• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ tịch UBND tỉnh dự Hội nghị đầu bờ mô hình nhân rộng 30 ha canh tác lúa cải tiến tại xã Bản Lang, huyện Phong Thổ

(laichau.gov.vn)

Sáng nay (27/10), Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng đã tới dự Hội nghị đầu bờ mô hình nhân rộng 30 ha canh tác lúa cải tiến (SRI) tại bản Hợp 1, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng (thứ 2 từ trái sang) cùng lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, lãnh đạo huyện Phong Thổ kiểm tra chất lượng lúa. 

Dự Hội nghị này còn có các đồng chí: Mùa A Trừ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu; Sùng A Nủ - Bí thư Huyện ủy Phong Thổ; Vương Thế Mẫn - Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ; đại diện tổ chức ADDA (Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Đan Mạch Châu Á), Trung tâm Con người và Thiên nhiên; đại diện lãnh đạo xã Bản Lang và các hộ gia đình là thành viên trực tiếp thực hiện mô hình tại xã Bản Lang, huyện Phong Thổ...

Các đại biểu đã đi thăm quan mô hình trình diễn tại Bản Hợp I, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ.

Trước khi tham dự Hội nghị, các đại biểu đã đi thăm quan mô hình trình diễn tại Bản Hợp I, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ.

Xã Bản Lang là xã vùng cao của huyện Phong Thổ có tổng diện tích tự nhiên 1034,13 ha, 1667 hộ, 8084 nhân khẩu, có 13 bản với 5 dân tộc anh em cùng sinh sống. Toàn xã có 376 ha lúa (trong đó 250 ha lúa đông xuân, 371 ha lúa mùa, 6 ha lúa nương); là một trong những xã trồng lúa được cả hai vụ của huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu. Đặc biệt xã có đặc sản lúa Nếp tan thơm ngon nổi tiếng được nhiều người biết đến. Tuy nhiên hiện nay bà con dân bản vẫn trồng lúa theo phương pháp truyền thống, tự để giống, ít đầu tư phân bón, cấy mạ già, cấy nhiều dảnh dẫn đến sâu, bệnh phá hại nhiều phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, năng xuất và chất lượng thấp…

Nhằm nâng cao nhận thức của bà con nông dân trong việc ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu “Dự án Tăng cường tiếng nói và năng lực cho người nông dân thiểu số dễ bị tổn thương ứng phó với biến đổi khí hậu Tây Bắc Việt Nam (VOF)” đã triển khai thành lập nhóm nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu tại Bản Hợp I, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Căn cứ vào kế hoạch hoạt động của Dự án năm 2020, Ban Quản lý dự án VOF - Hội Nông dân tỉnh Lai Châu phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pan Nature) là đơn vị tư vấn cho dự án đã trao đổi, tham vấn các cơ quan chức năng của huyện Phong Thổ, xã Bản Lang triển khai thí điểm mô hình trồng lúa Nếp tan theo phương pháp canh tác cải tiến SRI với diện tích 5 ha cho 10 hộ là thành viên nhóm nông dân thích ứng tham gia và mô hình được đánh giá có hiệu quả.

Quang cảnh Hội nghị.

Năm 2021, Ban Quản lý dự án VOF - Hội Nông dân tỉnh Lai Châu hướng dẫn nhóm nông dân xây dựng đề xuất dự án nhỏ và được tổ chức ADDA phê duyệt hỗ trợ kinh phí triển khai nhân rộng mô hình trồng lúa Nếp tan theo phương pháp canh tác cải tiến SRI với diện tích 30 ha và 38 hộ tham gia. Sau khi thống nhất với Nhóm nông dân thích ứng và chính quyền xã, Ban Quản lý dự án VOF đã lựa chọn 38 hộ tham gia trong đó có 10 hộ là thành viên trong nhóm nông dân thích ứng làm nòng cốt; đồng thời cử cán bộ và thúc đẩy viên dự án tổ chức các hội nghị tập huấn theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của lúa phù hợp với nhận thức của bà con, hỗ trợ giống lúa và phân bón vi sinh; cử thúc đẩy viên của dự án phối hợp với nhóm nông dân thích ứng thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn đảm bảo việc thực hiện mô hình theo đúng kỹ thuật.

