A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

“Vàng đỏ” trên đất Than Uyên

(laichau.gov.vn)

Những năm qua, thảo quả được người dân Than Uyên đặt cho tên gọi đúng với giá trị kinh tế mang lại - “vàng đỏ”. Bởi lẽ đây là cây trồng đã và đang giúp nhiều hộ dân trên địa bàn vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Trong không gian trưng bày sản phẩm nông nghiệp của huyện Than Uyên tại các sự kiện, hội nghị lớn của tỉnh, huyện, chúng tôi đều thấy có thảo quả và luôn hấp dẫn người xem bởi những chùm quả tươi màu đỏ nâu rất bắt mắt. Còn đối với thảo quả khô có màu nâu nhạt với những đường vân dài dọc theo quả, 2 đầu thuôn dài hơn gần giống hình quả trám, tỏa mùi thơm rất đặc trưng.

Người dân xã Khoen On (huyện Than Uyên) trưng bày thảo quả tại hội chợ vùng cao nhân ngày “Tết độc lập” mùng 2/9.
Người dân xã Khoen On (huyện Than Uyên) trưng bày thảo quả tại Hội chợ vùng cao nhân Ngày Tết độc lập mùng 2/9.

Ở vùng Tây Bắc, thảo quả được coi là “nữ hoàng” của các loại gia vị, bởi mùi thơm, vị ngọt và cay; thường được sử dụng trong các món: xào, nướng, hấp… Đặc biệt, thảo quả còn là vị thuốc quý có tác dụng bổ máu, chống đông máu; kích thích hệ tiêu hóa; trị các bệnh: chướng bụng đầy hơi, tiêu chảy, sốt rét… Theo quan niệm dân gian của người Thái, thảo quả còn được dùng để xua đuổi tà ma. Chính vì nhiều công dụng như vậy nên được nhiều người tìm mua, nhất là những công ty, đơn vị bào chế thuốc đông y.

Ở huyện Than Uyên, thảo quả được người dân các xã đưa vào trồng từ hơn 10 năm trước. Anh Nùng Văn Linh (bản Nà Ban, xã Hua Nà) chia sẻ: Trong một lần sang Lào Cai, tôi nghe mọi người nói chuyện về cây thảo quả có giá trị kinh tế cao. Tò mò về cây này, tôi lân la hỏi chuyện, rồi mua giống cây về trồng thử. Lúc đầu chỉ trồng ít thôi để xem hiệu quả thế nào, không ngờ, cây lên rất tốt, hơn 2 năm là thu hoạch; quả sai trĩu, giá thành đợt đó bán cao lắm, vài trăm nghìn một ki lô gam quả khô. Tôi tự ươm giống rồi trồng thêm. Đến nay, với hơn 6ha thảo quả dưới tán rừng, bình quân mỗi năm tôi thu về 100 triệu đồng từ bán quả khô. Nhờ đó, gia đình có tiền tích cóp xây được căn nhà to, đẹp, rộng rãi như bây giờ. Các con có điều kiện đi học tốt hơn.

Cũng giống như anh Linh, anh Lường Văn Dành (bản Sắp Ngụa, xã Phúc Than) trồng thảo quả được 10 năm nay. Lợi nhuận từ việc trồng, buôn bán thảo quả giúp gia đình anh Dành thoát nghèo, trở thành hộ khá trong bản. Anh Dành cho biết: Gia đình tôi trồng 3ha thảo quả, hiện nay diện tích đang thu hoạch là 2,5ha. Mỗi năm tôi thu từ 200 - 300kg quả khô, bán ra thị trường với giá 100 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, vợ chồng tôi còn thu mua của bà con trong bản, trong xã, mỗi năm khoảng 4 tấn quả khô, sau khi bán ra lãi hơn 40 triệu đồng. Tính ra một năm, từ thu hoạch và buôn bán thảo quả, gia đình thu về khoảng 70 triệu đồng. Bây giờ có của ăn, của để dành, mua sắm được các đồ dùng tiện ích như: tivi, tủ lạnh…

Theo lời người dân trồng, thảo quả là cây ưa bóng, ưa ẩm, thích hợp với trồng ở dưới tán rừng - nơi có độ ẩm cao, đất màu mỡ, nhiều mùn, dễ thoát nước. Đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc. Một năm bà con thực hiện chăm sóc 2 - 3 lần, phát bỏ cây cỏ, dây leo bụi rậm xâm lấn, xới đất xung quanh cây và sau khi thu hoạch xong thì cắt tỉa cây già, trồng bổ sung cây mới. Mặt khác, có thể tự nhân giống bằng cách ươm hạt hoặc đào lấy thân ngầm trong hốc cây để trồng. Qua đó, giúp người dân tiết kiệm chi phí đầu tư.

Được biết, huyện Than Uyên có hơn 300ha thảo quả, tập trung tại các xã: Phúc Than, Mường Than, Khoen On, Tà Mung, Hua Nà. Đồng chí Đàm Vũ Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Than cho hay: Từ năm 2000, bà con các bản trong xã đã trồng hơn 10ha thảo quả. Thấy được giá trị kinh tế từ thảo quả mang lại, năm 2006, xã được huyện cấp giống để trồng thêm 6ha từ nguồn vốn Chương trình giảm nghèo 30a/CP của Chính phủ. Ngoài ra, bà con cũng tự mua thêm về trồng. Đến nay, xã Mường Than có 106ha thảo quả. Nhờ trồng thảo quả, nhiều hộ dân trong xã đã thoát nghèo; có hộ thu hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người của xã; khuyến khích người dân tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Hiện nay, quỹ đất trồng thảo quả hạn hẹp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, UBND các xã có diện tích trồng thảo quả đang tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ cách chăm sóc, tỉa cây, phòng bệnh cho thảo quả đạt năng suất cao gắn với bảo vệ rừng. Hy vọng rằng, với nguồn lợi giá trị kinh tế mà “vàng đỏ” mang lại, thời gian tới, người dân Than Uyên sẽ tích cực chăm sóc cây theo hướng thâm canh, đúng quy trình kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh hại. Đồng thời, tăng cường bảo vệ diện tích rừng để hưởng lợi ích kép từ thảo quả và dịch vụ môi trường rừng.

Cập nhật ngày 07/10/2020


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.230
Hôm qua : 7.172
Tháng 04 : 122.565
Năm 2024 : 794.155
Tổng số : 82.260.248