A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch Covid-19

(laichau.gov.vn)

Chiều nay (2/8), Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố trong cả nước về phòng, chống dịch Covid-19. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị về phía điểm cầu Trung ương có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Giàng Páo Mỷ - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, lực lượng vũ trang tỉnh.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.

Theo báo cáo của Bộ Y tế tính đến 18 giờ ngày 1/8/2020, tại Việt Nam đã ghi nhận 590 trường hợp mắc Covid-19 (trong đó có 323 trường hợp xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam), 3 trường hợp tử vong. Sau khi dịch bệnh quay lại tại Đà Nẵng từ ngày 24/7, số trường hợp mắc gia tăng và lây nhiễm rất nhanh trong cộng đồng. Trong vòng 10 ngày tính từ ngày 24/7 đến nay, đã ghi nhận 144 trường hợp mắc và 3 trường hợp tử vong. Riêng trong ngày 31/7/2020, số trường hợp mắc đạt mức kỷ lục từ đầu vụ dịch với 82 trường hợp mắc, trong đó có 56 trường hợp lây nhiễm tại cộng đồng.

Do dịch bệnh tại Đà Nẵng có khả năng xuất hiện từ đầu tháng 7 và đã qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm với 2 thời điểm có thể gây bùng phát dịch là từ 5-8/7/2020 và từ 16-20/7/2020. Tại Đà Nẵng, có khả năng có nhiều nguồn lây nhiễm khác nhau và còn nhiều trường hợp mắc bệnh khác hiện đang ở ngoài cộng đồng, đồng thời việc truy vết F0 đầu tiên là rất khó khăn.

Các trường hợp bệnh được ghi nhận trong cộng đồng tới thời điểm hiện tại hầu hết đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch tại các bệnh viện của thành phố Đà Nẵng với 138/144 trường hợp, là bệnh nhân, người nhà, người chăm sóc bệnh nhân, nhân viên y tế và các trường hợp có tiếp xúc gần với các trường hợp nói trên.

Thời gian qua là cao điểm của mùa du lịch và có rất nhiều hành khách từ các địa phương đã đi/đến Đà Nẵng. Có khoảng 1,4 triệu người đã đến thành phố Đà Nẵng từ ngày 1-29/7/2020, trong đó có khoảng 800.000 người có đi đến khu vực 3 bệnh viện tại thành phố (khoảng 46.000 trường hợp đến khám, chữa bệnh tại 3 bệnh viện). Các trường hợp đến Đà Nẵng từ tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước trong đó tập trung nhiều nhất từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Do vậy, nguy cơ xuất hiện các trường hợp mắc tại các địa phương khác là rất cao, đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Dự báo dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng và lây lan nhanh tại nhiều địa phương trên cả nước. Tình hình dịch bệnh hiện nay rất phức tạp và khó lường, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngay khi có thông tin về ca bệnh đầu tiên tại thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ, Ban Bí thư đã chỉ đạo Bộ Y tế tiến hành khoanh vùng cách ly, tiêu độc khử trùng để dập dịch tại cụm 3 bệnh viện (Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng) và một số địa điểm ghi nhận có ca mắc tại cộng đồng; phong tỏa tất cả các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao tại các địa phương đã phát hiện các trường hợp lây nhiễm; thực hiện việc truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, tiến hành cách ly y tế tập trung, lấy mẫu thực hiện xét nghiệm và giám sát tình hình sức khỏe đối với các trường hợp nghi ngờ; chỉ đạo hệ thống y tế cơ sở phối hợp với cơ quan công an địa phương thực hiện đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng đối tượng, không để sót những trường hợp đi/đến, trở về từ thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, yêu cầu các địa phương lập danh sách, giám sát, theo dõi cho tất cả các đối tượng này, đồng thời gửi tin nhắn khuyến cáo, hướng dẫn những người này theo dõi sức khỏe, liên hệ với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn, giám sát và xét nghiệm phát hiện Covid-19 trong trường hợp cần thiết...

Hiện tại, tỉnh Lai Châu đang kiểm soát tốt được dịch bệnh Covid-19. Qua 131 ngày không ghi nhận có ca mắc mới. Qua giám sát dịch bệnh Covid-19, đến 7h00 ngày 2/8/2020 toàn tỉnh có tổng số 15.697 người có yếu tố dịch tễ được áp dụng cách ly y tế, trong đó có 15.243 người hoàn thành cách ly. Hiện còn 454 người đang được cách ly, theo dõi theo quy định (trong đó có 10 người cách ly tại cơ sở y tế, 49 người cách ly tại cơ sở cách ly tập trung và 395 người cách ly tại nhà/nơi lưu trú). Các trường hợp nghi mắc trên địa bàn tỉnh đều đã có kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lần 1 âm tính với SARS-CoV-2 (Covid-19).

