• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tân Uyên thực hiện Đề án tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp

(laichau.gov.vn)
Sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp theo Quyết định số 1406/QĐ-UBND ngày 30/10/2013 của UBND tỉnh Lai Châu, Ngành Nông nghiệp của huyện Tân Uyên có bước phát triển rõ nét, đã hình thành vùng sản xuất lương thực hàng hóa tập trung, người dân tích cực thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất… qua đó, góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của huyện.

Người dân thị trấn Tân Uyên hái chè.

Căn cứ nội dung của Đề án tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp, huyện Tân Uyên đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng trên các vùng đã được quy hoạch theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường đưa giống mới chất lượng cao, cây trồng mới phù hợp với lợi thế của địa phương và nhu cầu của thị trường, mở rộng diện tích vụ Đông Xuân, vụ Mùa và Thu Đông; xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao. Hình thành vùng sản xuất lương thực hàng hóa tập trung như vùng sản xuất lúa Séng Cù 256 ha, tập trung ở xã Pắc Ta, xã Phúc Khoa và thị trấn Tân Uyên (tăng 205 ha so với năm 2013); lúa Khẩu Ký là 173 ha tập trung ở xã Pắc Ta, xã Mường Khoa, xã Thân Thuộc, xã Trung Đồng và thị trấn Tân Uyên (tăng 152 ha so với năm 2013); lúa nếp Cò Giàng là 78 ha tại xã Pắc Ta (tăng 58 ha so với năm 2013). 

Việc thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất cũng đem lại nhiều chuyển biến tích cực, người dân đã chú trọng đưa máy móc vào sản xuất, thay thế sức kéo gia súc, tiết kiệm công lao động, giảm chi phí sản xuất, tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất, thu hoạch đạt từ 80-90% diện tích. Ngoài ra, các công ty chế biến chè trên địa huyện đã và đang đưa các dây chuyền sản xuất hiện đại thay thế các loại máy móc cũ, lạc hậu, góp phần nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm chè. Qua đó đã tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích; tỷ lệ sử dụng giống mới chiếm trên 90% diện tích; bình quân lương thực đầu người đạt 566 kg/người/năm (tăng 51 kg/người/năm so với năm 2013), một số hộ nông dân trồng chè có thu nhập từ 70 triệu đến 120 triệu đồng/năm; đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, cách nghĩ, cách làm, khuyến khích việc ứng dụng khoa học kỹ thuật ngày càng sâu rộng trong phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp của huyện; tạo việc làm mới cho người lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập của Nhân dân, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững; thu nhập người dân được nâng lên rõ rệt, năm 2017 đạt 22,28 triệu đồng/người/năm (tăng 14,62 triệu đồng so với năm 2013). 

Tái cơ cấu nông nghiệp được gắn với xây dựng nông thôn mới. Huyện tập trung chỉ đạo điều chỉnh bổ sung công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch chi tiết vùng sản xuất nông nghiệp và hạ tầng khu sản xuất các xã trên địa bàn huyện để thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp huyện phát triển. Ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án và huy động sự đóng góp của cộng đồng dân cư để xây dựng nông thôn mới; trước mắt tập trung nguồn lực xây dựng hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và kênh mương nội đồng để phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng và quản lý các công trình nước sinh hoạt, giao thông, thủy lợi... trên địa bàn nông thôn. Bên cạnh đó, huyện đã thực hiện Đề án tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp thông qua xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình, Dự án, Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn đã giúp nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống người dân nông thôn từ đó góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đến thời điểm hiện tại, có 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm các xã Pắc Ta, Phúc Khoa, Nậm Cần, Thân Thuộc; trung bình các xã trên địa bàn huyện đạt 14,9 tiêu chí nông thôn mới/xã (tăng 6,62 tiêu chí so với năm 2013).

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế như: Phát triển vùng sản xuất hàng hoá tập trung chuyên canh còn chậm, sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là quy mô nhỏ, phân tán, chất lượng và hiệu quả còn thấp, còn lệ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, biến động xấu của thời tiết, dịch hại cây trồng và vật nuôi, giá cả thị trường. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất và cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn diễn ra còn chậm. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất. Công tác chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chủ yếu tập trung ở vùng thấp, đối với vùng cao còn gặp nhiều khó khăn.

Để việc thực hiện Đề án tái cơ cơ cấu Ngành Nông nghiệp đạt hiệu quả tốt hơn, thời gian tới huyện Tân Uyên tiếp tục khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, duy trì tăng trưởng; thực hiện quy hoạch phát triển vùng cây trồng vật nuôi hợp lý; đưa cơ giới hoá vào sản xuất, đầu tư thâm canh tăng năng suất, áp dụng quy trình thâm canh lúa cải tiến; chuyển phương thức sản xuất quảng canh, tự cung tự cấp sang thâm canh và sản xuất hàng hóa; lồng ghép các chương trình tiếp tục đầu tư, hỗ trợ đổi mới dây chuyền công nghệ, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt và đồng đều để nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm... Qua đó, góp phần nâng cao hệ số sử dụng đất trên đơn vị diện tích; tăng thu nhập cho nông dân; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng cơ cấu kinh tế của huyện./.

Phạm Giang - TP Lai Châu


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 9.165
Hôm qua : 8.942
Tháng 04 : 195.995
Năm 2024 : 867.585
Tổng số : 82.333.678