A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đánh thức vẻ đẹp tiềm ẩn của Cao nguyên Sìn Hồ

(laichau.gov.vn)
Nằm cách Lai Châu khoảng 60km về phía Tây, cao nguyên Sìn Hồ được coi là nóc nhà của tỉnh Lai Châu với độ cao trung bình từ 900 đến 1.800m so với mặt nước biển nên khí hậu quanh năm mát mẻ; Cao nguyên Sìn Hồ là điểm đến hứa hẹn của nhiều du khách.

Đi cao nguyên Sìn Hồ

Khu cao nguyên Sìn Hồ gồm thị trấn Sìn Hồ và 08 xã vùng cao (Phăng Sô Lin, Tả Phìn, Sà Dề Phìn, Tả Ngảo, Làng Mô, Tủa Sín Chải, Phìn Hồ, Hồng Thu). Do hoạt động kiến tạo địa chất nên địa hình phổ biến của Cao nguyên Sìn Hồ là kiểu địa hình núi cao và núi trung bình xen lẫn thung lũng. Độ cao trung bình ở đây từ 900 - 1.800m, riêng thị trấn Sìn Hồ ở độ cao 1.500m so với mặt nước biển; thời tiết luôn mát mẻ, tương tự Sa Pa, Đà Lạt, trong ngày có đủ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông; nhiệt độ trung bình khoảng 18°C; có những năm mùa đông tại cao nguyên Sìn Hồ đã có tuyết rơi.

Bên cạnh đó, Cao nguyên Sìn Hồ còn được mẹ thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như: Núi Đá ô, động Ông tiên, rừng nguyên sinh, ruộng bậc thang, rừng chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đặc biệt, với điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu đã tạo cho Cao nguyên Sìn Hồ là thiên đường của cây dược liệu với trên 600 loại như: Tam thất, đỗ trọng, quế, hoàng đằng, mã tiền, phụ tử, thảo quả, sa nhân, rau ôn đới, các loại hoa đặc sắc như Hồng cổ, Địa Lan, Phong Lan…

Nằm trên các tuyến quốc lộ 12, tỉnh lộ 128, 129 đi qua nên có nhiều tuyến đường cho du khách lựa chọn để đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của Khu cao nguyên Sìn Hồ. Đặc biệt, khi hoàn thành tuyến đường nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, sẽ thuận tiện hơn cho du khách từ Hà Nội đến Khu cao nguyên Sìn Hồ. Nơi đây, mạng lưới dịch vụ viễn thông đã được phủ sóng di động rộng khắp đáp ứng nhu cầu liên lạc, thông tin của du khách.

Cao nguyên Sìn Hồ có 14 dân tộc anh em cùng sinh sống như: Thái, H'Mông, Dao, Lự, Khơ Mú, Lào, Giáy, Kháng, Hoa... Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hoá riêng đã tạo nên một bức tranh đa sắc màu về văn hóa. Bức tranh ấy được tô điểm bởi nét đẹp trong trang phục truyền thống, độc đáo trong kiến trúc nhà ở, nhiều nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực phong phú,... Sau những ngày làm việc mệt mỏi, du khách có thể tìm đến nơi đây để thư giãn với dịch vụ tắm thuốc của người Dao, ngâm mình thư giãn trong thùng gỗ. 

Một góc của xã Tà Ngảo - huyện Sìn Hồ

Qua thị trấn Sìn Hồ, đi sâu vào bản Tả Phìn, xã Tả Phìn du khách cũng sẽ bắt gặp người dân bản địa đứng bán sản vật của núi rừng bên vệ đường; ngắm cảnh quan thiên nhiên đẹp với những mái nhà đá đen cổ trên 200 tuổi; hệ thống rừng nguyên sinh; động Ông Tiên với nhiều khối nhũ thạch đẹp, đặc biệt có di tích Núi Đá Ô một danh lam thắng cảnh được gắn với sự tích của người Giao Khâu kể về ông Tiên xuống hạ giới du ngoạn để quên cái ô, qua thời gian cái ô hóa thành đá...