Đến nay, tỉnh duy trì và tăng cường hoạt động của các chốt chặn, đẩy mạnh các hoạt động rà soát người đã đến vùng dịch, không chủ quan, lơ là, kiên định thực hiện tốt các hoạt động kiểm dịch y tế, giám sát dịch bệnh chặt chẽ tại cửa khẩu, khu vực biên giới, các cơ sở cách ly, các cơ sở y tế và tại cộng đồng nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp có yếu tố dịch tễ, nghi mắc, mắc bệnh để tổ chức cách ly, xử lý triệt để theo quy định. Chỉ đạo duy trì, phát huy hiệu quả của các Tổ tự quản/Tổ phòng chống dịch tại các thôn, bản, tổ dân phố nhằm giám sát chặt chẽ các trường hợp ra/vào địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp có yếu tố dịch tễ để xử lý theo quy định…

Tại Hội nghị, các bộ, ngành, địa phương tham luận, phát biểu về những khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như: Phát hiện sớm, tổ chức xét nghiệm ngay các trường hợp nghi nhiễm, có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh, kể cả người có biểu hiện ho, sốt, viêm đường hô hấp trong cộng đồng; tiếp tục thực hiện việc truy vết các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, tiến hành cách ly y tế tập trung, lấy mẫu thực hiện xét nghiệm và giám sát tình hình sức khỏe đối với các trường hợp nghi ngờ; có kế hoạch cụ thể đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020; ban hành văn bản mới về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn hiện nay.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và các địa phương tiếp tục tập trung ưu tiên thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid -19, coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung chỉ đạo; không được hoang mang, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; nâng cao tinh thần chủ động, tập trung cao độ, phản ứng nhanh, hiệu quả, bằng sức mạnh tổng hợp, tổng lực để ngăn ngừa có hiệu quả việc xâm nhập, lây lan của dịch bệnh. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới; vận động Nhân dân tích cực khai báo y tế, tham gia giám sát, phát hiện các trường hợp có yếu tố dịch tễ tại địa phương để kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương hoặc các lực lượng chức năng quản lý. Khẩn trương, tăng tốc thực hiện việc truy vết các trường hợp đi về từ thành phố Đà Nẵng từ ngày 1/7/2020 đến ngày 28/7/2020 và các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao theo các thông báo khẩn của Bộ Y tế, các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, tiến hành ngay việc cách ly y tế phù hợp theo quy định, lấy mẫu thực hiện xét nghiệm và giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe. Huy động các cơ sở có khả năng thực hiện xét nghiệm, thực hiện việc thanh toán bảo hiểm y tế cho xét nghiệm Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát chặt chẽ người xuất, nhập cảnh trái phép tại các đường mòn, lối mở, các điểm chốt chặn và khu vực biên giới; chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị đảm bảo cho việc thu dung, điều trị các trường hợp mắc bệnh; triển khai áp dụng các quy trình, phân luồng, phân tuyến tránh lây lan trong các cơ sở y tế, thực hiện điều trị hiệu quả và tăng cường phối hợp, trao đổi chuyên môn kỹ thuật giữa các tuyến trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh...

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Giàng Páo Mỷ phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu chỉ đạo ngay sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc kết thúc, đồng chí Giàng Páo Mỷ - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, xuất hiện nhiều ca nhiễm trong cộng đồng tại Thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố, chủng vi rút được ghi nhận có độc lực cao, khả năng lây lan nhanh và có nguy cơ lây nhiễm tại nhiều địa phương trong cả nước. Đồng chí yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh đề cao trách nhiệm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; triển khai thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; quán triệt thực hiện các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bảo vệ tốt nhất tính mạng và sức khỏe Nhân dân; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương phải "đi từng ngõ, gõ từng nhà"; khởi động lại hoạt động Ban Chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cấp thôn, bản. Tăng cường kiểm soát đường mòn, lối mở ngăn dịch bệnh Covid-19; kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, đặc biệt tại đường mòn, lối mở, khu vực cửa khẩu, biên giới.

Sở Y tế phối hợp với Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, các ngành chức năng và các địa phương có phương án liên hệ với các nhà sản xuất, cung ứng khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế để sẵn sàng đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường, đảm bảo chất lượng, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, sốt giá; ưu tiên cung cấp cho các bệnh viện, cơ sở y tế và cộng đồng để phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch. Tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm theo quy định đối với các cơ sở cung ứng, kinh doanh lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, tăng giá bất hợp lý, tác động tiêu cực đến thị trường, tâm lý người dân.

Sở Y tế và UBND các huyện, thành phố khẩn trương kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch phòng, chống dịch của tỉnh và các địa phương để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới.

Các cơ quan thông tin truyền thông đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về tình hình, diễn biến dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch và khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, chủ động và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tụ tập đông người...


Tác giả: Phạm Thịnh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.998
Hôm qua : 7.759
Tháng 04 : 137.111
Năm 2024 : 808.701
Tổng số : 82.274.794