• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản
Chiến thắng Điện Biên Phủ - mốc son lịch sử

Lực lượng vũ trang Liên khu 4 với Chiến thắng Điện Biên Phủ

(laichau.gov.vn)

Chiến cục Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đánh bại kế hoạch Navarre của thực dân Pháp-sự kiện có ý nghĩa quyết định kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong chiến công lẫy lừng đó có sự đóng góp không nhỏ của LLVT và nhân dân Liên khu 4 (nay là Quân khu 4).

Chiến dịch Trung Lào kéo giãn đội hình địch

Ngày 24-7-1953, kế hoạch quân sự toàn diện của Navarre được Chính phủ và Hội đồng Quốc phòng Pháp thông qua.

Để đối phó với kế hoạch Navarre của địch, cuối tháng 9-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã họp bàn về nhiệm vụ quân sự, phân tích sâu sắc thế chiến lược giữa ta và địch, ra nghị quyết thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954. Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy và giao cho Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng Mặt trận.

Để phân tán lực lượng địch, tạo thuận lợi cho trận quyết chiến ở Điện Biên Phủ, Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị chủ lực phối hợp mở đợt tiến công mạnh mẽ trên các chiến trường: (1) Tiến công Lai Châu, uy hiếp Điện Biên Phủ từ phía Bắc; (2) Phối hợp với Quân giải phóng Lào mở chiến dịch tiến công vào Trung Lào; (3) Tiến sâu xuống Hạ Lào và phía Đông Campuchia; (4) Tiến công trên Mặt trận Bắc Tây Nguyên; (5) Phối hợp tiến công phòng tuyến địch tại Thượng Lào. Đồng thời đẩy mạnh ở tuyến ngoài và sau lưng địch ở chiến trường trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, ở Bình Trị Thiên, Nam Trung Bộ, Nam Bộ để phối hợp với chiến trường chính.

Lực lượng vũ trang Liên khu 4 với Chiến thắng Điện Biên Phủ
Bộ đội địa phương Thanh Hóa hành quân chi viện cho Mặt trận Điện Biên Phủ, tháng 1-1954.  Ảnh tư liệu

Thực hiện chỉ thị của Bộ Tổng Tư lệnh, Liên khu ủy và Bộ tư lệnh Liên khu 4 đã khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị cho Chiến dịch Trung Lào. Đầu tháng 12-1953, phát hiện được lực lượng và hướng tiến công của ta, địch đã điều đến Trung Lào 6 tiểu đoàn cơ động và 1 tiểu đoàn pháo để đối phó. Chúng ra sức củng cố, tổ chức thành nhiều tuyến phòng ngự trên Đường 8 và Đường 12, nhất là các vị trí then chốt như Ba Na Phào, Na Pê. Cùng với việc tổ chức các tuyến phòng ngự, địch còn tổ chức nhiều cuộc tiến công ra vùng căn cứ của Lào và Việt Nam, thọc sâu quấy phá vùng biên giới Việt-Lào.

Về phía ta, Bộ tư lệnh Liên khu 4 củng cố Trung đoàn 280 đủ 3 tiểu đoàn, tổ chức các đại đội độc lập, tăng cường 200 cán bộ cho Ban cán sự Trung Lào. Chính ủy Liên khu 4 Võ Thúc Đồng được cử sang làm Bí thư Ban cán sự và Chính ủy Quân tình nguyện. Đồng chí Hoàng Sâm và Trần Quý Hai được cử tham gia Bộ chỉ huy Mặt trận Trung, Hạ Lào.

Thực hiện kế hoạch phối hợp, phía bạn Lào tổ chức thêm 5 đại đội Pathet Lào; phía ta khẩn trương thành lập các trạm vận tải từ Nghệ-Tĩnh sang Trung Lào. Tỉnh Hà Tĩnh và 3 huyện ở phía Nam Nghệ An được Trung ương giao nhiệm vụ cung cấp lương thực, thực phẩm cho Chiến dịch Trung Lào.

Với phương châm tác chiến "chủ động, linh hoạt, bất ngờ, đánh chắc, diệt gọn", Bộ chỉ huy liên quân Chiến dịch Trung Lào đã giao nhiệm vụ cho Đại đoàn 325 cắt đứt Đường 13, con đường giao thông Bắc-Nam Đông Dương chủ yếu của địch ở Lào. Bị tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực, địch buộc phải điều quân cơ động đến giữ Trung Lào, vì vậy, thế tập trung của tướng Navarre cho Bắc Bộ Việt Nam từng bước bị phá sản.