Người dân trong bản, từ già trẻ, gái trai đều mong muốn đến ngày chợ phiên, để rồi dắt ngựa, gùi sản vật, nông sản ra chợ phiên để bán. Chợ phiên Sìn Hồ họp vào chủ nhật hàng tuần, với đủ các sản phẩm, sản vật mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao. Trong phiên chợ, du khách sẽ được ngắm nhìn và chọn mua cho mình, làm quà tặng cho người thân những chiếc vòng bạc đeo tay, đeo cổ, những mặt hàng thổ cẩm thủ công do chính bàn tay khéo léo của những người phụ nữ nơi đây làm ra; các món ăn đặc sản như thịt trâu, dê, lợn bản; đặc biệt là được thưởng thức món ăn thắng cố; được đắm chìm trong không gian đầy sắc màu của những bộ trang phục truyền thống của người dân địa phương.

Lên với Cao nguyên Sìn Hồ vào dịp Lễ, Tết quý khách còn được chiêm ngưỡng Lễ hội Gầu Tào một lễ hội truyền thống của người H'Mông. Được thưởng thức những lời ca, tiếng hát, say sưa trong điệu xòe của người Thái, điệu múa và tiếng khèn ngân nga của người H'Mông; được ăn những món ăn truyền thống của người Thái, H'Mông, Dao như: Bánh chưng đen, món gà đen nấu thuốc bắc, canh dương quy, thịt hun khói sào rau cải đắng, thắng cố, cá nướng, canh măng chua, thịt trâu cuốn lá lốt, rau dớn xào tỏi... Những món ăn này thường sử dụng các gia vị như mắc khén, hạt tiêu rừng, hạt dổi, xả, gừng… Đến nơi đây, du khách sẽ không thể quên sự tài hoa, khéo léo của phụ nữ vùng Tây bắc trong mỗi món ăn.

Với lợi thế về thời tiết quanh năm mát mẻ nên du khách có thể đến nghỉ dưỡng ở Cao nguyên Sìn Hồ vào giữa những ngày hè oi nóng. Nơi đây là điểm đến hấp dẫn cho những du khách thích săn mây bởi Cao nguyên Sìn Hồ luôn sẵn có những biển mây bất tận, nhất là khoảng thời gian tháng 3-4 đầu năm. Hiện nay, Sìn Hồ đã có 05 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, nghỉ chuyên nghiệp; 08 cơ sở lưu trú đạt chuẩn với 200 phòng và nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn nghỉ khác có thể đáp ứng 598.000 lượt khách lưu trú mỗi năm.

Để khai thác tiềm năng, thế mạnh tiềm ẩn của Cao nguyên Sìn Hồ, thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện Sìn Hồ đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ, lưu trú của du khách; chú trọng phát triển du lịch bền vững tại cao nguyên Sìn Hồ theo từng giai đoạn, trong đó phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn với các tuyến điểm từ thôn làng, bản làng văn hóa, tiếp nối các tuyến du lịch của huyện bạn, tỉnh bạn trong khu vực Tây Bắc; bảo tồn và phát huy vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc và những giá trị lịch sử văn hóa của vùng Cao nguyên Sìn Hồ. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa Khu du lịch cao nguyên Sìn Hồ vào danh mục các khu du lịch tiềm năng Quốc gia trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam.

Hy vọng trong tương lai gần, du lịch cao nguyên Sìn Hồ không chỉ dừng lại ở vẻ đẹp tiềm ẩn mà được phát triển hợp lý, đem lại nhiều điều thú vị cho du khách mỗi khi đặt chân đến trải nghiệm.

Sơn Tùng


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.097
Hôm qua : 7.759
Tháng 04 : 139.210
Năm 2024 : 810.800
Tổng số : 82.276.893