A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, Đảng bộ tỉnh Lai Châu lãnh đạo Nhân dân xây dựng quê hương, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia

(laichau.gov.vn)

Cách đây tròn 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng quân ủy Trung ương, quân và dân ta đã giành Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Geneve về Ðông Dương. Tỉnh Lai Châu tự hào đã có nhiều đóng góp quan trọng vào chiến thắng chung của dân tộc.

Đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)

Bước sang năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta tiếp tục trên đà thắng lợi. Vùng giải phóng của ta được mở rộng, tổ chức Đảng và bộ máy chính quyền được củng cố, Nhân dân thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, bộ đội ta được rèn luyện qua nhiều chiến dịch càng trở nên anh dũng, tinh thần chiến đấu của quân dân cả nước lên cao. Trong khi đó, sau 8 năm tiến hành chiến tranh, quân Pháp đã bị sa lầy trong một cuộc chiến tiêu hao không có lối thoát và suy yếu nghiêm trọng: các chiến dịch liên tục bị thất bại, số quân thiệt hại ngày càng lớn, vùng chiếm đóng bị thu hẹp.

Để xoay chuyển tình thế, ngày 07/5/1953, Chính phủ Pháp cử tướng Nava làm tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Nava đề ra kế hoạch kết thúc chiến tranh trong vòng 18 tháng, buộc ta phải đàm phán trong tình thế có lợi cho Pháp. Nếu không chúng sẽ tiến công tiêu diệt chủ lực ta.

Tháng 11/1953, bộ đội chủ lực của ta hành quân lên Tây Bắc. Bị uy hiếp ở chỗ sơ hở nhất, yếu nhất, thực dân Pháp vội vàng cho quân nhảy dù tái chiếm Điện Biên Phủ. Đây là việc nằm ngoài kế hoạch Nava. Quân Pháp được lệnh phải bảo vệ Điện Biên Phủ bằng mọi giá và xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, thách thức bộ đội chủ lực của ta lên quyết chiến. Tổng số binh lực địch ở đây lúc cao nhất có tới 16.200 quân.

Về phía ta, trên cơ sở nắm chắc mọi âm mưu, hành động của địch, phân tích, đánh giá tình hình một cách khoa học, đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị bộ đội chủ lực mở năm đòn tiến công chiến lược trên các mặt trận Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia, Bắc Tây Nguyên và Thượng Lào. Chiến tranh du kích vùng sau lưng địch phát triển mạnh, tiêu diệt, hiêu hao nhiều sinh lực địch làm cho chúng không có khả năng tiếp ứng cho nhau.

Để chuẩn bị cho chiến dịch, Ban Cán sự Lai Châu chỉ đạo thành lập Ban chuẩn bị chiến trường của tỉnh và các huyện với nhiệm vụ đi sâu vào vùng hậu địch tuyên truyền, vận động Nhân dân đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch. Ban Cán sự phân vùng và đề ra nhiệm vụ: Vùng tự do phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm, đi dân công sửa chữa cầu đường để phục vụ chiến dịch. Vùng mới giải phóng ổn định đời sống Nhân dân, tuyên truyền chính sách của Đảng và chính phủ, tích cực xây dựng cơ sở, đào tạo cốt cán, quét tàn binh, thổ phỉ, phá âm mưu chia rẽ của địch. Khu vực còn bị tạm chiếm có nhiệm vụ trọng tâm là trực tiếp phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ và chuẩn bị tiếp quản khi bộ đội vào giải phóng.

Để đỡ đòn cho Điện Biên Phủ, thực dân Pháp đã tiến hành tổ chức lực lượng phỉ trên quy mô lớn ở các huyện phía bắc của tỉnh với khoảng 500 tên. Ban Cán sự Lai Châu xác định công tác tiễu phỉ là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh để quân chủ lực rảnh tay đánh địch ở Điện Biên Phủ. Cuối tháng 4/1954 quân, dân Lai Châu đã đánh tan hầu hết các cụm phỉ lớn. Đây là sự phối hợp nhịp nhàng với mặt trận Điện Biên Phủ, tiêu diệt một bộ phận lực lượng quan trọng vòng ngoài của địch, góp phần vào thành công của Chiến dịch.