Vụ mùa năm 2021, tiến hành gặt 3 điểm ở 3 ruộng khác nhau và tính năng xuất thực thu: Năng suất lúa Nếp tan của mô hình đạt 6,8- 7,8 tấn/ha; mô hình trồng lúa theo phương pháp truyền thống đạt 5,8 - 6,4 tấn/ha, qua đó cho thấy sản xuất lúa cải tiến SRI cho năng xuất cao hơn so với cấy lúa truyền thống trung bình 1,2 tấn/ha.

Nhằm hỗ trợ đầu ra cho các hộ sản xuất lúa theo phương pháp cải tiếp SRI, Ban Quản lý dự án VOF - Hội nông dân tỉnh Lai Châu xúc tiến việc liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm; đã lựa chọn doanh nghiệp và tổ chức lễ ký kết Hợp đồng hợp tác liên kết giữa Công ty TNHH Giống và vật tư Tây Bắc với Nhóm nông dân thích ứng bản Hợp 1 về việc bao tiêu toàn bộ sản lượng lúa Nếp tan của 30 ha đến năm 2025; trong đó các thành viên nhóm nông dân thích ứng bản Hợp I xã Bản Lang, làm nòng cốt và được dự án đầu tư 6 trục in và bao bì, máy hàn túi trị giá 37.840.000đ và tiền phí kiểm định chất lượng gạo nhằm đăng ký sản phẩm gạo Nếp tan Bản Lang đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh và đưa vào bán tại hệ thống các siêu thị trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.

Bí thư Đảng ủy xã Bản Lang Nguyễn Huy Du phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, Bí thư Đảng ủy xã Bản Lang Nguyễn Huy Du cho biết: Thời gian qua, nhờ có sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, huyện, Ban Quản lý dự án VOF - Hội Nông dân tỉnh Lai Châu. Quá trình triển khai dự án, cán bộ dự án đã không quản ngại nắng mưa cùng các hộ dân xuống đồng hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật, tập huấn, tạo điều kiện tốt nhất để các hộ dân được tiếp cận kỹ thuật chăm bón, đảm bảo về năng suất, chất lượng, góp phần đưa lúa Nếp tan xã Bản Lang thành thương hiệu sản phẩm OCOP mang tính hàng hoá đặc trưng của xã, của huyện để thúc đẩy phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo cho người dân trong xã.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng đánh giá cao nỗ lực của Hội Nông dân tỉnh Lai Châu đã phối hợp với Tổ chức Phát triển nông nghiệp Đan Mạch Châu Á (ADDA), cấp ủy, chính quyền huyện Phong Thổ, xã Bản Lang vì thực hiện thành công mô hình nhân rộng canh tác lúa cải tiến trên cây lúa nếp tan tại xã Bản Lang, huyện Phong Thổ. Việc canh tác theo phương pháp cải tiến đã nâng cao năng suất lúa, giảm lượng phân bón vô cơ, thân thiện với môi trường, toàn bộ đầu ra sản phẩm được doanh nghiệp liên kết tiêu thụ, gia tăng thu nhập của Nhân dân. Với tổng kinh phí thực hiện dự án không lớn nhưng đã thay đổi nhận thức về canh tác tiên tiến cho khoảng 1.700 hộ gia đình (gồm cả các hộ tham gia trực tiếp và các hộ được tập huấn), do vậy mô hình này rất cần được nhân rộng trên toàn tỉnh. 

