17 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (giảm 8 văn bản so với giai đoạn 2011 - 2015); Chính phủ ban hành 745 nghị định (tăng 24 nghị định so với giai đoạn 2011 - 2015); Thủ tướng Chính phủ ban hành 232 quyết định (giảm 129 quyết định so với giai đoạn 2011 - 2015); các Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành 2.422 thông tư, 110 thông tư liên tịch (giảm 201 văn bản so với giai đoạn 2011 - 2015) và ở địa phương ban hành tổng số 92.799 văn bản gồm: 16.341 văn bản cấp tỉnh (tăng 2.552 văn bản so với giai đoạn 2011 - 2015); 12.427 văn bản cấp huyện (giảm 18.320 văn bản so với giai đoạn 2011 - 2015) và 64.031 văn bản cấp xã (giảm 131.083 văn bản so với giai đoạn 2011-2015).

Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, số lượng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm so với giai đoạn 2011 - 2015. Điều đó, thể hiện chuyển dần theo hướng chỉnh tinh hệ thống pháp luật, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các luật, pháp lệnh, nghị định đáp ứng nhu cầu của đời sống kinh tế, xã hội...

Các văn bản đều được đánh giá về tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ trước khi ban hành. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới, tiến bộ hơn, áp dụng khoa học công nghệ vào công tác truyền thông để đưa pháp luật đi vào cuộc sống nhanh hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn…

Tham luận tại Hội nghị, các cơ quan Quốc hội, Bộ, ngành Trung ương, đơn vị, địa phương tập trung về vấn đề: Công tác thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách pháp luật; công tác phối hợp trong xây dựng pháp luật; hoàn thiện và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và yêu cầu đặt ra cho công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật của Chính phủ...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ, Hà Nội.
(Ảnh: baochinhphu.vn)

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương những kết quả của công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh, việc thể chế pháp luật là nhiệm vụ đột phá mà Đảng và Nhà nước ta đã xác định. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành Trung ương thực hiện tốt một số nhiệm vụ: Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; sử dụng công cụ chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Đổi mới hoàn thiện quy trình và hiện đại hóa kỹ thuật xây dựng pháp luật; tiếp tục rà soát hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành, theo dõi thi hành pháp luật đảm bảo hiệu lực, hiệu quả; kiên quyết chấm dứt tình trạng nợ đọng văn bản. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải là người trực tiếp chỉ đạo việc thực thi pháp luật, bố trí nguồn lực, xiết chặt kỷ luật, kỷ cương, phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, giữ gìn liêm chính trong việc xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật…


Tác giả: Thanh Hoa
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.927
Hôm qua : 7.759
Tháng 04 : 137.040
Năm 2024 : 808.630
Tổng số : 82.274.723