Tại Điện Biên Phủ, trải qua 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng, chiều ngày 07/5/1954 quân ta tổng tiến công, đánh vào Sở chỉ huy địch. Tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Ban tham mưu bị bắt sống. Chiến dịch toàn thắng, quân dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 địch, trong đó có 1 thiếu tướng, hạ 62 máy bay các loại, thu toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến tranh.

Trong suốt Chiến dịch, trên khắp các địa phương trong tỉnh, đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Hà Nhì, Mảng, Khơ Mú... nô nức tham gia làm đường, tiếp lương, tải đạn vào chiến trường. Phụ nữ các dân tộc Lai Châu xưa chỉ quen việc thêu thùa, nương rẫy, nay theo tiếng gọi của Đảng cũng hăng hái lên đường, cùng với nam giới phục vụ chiến đấu. Nhân dân Lai Châu đã đóng góp 2.666 tấn gạo, 226 tấn thịt, 210 tấn rau xanh; huy động được 16.972 dân công với 568.139 ngày công, 348 ngựa thồ; 62 thuyền, hàng trăm mảng; góp 25.070 cây gỗ các loại để chống lầy, làm đường. Tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ, toàn tỉnh Lai Châu có 700 cá nhân xuất sắc, 9 xã điển hình, 38 bản gương mẫu được Trung ương và Khu ủy Tây Bắc tặng Bằng khen về công tác phục vụ chiến dịch.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã qua 70 năm nhưng ý nghĩa và những bài học được rút ra đối với Đảng bộ, quân và Nhân dân Lai Châu vẫn còn mãi giá trị: Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Việc nhận định đúng tình hình, linh hoạt, sáng tạo trong cách thức thực hiện, tập trung chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, việc củng cố tổ chức và phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Lai Châu có ý nghĩa rất quan trọng. Đoàn kết là sức mạnh vô địch trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì tự do hạnh phúc cho Nhân dân. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải tăng cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc; huy động và phát huy mọi nguồn lực tại chỗ trong Nhân dân; khơi dậy trong Nhân dân tinh thần yêu nước và khát vọng đánh đuổi giặc ngoại xâm, xây dựng cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện. Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, bảo đảm cho quân đội luôn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, 70 năm qua Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu luôn đoàn kết xây dựng quê hương. Sau 20 năm chia tách và thành lập, tỉnh Lai Châu đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế phát triển nhanh, tốc độ tăng GDP bình quân hằng năm đạt trên 9%; thu ngân sách trên địa bàn năm 2023 đạt trên 2.100 tỷ đồng; tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt trên 47 triệu đồng; 41,5% số xã hoàn thành và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống Nhân dân các dân tộc được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Quốc phòng - an ninh được xây dựng vững chắc, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, quan hệ đối ngoại được mở rộng. Chính trị ổn định, khối đoàn kết toàn dân được tăng cường.

Trên nền tảng và đà phát triển đã được tạo dựng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu: “Bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc; xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế - xã hội đạt mức trung bình của cả nước”. Để hoàn thành toàn diện mục tiêu nêu trên tỉnh Lai Châu xác định một số nhiệm vụ lớn: Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Chú trọng xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc, mở rộng thực hành dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; chăm lo nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết giúp nhau cùng phát triển. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Chú trọng phát triển văn hóa đi đôi với tăng trưởng kinh tế; phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, cần cù sáng tạo của Nhân dân Lai Châu. Bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa, bản sắc tốt đẹp của các dân tộc để xây dựng con người toàn diện. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biên giới quốc gia; mở rộng. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, xã hội với quốc phòng an ninh, củng cố “thế trận lòng dân”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào, là sức mạnh cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên vùng địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lai Châu ý thức sâu sắc trách nhiệm được Đảng, Nhà nước giao phó, luôn nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy mọi tiềm năng, sức sáng tạo của mỗi con người Lai Châu trong việc xây dựng quê hương giàu đẹp và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia./.

Cập nhật ngày 2/5/2024


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.265
Hôm qua : 5.823
Tháng 05 : 122.992
Năm 2024 : 1.011.304
Tổng số : 82.477.397