Mấy năm qua, gần như cả nước chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Vì vậy làm nông nghiệp phải thích ứng với biến đổi khí hậu. Đợt dịch Covid-19 lần này đã tác động mạnh tới chỉ số tăng trưởng GDP của cả nước, nhưng nông nghiệp vẫn tăng trưởng dương và là “bệ đỡ” trong bối cảnh dịch bệnh. Điều này chứng tỏ bà con Nhân dân cả nước, các hợp tác xã, doanh nghiệp đã và đang làm được nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Mô hình của chúng ta hôm nay cũng chứng minh cho điều đó - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng cùng lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, lãnh đạo huyện Phong Thổ chụp ảnh lưu niệm cùng các hộ dân tham gia mô hình.

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết thêm, đối với tỉnh Lai Châu, Đại hội Đảng bộ tỉnh xác định 1 đề án trọng điểm về phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung. Từ đó HĐND tỉnh đã ban hành 4 Nghị quyết về: Hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; hỗ trợ liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, với các hộ nông dân; phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung; phát triển rừng bền vững... Như vậy, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành một hệ thống văn bản để hỗ trợ cho nông nghiệp của tỉnh phát triển. Các văn bản này được ban hành với mục đích để xây dựng một nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung gắn với bao tiêu sản phẩm, mục đích đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao giá trị thương mại, tạo sinh kế, việc làm, thu nhập cho người dân, góp phần xoá đói, giảm nghèo... Có thể thấy Dự án này rất phù hợp với định hướng của tỉnh.

Thay mặt cho UBND tỉnh Lai Châu, đồng chí Trần Tiến Dũng đã cảm ơn sự giúp đỡ của tổ chức ADDA cũng như các đơn vị thực hiện dự án. Đồng thời đề nghị, trong thời gian tới các đồng chí tư vấn thuộc Trung tâm Con người và Thiên nhiên báo cáo với tổ chức ADDA tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đầu tư nhiều dự án nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh để thay đổi nhận thức về canh tác nông nghiệp cho nông dân. Đề nghị Hội Nông dân tỉnh Lai Châu và lãnh đạo huyện Phong Thổ tiếp tục tìm hiểu, kết nối, vận động các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư nhiều dự án trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ nông dân trong nhiều lĩnh vực và để các mô hình này phải đi vào thực tiễn cuộc sống... Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn bà con quyết tâm chuyển đổi phương thức sản xuất, liên kết với nhau thành một cộng đồng mạnh, qua đó hình thành các sản phẩm chủ lực của xã, của huyện. Đánh giá cao doanh nghiệp đã tham gia liên kết, tiêu thụ sản phẩm, Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn doanh nghiệp tiếp tục phối hợp tốt với chính quyền xã để xây dựng ngay thương hiệu, tận dụng các chính sách về bao bì, nhãn mác, truy suất nguồn gốc vùng trồng... qua đó góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm, khẳng định chất lượng, thương hiệu trên thị trường.

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng đã tặng quà cho các hộ tham gia mô hình.

Sau đây là một số hình ảnh được phóng viên ghi lại:

Trước khi tham dự Hội nghị, các đại biểu đã đi thăm quan mô hình trình diễn tại Bản Hợp I, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ. 
Mô hình trồng lúa Nếp tan theo phương pháp canh tác cải tiến SRI có diện tích 30 ha với 38 hộ tham gia, trong đó có 10 hộ là thành viên trong nhóm nông dân thích ứng làm nòng cốt.
Các đại biểu xem các hộ tham gia mô hình gặt lúa để đánh giá sản lượng của mô hình.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng cùng lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, lãnh đạo huyện Phong Thổ trao đổi, đánh giá chất lượng lúa.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng trao đổi với một số hộ dân trực tiếp tham gia mô hình.
Hạt lúa Nếp tan mẩy, đẹp.
Sản phẩm Nếp Tan Bản Lang được in bao bì và đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP của tỉnh.
Các hộ dân tham gia mô hình cùng chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch UBND tỉnh và giới thiệu sản phẩm Nếp tan Bản Lang.
Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ trao đổi với các hộ dân về xây dựng nhãn mác, thương hiệu sản phẩm.

Tác giả: Lê Dũng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.604
Hôm qua : 7.946
Tháng 03 : 151.945
Năm 2024 : 582.780
Tổng số : 82.048.873