• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lễ cúng còn - Nét đặc sắc trong văn hoá dân tộc Thái ở Mường Tè

(laichau.gov.vn)
Đối với người Thái (Mường Tè), qủa còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống sinh hoạt cũng như tâm linh của người Thái. Chính vì vậy, ngay từ xa xưa Lễ cúng còn luôn được người Thái nơi đây tổ chức vào mỗi dịp lễ, tết. Ngày nay, khi đời sống ngày càng khấm khá hơn, các nghi thức, lễ cúng càng được người Thái coi trọng. Tại Lễ hội Ném còn ba nước Việt – Lào – Trung lần thứ VI, lần đầu tiên Lễ cúng còn được tổ chức quy mô và trang trọng, Cổng Thông tin điện tử tỉnh giới thiệu tới quý độc giả những nét văn hoá đặc sắc trong Lễ cúng còn của người dân tộc Thái (Mường Tè).

Mâm cỗ cúng tại Lễ cúng còn.

Tung còn là một trò chơi dân gian không thể thiếu trong sinh hoạt văn hoá của cộng đồng người Thái. Đến nay, trò chơi ấy trở nên phổ biến trong cộng đồng các dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc. Theo quan niệm của người Thái, quả còn tượng trưng cho khoảng không vũ trụ, khi có vật thể bay trên bầu trời, tiếng Thái gọi là “luông con bìn” có nghĩa là rồng còn bay – Con Rồng bay vụt lên bầu trời. Người Thái quan niệm rằng: Nhìn thấy rồng còn bay là mang lại niềm may mắn cho con người. Tuy nhiên, mãi đến tận bây giờ vẫn chưa ai nhìn thấy con rồng thật nào, mà chỉ là trong trí tưởng tượng mà thôi. Rồi người ta nghĩ ra một cách làm cho một vật bay lên và tưởng tượng như đó là rồng còn bay. Người Thái gọi trò chơi đó là “ỉn tọt con” có nghĩa là “tung còn”, cũng có gọi là “ném còn”.

Theo ông Tống Văn Sơ, người có uy tín tại thị trấn Mường Tè chia sẻ: Quả còn không chỉ là đồ chơi trong dịp lễ, tết mà còn mang ý nghĩa tâm linh đối với người Thái. Trước kia, mỗi khi quả còn được mang ra chơi tại các dịp lễ, tết thì người phải làm lễ xin với thần còn để mượn còn, xin những điều may về cho cộng đồng và xua đi những điều không tốt.

Quả còn dây.

Tham dự Lễ cúng còn tại Lễ hội Ném còn ba nước Việt – Lào – Trung lần VI có đại diện của 5 đoàn đến từ 3 nước (huyện Mường Tè - tỉnh Lai Châu, thành phố Điện Biên - huyện Mường Nhé - tỉnh Điện Biên, nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; huyện Nhọt U - tỉnh Phông Sa Lỳ, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; huyện Giang Thành - tỉnh Vân Nam, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa).

Các Đoàn tham dự Lễ cúng còn và đông đảo người dân đến xem.

Để thực hiện phần Lễ, trước đó người Thái (Mường Tè) đã chuẩn bị mâm cúng gồm có: Quả còn, lợn, gà, sôi ngũ sắc, hoa quả, rượu nếp… Những lễ vật đem cúng được lựa chọn rất cẩn thận, lợn phải là con khoẻ mạnh, càng to càng tốt, gà phải là gà trống bản, chân nhỏ, da vàng. Những người chuẩn bị mâm cúng sẽ đặt lên đầu con lợn những sợi chỉ màu đen và đặt lên đầu con gà những sợi chỉ màu hồng. Những sợi chỉ này sẽ để thực hiện Lễ buộc chỉ cổ tay. Tại Lễ cúng, ngoài thầy cúng thì còn có các “Nàng đa” phụ giúp cho thầy cúng những việc như rót rượu, buộc chỉ cổ tay, hát múa sau khi Lễ cúng thành công…


Mâm cúng được các "Nàng đa" giúp Trưởng lễ chuẩn bị.

