• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lễ cưới truyền thống của người Pú Nả

(laichau.gov.vn)
Lễ cưới truyền thống của mỗi dân tộc đều mang dấu ấn bản sắc văn hóa riêng biệt. Với người Pú Nả ở xã San Thàng, thị xã Lai Châu, tục cưới xin cũng thể hiện nét tâm linh, văn hóa truyền thống và là nơi tôn vinh, thắt chặt tình đoàn kết của cả cộng đồng.

Chú rể mở tấm khăn đỏ khi đón cô dâu về phòng cưới. (Ảnh: Trịnh Văn Bộ/Báo Ảnh Việt NamBáo/Vietnam+)

Người Pú Nả ở xã San Thàng thuộc nhóm dân tộc Giáy, hay còn có tên gọi khác như: Củi Chu, Pố Y, Sa Quý Châu… sinh sống ở 5 bản Séo Sin Chải I, Séo Sin Chải II, Lò Suối Tủng, Phan Lìn, Nùng Than và có nguồn gốc từ tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) di cư về Việt Nam cách đây từ 150 – 200 năm.

Theo quan niệm người Pú Nả ở xã San Thàng, việc mất đi bản sắc văn hóa cũng có nghĩa là mất đi cội gốc dân tộc. Vì vậy, việc gìn giữ, bảo tồn và lưu truyền văn hóa dân tộc mình là việc làm thường xuyên, liên tục. Với người Pú Nả, lễ cưới truyền thống thường được tổ chức vào dịp thu hoạch mùa màng xong, đó là thời gian người dân tụ họp đông đủ nhất.

Sau khi chàng trai tìm hiểu được cô gái vừa ý, được gia đình nhà gái chấp thuận, người con trai về thưa chuyện với bố mẹ. Gia đình nhà trai sẽ làm lễ so tuổi. Tiếp theo gia đình nhà trai sẽ tổ chức một đoàn người bao gồm những người đứng đầu, người có uy tín trong dòng họ sang gia đình nhà gái làm lễ dạm hỏi để thưa nói chuyện, thống nhất ngày ăn hỏi. Lễ vật gồm một con lợn từ 80 – 100kg, 40 – 50 lít rượu, 2 đồng bạc trắng, rồi sau đó là lễ báo ngày cưới chính thức và xin giấy kết hôn.

Lễ cưới chính thức được tổ chức trong 3 ngày (1 ngày ở gia đình nhà gái, 2 ngày ở gia đình nhà trai) và là nơi quy tụ hàng loạt các nghi thức đan xen, với nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng như: Trang trí, hát xướng, đàn ca…

Đây là thời gian vui mừng của gia đình cô dâu, chú dể, dòng họ và là dịp tụ họp, vui chơi, đoàn kết của cả cộng đồng làng bản người Pú Nả.

Sau đây là một số hình ảnh trong lễ cưới truyền thống của người Pú Nả:

Trên đường đến nhà gái đón dâu

Đoàn đón dâu nhà trai thổi kèn, hát xin vào nhà gia đình nhà gái

Sau khi được đại diện gia đình nhà gái đồng ý, đại diện nhà trai cài mảnh vải đỏ lên cửa, đánh dâu sự đồng ý của gia đình nhà gái

Chú rể chuẩn bị lễ để thông báo với thổ địa gia đình nhà gái mang lại may mắn cho gia đình nhà trai

Thầy cúng làm lễ báo cáo với tổ tiên gia đình nhà gái cầu mong may mắn, hạnh phúc cho đôi vợ chống trẻ

Đại diện gia đình nhà trai hát mời rượu họ hàng gia đình nhà gái

Chia sẻ bánh dầy cầu mong may mắn đến với hai gia đình

Chú rể mời rượu người cao tuổi gia đình nhà gái

Đại điện hai gia đình trao nhau mảnh giấy đỏ, đánh dấu từ giây phút này hai gia đình đã trở thành thông gia

Trong khi đại diện hai gia đình làm thủ tục thì phụ nữ tranh thủ làm cỗ để tiếp đón nhà trai

Mâm cỗ là nơi tụ họp, sinh hoạt, trò chuyện của cả cộng đồng, làng bản thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc

Và tiếng kèn là loại hình nghệ thuật không thể thiếu được trong suốt 3 ngày diễn ra lễ cưới.

Minh Tâm


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.251
Hôm qua : 7.224
Tháng 04 : 165.099
Năm 2025 : 713.671
Tổng số : 84.670.604