Đêm 21-12-1953, Tiểu đoàn 274 và Tiểu đoàn 328 (Đại đoàn 325) tranh thủ lúc địch đang củng cố công sự, bất ngờ tập kích đồn Khăm He, tiêu diệt nhanh chóng tiểu đoàn lính Âu-Phi và 1 đại đội pháo binh địch. Trận Khăm He giáng một đòn mạnh mẽ vào tinh thần binh lính địch ở Trung Lào. Ngày 22-12-1953, Trung đoàn 66 (Đại đoàn 304) chuẩn bị tiến công các vị trí Mụ Giạ, Ba Na Phào, quân địch rút chạy. Tiểu đoàn 782 (Trung đoàn 66) của ta chạy bộ đuổi địch rút lui bằng cơ giới, tiêu diệt cả Tiểu đoàn số 2 bộ binh thuộc địa RTM.

Chỉ trong 3 ngày, 3 tiểu đoàn lính Âu Phi cơ động và 1 tiểu đoàn pháo binh gồm 2.200 tên bị tiêu diệt. Quân địch hốt hoảng bỏ cả phòng tuyến tháo chạy.

Ngày 25-12-1953, Liên quân Lào-Việt tiến đến sông Mê Công, giải phóng thị xã Thà Khẹt. Tiếp đó, lợi dụng sơ hở của địch, Trung đoàn 66 mở một loạt cuộc tiến công tiêu diệt các vị trí Hiu Xìu, Đồng Hến, Pha Lan, Mường Phía, cắt Đường 9 và giải phóng miền Đông Savannakhet.

Với quyết tâm chiến đấu cao cùng sự tích cực, chủ động, linh hoạt, Trung đoàn 66 và Trung đoàn 101 đã cùng Quân giải phóng Pathet Lào áp đảo quân địch, giải phóng hầu hết vùng Trung Lào rộng lớn.

Trong Chiến dịch Trung Lào, Liên khu 4 phối hợp với bạn Lào loại khỏi vòng chiến đấu 6.100 tên (hầu hết là lính Âu-Phi tinh nhuệ), thu 1.200 khẩu súng, hơn 2.000 xe ô tô quân sự; phá tan tuyến phòng ngự Đường 8 và Đường 12 của địch; giải phóng một vùng rộng lớn 400.000km2 và 40.000 dân.

Bình Trị Thiên chia lửa

Cùng với Chiến dịch Trung Lào, quân và dân Liên khu 4 đã đẩy mạnh đánh địch ở Bình Trị Thiên để chia lửa với Điện Biên Phủ. Thời điểm đó, ở địa bàn Bình Trị Thiên, quân địch có khoảng 30.000 tên, thường xuyên tổ chức càn quét để bình định có trọng điểm ở vùng đồng bằng Quảng Trị, ven Đường 9 và Nam Thừa Thiên. Chúng tăng cường phòng ngự Quốc lộ 1, đường sắt, cửa biển Lăng Cô để đề phòng quân ta chia cắt đường từ Đà Nẵng ra Huế. Bộ tư lệnh Liên khu 4 chủ trương đẩy mạnh chiến tranh du kích sau lưng địch, phục kích tiêu hao lực lượng địch, liên tục chiến đấu phối hợp với các chiến trường trong Đông Xuân 1953-1954.

Ngày 22-12-1953, quân ta nổ súng tiến công ở Vĩnh Linh, Gio Linh, tiêu diệt 5 vị trí địch ở Sen Hạ, Chợ Da, Hà Tây, Đằng Đằng và Dốc Miếu. Từ ngày 28 đến 30-12-1953 chống phá trận càn lớn của địch vào Liêm Hóa, Quang Hóa. Trong hai tháng đầu năm 1954, phối hợp với Chiến dịch Trung Lào, quân dân Bình Trị Thiên liên tiếp đánh mạnh trên Quốc lộ 1, Đường 9 và đường xe lửa, phá nhiều cầu cống, nhiều đoàn tàu và xe quân sự, làm tắc nghẽn giao thông của địch.

Cùng lúc, ở phía Đông Đường 9, Trung đoàn 18 và LLVT Quảng Trị tiến công địch trên tuyến dài từ Cam Lộ đến Lao Bảo, giải phóng hoàn toàn huyện Hướng Hóa và một phần huyện Cam Lộ. Sau đó, Trung đoàn 18 tiến lên Sê Pôn tham gia Chiến dịch Trung Lào trong đội hình Đại đoàn 325. LLVT Bình Trị Thiên còn tổ chức luồn sâu vào lòng địch, đánh thắng nhiều trận. Ngày 28-1-1954 đánh trận chống càn ở Triệu Sơn (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), phá tan âm mưu bình định vùng Cửa Việt, Cửa Tùng và đồng bằng hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng. Ngày 6-2-1954, Tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Thừa Thiên luồn sâu vào vùng tạm chiếm, tập kích vào Niêm Phò thắng lợi.

Ngày 22-2-1954, ta đánh thắng trận càn của 5 tiểu đoàn địch vào hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị).

Từ nửa cuối tháng 3-1954, LLVT Liên khu 4 đồng loạt tấn công địch. Tại Quảng Bình, bộ đội địa phương đã đánh địch 265 trận, tiêu diệt 763 tên và làm bị thương 137 tên, bắt sống 66 tên, thu 104 súng cùng hàng vạn viên đạn các loại, phá 16 xe và 4 lô cốt.