Mở đầu phần cúng, thầy cúng cùng các “Nàng đa” sẽ cúi lạy cụ tổ đắp đất làm bản, cụ tổ xây bản xây mường. Sau đó tiến hành cúng với nội dung: Hôm nay ngày lành tháng tốt, ngày tốt trời đẹp, đón chào năm mới, cháu con trong bản trong Mường, gái bản dưới, trai bản trên hẹn hò gặp gỡ cùng vui ngày hội ném còn nơi quê hương Mường Tè. Nay cháu con có mâm cỗ tôn kính dâng lên cụ tổ đắp đất xây bản mường, chứng giám lòng thành, phù hộ bản mường, nhà nhà yên vui, no ấm, hạnh phúc, người già vui khoẻ, người trẻ rộn ràng. Còn dây xanh dây đỏ vắt qua bản mường lung linh, dây còn quấn quýt tươi thắm bản mường, còn xấu trôi theo dòng nước, còn tốt giữ lại vui tươi.

Trưởng lễ tung còn, miệng hô to "Má khứn" (Phát triển) để kết thúc phần lễ.

Sau khi làm lễ xong, quả còn thứ nhất được ném ra ngoài (đó là bỏ đi điều không tốt), quả còn thứ hai được thầy cúng tung cho bà con (quả còn mang lại điều may mắn). Sau đó là làm Lễ buộc chỉ cổ tay cho những người tham dự Lễ cúng với ý nghĩa cầu mong bình an, may mắn cho mọi người, đồng thời nâng chén rượu mừng tình đoàn kết, hữu nghị của Nhân dân 3 nước. Sau đó, những người tham dự Lễ cúng sẽ cùng hoà chung vào vòng xoè đoàn kết, cùng hát múa và vui hội.

Các "Nàng đa" thực hiện phần Lễ buộc chỉ cổ tay cho đồng chí Tổng Thanh Hải - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, Nước CHXHCN Việt Nam với ý nghĩa cầu mong bình an, may mắn...

"Nàng đa" thực hiện phần Lễ buộc chỉ cổ tay cho đồng chí Thong Sy Sâu Sụ Lỵ Phôm - Phó Tỉnh Trưởng tỉnh Phông Sa Lỳ,

Nuớc CHDCND Lào. 

Chia sẻ cảm xúc sau khi được xem Lễ cúng còn, chị Lý Thị Hồng, Khu phố 1, thị trấn Mường Tè chia sẻ: Là người dân Mường Tè được chứng kiến phần Lễ cúng còn tổ chức trang trọng và quy mô, bản thân tôi cảm thấy rất vui và xúc động. Hi vọng rằng với sự thành công của Lễ cúng sẽ giúp cho bản mường một năm mới nhà nhà yên vui, no ấm, hạnh phúc và mạnh khoẻ.

Lễ cúng còn với những điểm đặc sắc đầy tính nhân văn đã để lại ấn tượng không nhỏ đối với các đoàn khách quốc tế. Ông Khăm Phăn Bụt Thạ Chít - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Phông Sa Lỳ (Nước CHDCND Lào) chia sẻ: Được dự toàn bộ Lễ cúng còn, tôi thấy có rất nhiều điểm rất giống với dân tộc Lào của chúng tôi. Ở đất nước tôi cũng có nghi lễ buộc chỉ cổ tay cầu bình an, may mắn. Chính vì vậy khi sang huyện Mường Tè tham dự Lễ hội Ném còn các huyện có trung đường biên giới Việt Nam – Lào – Trung Quốc, tôi cảm nhận tình thần hữu nghị và tình cảm chân thành của đơn vị chủ nhà tổ chức lễ hội.

Kết thúc phần Lễ, tất cả mọi người cùng nắm tay trong vòng xoè đoàn kết.

Lễ cúng còn được tổ chức trang trọng, quy mô và đậm đà bản sắc dân tộc đã không chỉ để lại những ấn tượng đẹp đối với bạn bè trong nước và khách Quốc tế, mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá những nghi lễ truyền thống, sự hiếu khách, tình cảm chân thành của Nhân dân các dân tộc huyện Mường Tè. Qua đó, góp phần tăng cường giao lưu, hợp tác, đối ngoại, xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa Đảng, chính quyền, Nhân dân khu vực biên giới.

Lê Dũng


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 6.312
Hôm qua : 8.942
Tháng 04 : 193.142
Năm 2024 : 864.732
Tổng số : 82.330.825