• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022

(laichau.gov.vn)

Sáng nay (17/9), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị.

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.

Dự Hội nghị, tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh có liên quan.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị, từ đầu năm 2021 đến nay, dịch Cúm gia cầm xảy ra tại 99 xã của 29 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 373.043 con gia cầm, tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2020; có 3 chủng vi rút Cúm gia cầm lưu hành, bao gồm: A/H5N1; A/H5N6. Từ giữa tháng 6/2021, xuất hiện chủng vi rút Cúm gia cầm A/H5N8 xâm nhiễm vào Việt Nam và đã lây lan tại 10 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 23.446 con gia cầm.

Đặc biệt là Dịch tả lợn Châu Phi, ở nước ta đã xảy ra tại 1.498 xã của 50 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 93.261 con lợn, cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020. Hiện nay, cả nước có 354 ổ dịch tại 120 huyện của 33 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Hiện nay, việc khảo nghiệm vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi đang được thực hiện theo quy định của pháp luật về thú y...

Trong 8 tháng đầu năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho động vật. Tổ chức xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch quốc gia; kế hoạch chủ động phòng chống dịch của các địa phương; tổ chức giám sát dịch bệnh, lập bản đồ dịch tễ phân bố dịch bệnh, tổ chức giải trình tự gien mầm bệnh, đánh giá sự biến đổi vi rút, đánh giá hiệu lực vắc xin và thông báo rộng rãi cho các địa phương...

Tại tỉnh Lai Châu, tính đến tháng 9 năm 2021, tổng đàn gia súc chính toàn tỉnh ước đạt 316.265 con; trong đó, đàn trâu 92.695 con, đàn bò 21.450 con, đàn lợn 202.120 con. Tổng đàn gia cầm ước đạt 1.593 nghìn con. Các loại gia súc khác: Ngựa 4.780 con, dê 36.932 con. Lũy kế sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt 11 nghìn tấn; trong đó thịt lợn 7,7 nghìn tấn. Diện tích nước mặt hồ ước đạt 16.630ha; diện tích ao nuôi trồng thủy sản đạt 976/966 ha; thể tích nuôi cá nước lạnh đạt 18.590 m3/15.678 m3; thể tích nuôi cá lồng ước đạt 134.082 m3. Sản lượng nuôi trồng và khai thác ước thực hiện 9 tháng đầu năm đạt 2.217 tấn/3.200 tấn. Từ đầu năm đến ngày 15/9/2021, một số dịch bệnh nguy hiểm đã xảy ra trên đàn vật nuôi, đặc biệt bệnh Viêm da nổi cục trâu bò lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Khi phát hiện các ổ dịch bệnh trên động vật, tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành khoanh vùng và triển khai các biện pháp xử lý, không để dịch lây lan. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức các hộ chăn nuôi trong công tác phòng ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Đồng thời, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ cho các tỉnh thuốc sát trùng để góp phần khống chế dịch, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi; tiếp tục tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi cho các tỉnh khó khăn, miền núi, nhất là hỗ trợ một số loại vắc xin, kinh phí khống chế dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên động vật như: Cúm gia cầm, Dại, Lở mồng long móng...

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu kết luận Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát, khống chế, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi xảy ra và lây lan trên diện rộng. Đồng thời, tập trung rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng các bệnh, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm như Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh, Viêm da nổi cục, Dại... Tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp tiếp tục khôi phục, tăng đàn lợn; ổn định phát triển đàn gia cầm và phát triển một số loại vật nuôi khác trong điều kiện có dịch Covid-19 và sau dịch; triển khai các nội dung xây dựng chuỗi sản xuất tuần hoàn, truy xuất được nguồn gốc và theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm; nâng cao năng lực sản xuất và kiểm soát chất lượng con giống gia súc, gia cầm trong sản xuất. 

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, cung ứng các loại thuốc, vắc xin thú y, hóa chất cần thiết cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; ưu tiên bố trí tiêm vắc xin Covid-19 cho lực lượng thú y các cấp, nhất là lực lượng thú y phải tham gia tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật; tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, điều trị bệnh động vật theo quy định của Luật Thú y...


Tác giả: Thu Hoài
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 8.049
Hôm qua : 8.942
Tháng 04 : 194.879
Năm 2024 : 866.469
Tổng số : 82.332.562