Lực lượng du kích đã đánh địch 217 trận, trong đó có 2 trận chống càn, tiêu diệt 58 tên địch, làm bị thương 56 tên, bắt 18 tên gián điệp, phối hợp với các đơn vị chủ lực diệt 3 vị trí, 2 lô cốt, phá 4 xe vận tải, cắt 14km dây điện thoại.

Quân và dân Thừa Thiên Huế đã đánh 202 trận, trong đó có 32 trận chống càn, tiêu diệt 1.569 tên, làm bị thương 362 tên, bắt sống 272 tên, phá hủy 25 xe, 45 đầu máy và 80 toa xe lửa, thu 472 súng, phá 14 cầu, cắt 29km dây điện thoại.

Đấu tranh địch vận được đẩy lên một bước: Rải 13 vạn truyền đơn, tổ chức 35 vụ đấu tranh (14 vụ có lãnh đạo), vận động được 1.469 ngụy binh ra hàng, vận động 1.734 gia đình ngụy binh và 421 gia đình đi đòi chồng, con đang làm việc cho địch trở về...

Chiến thắng của quân dân Bình Trị Thiên cùng với chiến thắng ở các chiến trường khác đã tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta tiến công địch ở Điện Biên Phủ.

Chi viện cho Điện Biên Phủ

Ngày 9-11-1953, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Thông tri "Về nhiệm vụ cung cấp cho mặt trận" gửi các liên khu ủy (Việt Bắc, 3 và 4). 

Với tinh thần "tất cả cho tiền tuyến", trong Chiến dịch Thượng Lào, tỉnh Nghệ An đã huy động 72.440 dân công, sửa 170km đường, làm 100 cầu, vận chuyển 700 tấn gạo, lương thực, thực phẩm. Tỉnh Thanh Hóa đã huy động được 114.000 dân công dài hạn, 149.000 dân công ngắn hạn, 2.000 xe đạp thồ, 1.300 thuyền, 180 con ngựa, 8 xe ô tô, vận chuyển 8.000 tấn gạo và hàng chục tấn muối, cá, thịt, rau...

Trong Chiến dịch Trung Lào, tỉnh Nghệ An đã huy động hơn 20.000 dân công bộ và thuyền, gần 1.500 xe đạp thồ chủ yếu phục vụ trung tuyến và hỏa tuyến. Tỉnh Hà Tĩnh đóng góp 28.300 người trực tiếp phục vụ trên đất Lào, cung cấp 3.409 tấn gạo, 154 tấn muối, 2.102 con trâu, bò, cấp phát 50 tấn vũ khí, đạn dược.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, các tỉnh Thanh-Nghệ-Tĩnh đã nỗ lực tham gia vận tải, cứu thương suốt chiến dịch; đóng góp cho chiến trường 4.361 tấn gạo, 355 tấn thực phẩm, 2.000 con lợn, 325 con trâu, bò; huy động gần 53.000 người, 2.217 xe đạp thồ, 342 xe cút kít, 1.048 thuyền vận tải để vận chuyển lương thực, thực phẩm và vũ khí đến Điện Biên Phủ. Riêng tỉnh Nghệ An đã huy động 6.600 dân công với tổng số hơn 1,5 triệu ngày công; sửa chữa và mở các tuyến đường mới với chiều dài 320km, bắc 3 cầu lớn, 32 cầu nhỏ, 53 cống qua các địa bàn trọng yếu dẫn ra tiền tuyến.

Đặc biệt, Liên khu 4 sau khi hoàn thành chỉ tiêu tuyển quân năm 1953 đã chủ động tuyển thêm 4.000 tân binh. Kế hoạch đầu năm 1954 được giao tuyển 4.200 tân binh nhưng trong 6 tháng đầu năm 1954, toàn Liên khu đã cung cấp 14.553 tân binh, chưa kể quân số của Trung đoàn 53 và Tiểu đoàn 362 mà bộ đã điều toàn bộ đơn vị lên Việt Bắc. Ngoài ra còn tuyển thêm 1.833 tân binh để phát triển bộ đội chủ lực của địa phương.

Như vậy, không chỉ góp công sức, bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến dịch Thượng Lào mà thông qua Chiến dịch Trung Lào, các hoạt động chiến đấu ở Bình Trị Thiên của quân dân Liên khu 4 trong Đông Xuân 1953-1954 đã phân tán lực lượng địch, tạo điều kiện thuận lợi cho Chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi. Đó cũng là một sáng tạo trong nghệ thuật quân sự-yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm cho mọi thắng lợi của Quân đội ta trong các cuộc chiến tranh giữ nước.

PHAN THẮNG

Cập nhật ngày 19/4/2024


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.528
Hôm qua : 4.946
Tháng 05 : 6.474
Năm 2024 : 894.786
Tổng số : 82.360.879