• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập sổ theo dõi lịch thời vụ, diễn biến thời tiết

(laichau.gov.vn)

Sáng nay (7/4), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng vụ Đông Xuân các tỉnh, thành phố phía Bắc. Ngay sau khi kết thúc Hội nghị trực tuyến, tại điểm cầu Lai Châu, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập sổ theo dõi lịch thời vụ, diễn biến thời tiết để làm tư liệu so sánh cho các năm tiếp theo, có căn cứ đưa ra các biện pháp chỉ đạo kịp thời nhằm mang lại hiệu quả cao trong sản xuất.

Theo Báo cáo tình hình sản xuất, công tác phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng vụ Đông Xuân 2019-2020 của tỉnh Lai Châu, vụ Đông Xuân năm nay thời tiết có nhiều diễn biến bất thường; nền nhiệt độ trung bình các tháng xấp xỉ và thấp hơn cùng kỳ năm trước; tổng lượng mưa các tháng đầu vụ thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và trung bình năm trước từ 3-170mm, một số diện tích lúa trà xuân sớm bị thiếu nước. Sang tháng 2, 3 lượng mưa xấp xỉ và nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước từ 10-78mm. Đặc biệt, liên tục trong tháng 3 xảy ra 4 đợt mưa đá, gây ảnh hưởng, thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, UBND tỉnh đã chỉ đạo sát sao các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và người dân đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để đẩy mạnh sản xuất vụ Đông Xuân. 

Về tình hình sâu bệnh, diện tích lúa Đông Xuân bị tập đoàn rầy, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn gây hại trà sớm và chính vụ đã được người dân chủ động phòng, trừ sớm. Trên cây ngô chủ yếu là sâu keo mùa thu phát sinh gây hại sớm từ cuối tháng 2 trên diện tích trồng sớm, tại các huyện Tam Đường, Tân Uyên và thành phố. Dự báo tháng 4, tháng 5 là cao điểm gây hại của các đối tượng dịch hại vụ Đông Xuân, đặc biệt trên lúa Đông Xuân và ngô Xuân Hè chính vụ, chính vì vậy cơ quan chuyên môn phải chủ động theo dõi tình hình sâu bệnh và hướng dẫn người dân phòng, trừ kịp thời.

Đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Lai Châu.

 

Ngay sau khi kết thúc Hội nghị trực tuyến, tại điểm cầu Lai Châu, đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu báo cáo cho UBND tỉnh về tình hình cây trồng trong thời gian qua, trong đó chú trọng về tình hình của cây lúa và đưa ra dự báo, cảnh báo, nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ; đồng thời lồng ghép công tác kiểm tra buôn bán vật tư nông nghiệp, có nêu trách nhiệm của cơ quan tuyên truyền và đề nghị Hội Nông dân tỉnh phối hợp thực hiện. 

Để theo dõi tốt cho việc sản xuất những năm sau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập sổ theo dõi lịch thời vụ, diễn biến thời tiết để làm tư liệu so sánh cho các năm tiếp theo, có căn cứ đưa ra các biện pháp chỉ đạo kịp thời nhằm mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. 

Trong khuôn khổ Hội nghị tại điểm cầu Trung ương, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: Hiện có trên 1,1 triệu ha lúa Đông Xuân đang sinh trưởng, phát triển tốt, trong đó vùng Bắc Trung Bộ khoảng 351.000 ha, vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc khoảng 755.000 ha. Ở Bắc Trung Bộ, có một số diện tích bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, bệnh đạo ôn cổ bông, nhiễm sâu cuốn lá nhỏ. Đối với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc, bệnh đạo ôn phát sinh gây hại từ đầu tháng 3 trên trà lúa sớm và tăng nhanh, gây hại nặng từ cuối tháng 3 đến nay. Rầy nâu, rầy lưng trắng nhiễm 1.156 ha. Sâu cuốn lá nhỏ có 5.662 ha bị nhiễm, các tỉnh đã phun trừ sâu bệnh từ trung tuần đến cuối tháng 3, đạt hiệu quả cao.

Dự báo trong thời gian tới, thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, có thể xuất hiện các đợt không khí lạnh, trời âm u, có mưa, độ ẩm cao, sương mù kéo dài… thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh gây hại cây trồng phát triển, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông, rầy nâu, rầy lưng trắng và sâu cuốn lá nhỏ. Các địa phương nghiêm túc chỉ đạo thực hiện theo Chỉ thị số 2380/CT-BNN-BVTV ngày 03/4/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác phòng, chống sinh vật gây hại lúa Đông Xuân ở các tỉnh phía Bắc.

Phát biểu tại chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Cường - Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: Hiện nay, trách nhiệm của Ngành Nông nghiệp là rất lớn, cần phải đẩy mạnh sản xuất để đủ lương thực, thực phẩm cho 100 triệu dân. Hiện đang là thời điểm sung yếu nhất của cây lúa nên các địa phương phải phân loại từng trà gieo cấy để xác định rõ từng đối tượng sâu bệnh gây hại, có các biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời; đưa ra thời điểm phòng trừ sâu bệnh đúng ngưỡng; đồng thời phải biết tận dụng các phương tiện thông tin ở địa phương để tuyên truyền tới người dân thực hiện các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh mang lại hiệu quả. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng cố gắng liên kết trong sản xuất, tính toán không để tình trạng số lượng nhiều lại không tiêu thụ được. Những địa phương đã công bố hết dịch tả lợn Châu Phi tích cực tái đàn. Các tỉnh duyên hải đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản để đảm bảo tổng thể cơ cấu chung trong sản xuất. Đồng thời, đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở ra đẩy mạnh thi đua sản xuất để có vụ Đông Xuân bội thu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

 


Tác giả: Thu Thuỳ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.750
Hôm qua : 8.942
Tháng 04 : 191.580
Năm 2024 : 863.170
Tổng số : 82.329.263