• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(laichau.gov.vn)

Chiều nay (15/12), tại Kỳ họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO diễn ra tại Paris (Pháp), Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam (tại 4 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Yên Bái) chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Các đại biểu dự Kỳ họp tại điểm cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải (người ngồi thứ nhất từ trái sang) đại diện lãnh đạo tỉnh Lai Châu tham dự Kỳ họp này.

​Kỳ họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo 4 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Yên Bái tham dự Kỳ họp tại điểm cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tỉnh Lai Châu có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải tham dự.

Di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam được xem xét ghi danh lần này là nghệ thuật Xòe Thái được thực hành tại các bản của người Thái chủ yếu ở 4 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Yên Bái. Trong đó, Trung tâm của Xòe có thể được coi ở Mường Lò (Yên Bái), Mường So (Lai Châu), Mường Lay và thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên), Thuận Châu (Sơn La).

Nghệ thuật Xòe là hình thức sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong các cuộc vui, các sự kiện quan trọng trong cuộc sống của người Thái ở vùng Tây Bắc. Bằng sự sáng tạo của các nghệ nhân, các thành viên cộng đồng người Thái, Xòe trở thành một loại hình nghệ thuật trình diễn với nhiều điệu múa uyển chuyển cùng với bài hát, các đạo cụ. Xòe Thái ra đời và phát triển cùng tộc người Thái từ rất lâu (36 điệu Xòe cổ) và được phát triển, sáng tạo cùng với sự phát triển, biến đổi của lịch sử, xã hội. Xòe có ba loại chính: Xòe nghi lễ, Xòe biểu diễn, Xòe vòng trong các sự kiện văn hóa, được các nghệ nhân, biên đạo múa sáng tác, góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa. Sự đa dạng trong các điệu thức, động tác và kết hợp của các loại hình nghệ thuật cho thấy sự sáng tạo của cộng đồng người Thái.

Tại Lai Châu, những năm gần đây phong trào học Xòe, Xòe vòng và Xòe biểu diễn phát triển. Ở Lai Châu hiện nay, có hàng trăm đội xòe ở 8/8 huyện, thành phố trong tỉnh (Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Tân Uyên, Than Uyên, Mường Tè, Tam Đường và thành phố Lai Châu) đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của Xòe tại huyện Phong Thổ. Ở một số huyện như Nậm Nhùn, Tam Đường hay thành phố Lai Châu, các đội Xòe cử người đến học các nghệ nhân giỏi của huyện Phong Thổ hoặc mời họ về tận nơi truyền dạy cho thế hệ trẻ các điệu Xòe cổ, cách đệm tính tẩu và cả cách chế tác tính tẩu.

Nghệ thuật Xòe ngày nay chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố chuyên nghiệp và ngoại lai, tuy nhiên, các điệu múa mới vẫn được sáng tạo trên nền tảng của các điệu múa cổ nên được cộng đồng say sưa đón nhận. Các nghệ nhân Xòe Thái của các bản làng ở Lai Châu múa rất nuột nà, uyển chuyển, kết hợp kỹ thuật múa cổ truyền với nghệ thuật múa hiện đại, cùng với phục trang truyền thống tinh tế, tạo nên nghệ thuật Xòe Thái của Lai Châu rất cuốn hút và trở thành sản phẩm văn hóa hấp dẫn đối với các du khách trong và ngoài nước khi đến với Lai Châu.


Tác giả: Thu Hoài
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 8.025
Hôm qua : 8.942
Tháng 04 : 194.855
Năm 2024 : 866.445
Tổng số : 82.332.538