A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ấn tượng Sì Lở Lầu

(laichau.gov.vn)
Xã biên giới Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Dao đỏ. Đến với Sì Lở Lầu, du khách ngoài việc ngắm cảnh núi non hùng vĩ, ruộng bậc thang trải dài, thảo quả bạt ngàn dưới tán rừng thì còn được ngắm phiên chợ đặc trưng vùng cao, say mê với trang phục truyền thống của đồng bào Dao đỏ. Đó chính là ấn tượng Sì Lờ Lầu.

Gặp bạn

Điểm đặc biệt đầu tiên khi đến với Sì Lở Lầu đó những trang phục của phụ nữ Dao đỏ. Sử dụng gam màu tương phản vô cùng rõ rệt là đỏ, đen và trắng trong trang phục, mũ, túi xách… người Dao đỏ thực sự nổi bật với trang phục của mình. Họ cũng đặc biệt sử dụng nhiều cúc áo, hoa tai, vòng cổ, vòng tay với chất liệu bằng bạc để làm đồ trang sức. Hãy tưởng tượng khi mặt trời lên cao, ánh nắng chan hòa, phiên chợ Sì Lở Lầu thực sự nổi bật với sắc đỏ của những bộ trang phục Dao đỏ. Có đôi khi, ta dễ bị lóa mắt bởi thứ ánh sáng lóe lên từ những đồ trang sức ấy. Thật sự rất ấn tượng và vô cùng thú vị. Theo những chủ quán bán hàng ở chợ Sì Lở Lầu, một bộ trang phục truyền thống với đầy đủ trang sức có giá khoảng 40 triệu đồng. Và như vậy, muốn có một bộ trang phục đẹp, người phụ nữ Dao đỏ phải tự tay thêu thùa từng đường kim mũi chỉ trong hàng năm trời, và tích cóp tiền để mua sắm từng món một đến khi đủ mới thôi. Và không phải cô gái nào lớn lên cũng có ngay một bộ trang phục mà phải tùy thuộc vào điều kiện gia đình giàu hay nghèo để sắm sửa đầy đủ.

Người Phong Thổ có một câu ví vô cùng thú vị: Đã leo lên 12 tầng dốc mà không đi chợ thì chưa phải đến Sì Lở Lầu. “Sì Lở Lầu” là tiếng Quan Hỏa, dịch nghĩa ra có nghĩa là 12 tầng dốc nên với có câu ví như vậy. Còn gọi là Sì Lở Lầu cũng có người lý giải khi đứng từ dưới trông lên sẽ thấy 12 tầng núi xếp lên nhau như 12 tầng lầu. Và muốn đến với phiên chợ Sì Lở Lầu, du khách sẽ phải vượt qua rất nhiều tầng dốc với những khúc cua tay áo vô cùng hiểm trở. Với những phượt thủ ưa mạo hiểm thì đây là tuyến đường tuyệt vời cho chuyến đi thưởng ngoạn cảnh đẹp, hùng vĩ.

Phiên chợ Sì Lở Lầu rộn rã bởi những âm thanh: Tiếng lợn eng éc, tiếng gà, tiếng của những chiếc xe máy và “tiếng ngựa thồ gõ vào mây rậm rịch”… Trên đường xuống chợ, sương mù bao phủ khắp các chân đồi, mờ ảo, hùng vĩ và huyền hoặc. Người đi sau chẳng nhìn thấy người đi trước, chỉ nghe tiếng bước chân rộn ràng mỗi lúc một đông đi thẳng xuống chợ.

Chợ Sì Lở Lầu bày bán nhiều nông sản

Chợ Sì Lở Lầu hỏi cả người già nơi đây cũng chẳng ai biết nó tồn tại từ bao giờ, chỉ biết rằng nó có từ lâu lắm, và nó không chỉ đơn thuần chỉ là một nơi buôn bán mà đó còn là nơi giao lưu, gặp gỡ, trao đổi tâm tình của mọi người. Ngay cả cái tên chợ cũng có rất nhiều cách gọi. Có người gọi đó là “chợ Gia Khâu” bởi chợ họp ngay ở trung tâm bản Gia Khâu của xã. Có người lại gọi đó là “chợ Sừng” bởi chợ chỉ họp vào những ngày có con có sừng trong tháng (ngày con trâu và ngày con dê) tính theo lịch âm. Dựa theo cách tính ngày của các con có sừng, có người lại gọi chợ là “chợ giật lùi” vì ví dụ phiên chợ này vào ngày thứ 7, ngày Mùi thì phiên sau sẽ là thứ 6, ngày Sửu, phiên sau nữa lại là thứ 5, ngày Mùi… cứ lùi dần như thế theo kiểu lùi vòng tròn.

Đến chợ Sì Lở Lầu, du khách không thể bỏ qua những gùi hàng bày bán, những mặt hàng nông sản đặc trưng của núi rừng như: Thảo quả, mắc khén, hồi, mật ong, măng rừng, táo mèo… hay những sạp hàng bày bán các đồ trang sức của đồng bào như vòng tay, vòng cổ, thắt lưng, khuyên tai, xà tích… bằng bạc được chế biến thủ công vô cùng tinh xảo, đẹp mắt.

Sau khi đi thưởng ngoạn và mua cho mình những món quà lưu niệm, du khách hãy đến gian hàng ẩm thực để thưởng thức món phở thái tay, đậu phụ nhự, rượu thóc, dưa khô… đặc sản của người dân bản địa. Đàn ông đến chợ, không thể không uống chén rượu thóc đậm mềm môi, uống thử ở mỗi gian hàng đến khi say nghiêng ngả mới thôi. Còn trẻ con đến chợ chỉ háo hức với bát phở mẹ mua cho rồi đến hàng quần áo, giày dép để xúng xính đồ mới mang về.

Cũng như các phiên chợ vùng cao, chợ phiên Sì Lở Lầu không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa còn là nơi gặp gỡ của các chàng trai, cô gái đến tuổi hẹn hò. Với những người có gia đình thì họ đi chợ để gặp người quen, hay đơn giản đi chỉ để đỡ nhớ chợ, để có niềm vui sau những ngày lao động vất vả. Và như thế, đó cũng là nét riêng độc đáo của những phiên chợ vùng cao./.

Nguyễn Luyến


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 276
Hôm qua : 5.242
Tháng 11 : 124.008
Năm 2024 : 2.276.912
Tổng số : 83.743.005