• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Người Dao Tiển đón Tết Nguyên đán

(laichau.gov.vn)
Trong xu thế hội nhập văn hóa đang len lỏi đến từng bản làng, người Dao Tiển ở xã Ma Ly Pho (huyện Phong Thổ) hoà nhập nhưng không hoà tan, vẫn luôn giữ được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Bà con nơi đây tự tay thêu dệt nên những bộ trang phục truyền thống, giữ gìn tiếng nói bản địa, văn hóa ẩm thực, nghi thức tổ chức cưới hỏi… Đặc biệt, phải kể đến phong tục đón Tết cổ truyền với những nét riêng biệt, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Bà con người Dao Tiển chuẩn bị lá chuối gói bánh mật.

Xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ có 5 dân tộc anh em cùng chung sống như Dao, Thái, Kinh, Hoa, Khơ Mú; trong đó, 82% là người dân tộc Dao Tiển; bà con sống ở tập trung chủ yếu ở các bản: Tả Phìn, Sòn Thầu 1, Sòn Thầu 2, Hùng Pèng. Nơi đây không chỉ có khí hậu ôn hòa, trong lành mà còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Mỗi độ Tết đến, xuân về, người Dao Tiển lại nô nức chuẩn bị đón Tết. Ông Lý Phủ Ngan là một trong những người điển hình của xã hiểu rõ và tích cực giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao cho biết: “Các dân tộc khác trong tỉnh thường đón Tết trong 5 ngày (từ ngày mùng 1-5/1 âm lịch), ngày Tết luôn gắn liền với hình ảnh hoa đào. Còn với người Dao Tiển trong xã, Tết cổ truyền thường chỉ diễn ra trong 2 ngày (30/12 âm lịch năm cũ và 1/1 âm lịch của năm mới) và không có hoa đào trên bàn thờ”. 

Để những ngày Tết diễn ra vui vẻ, ấm cúng, trước Tết vài ngày các chàng trai cường tráng, khỏe mạnh hò nhau mổ lợn, các cô gái xúng xính, rực rỡ trong trang phục dân tộc đi sắm thực phẩm và những vật dụng cần thiết cho các ngày Tết. Các chị em cũng giành thời gian vệ sinh, trang hoàng lại nhà cửa rồi cùng nhau làm bánh. Có hai loại bánh không thể thiếu trong ngày Tết của người Dao Tiển là bánh chưng và bánh mật. Gạo nếp dùng để gói bánh chưng là loại gạo nếp nương được bà con chọn để dành từ vụ lúa mùa và được say sát, sàng sảy loại bỏ những hạt đen, hạt xấu đảm bảo hạt trắng đều. Đồng thời, chuẩn bị lá dong được cắt từ vườn, lạt gói bánh được lựa từ những ống giang bánh tẻ và được chẻ mỏng vừa phải… Bánh chưng được làm từ gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn thái thành miếng dài. Khi gói bánh, lá dong phải rửa thật sạch, đặt vào mâm, đổ gạo lên, dàn đều rồi cho đỗ xanh, thịt, 1 lớp gạo gói lại thành chiếc bánh hình vuông sau đó cho bánh vào nồi luộc liên tục khoảng 12 giờ đồng hồ, vớt ra, ép cho bánh vuông vắn. Bánh mật không nhân được làm từ bột gạo nếp nghiền nhỏ trộn với đường phên, gói bằng lá chuối tây, cho lên đồ đến khi chín thì vớt ra rổ, để ráo nước. Tất cả các nguyên liệu, sản phẩm đều do bà con tự sản xuất làm ra và lựa chọn cẩn thận. Những món ăn này sẽ được dâng lên tổ tiên để tỏ lòng biết ơn trời đất, tổ tiên đã ban cho mưa thuận gió hoà, con cháu khoẻ mạnh, làm ăn thuận lợi…

Vui nhất trong dịp Tết Nguyên đán là những đứa trẻ, được bố mẹ đưa đi chơi chợ, thưởng xuân, mua đồ chơi, quần áo mới. Ngày 30/12 âm lịch, từ 6-7 giờ sáng, các thành viên trong mỗi gia đình tập trung đông đủ trước bàn thờ gia tiên. Người chủ gia đình bày lễ vật cúng gồm 1 thủ lợn, 1 con gà, 5 bánh chưng và 3 chén đựng rượu, thành kính thắp 3 nén hương mời tổ tiên về ăn Tết. Khi hương cháy hết, hạ lễ vật và các thành viên có thể đến nhà anh em, bạn bè chơi hay tập trung tại một địa điểm hẹn trước trong bản thi hát đối đáp. Những lời ca tiếng hát của người dân đủ các độ tuổi vang khắp sườn núi, tạo cho không khí ngày Tết thêm vui vẻ, rộn ràng, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Màn đêm buông xuống, người chủ gia đình tự tay nhấc bỏ chổi cũ trên bàn thờ và lột bỏ giấy mầu được dán từ năm trước xung quanh bàn thờ, trên tường, cửa, đồ dùng và chuồng trại.

Vào ngày mùng 1 Tết, ngày gia chủ thực hiện các nghi lễ mời thần linh về ăn Tết. Khi gà gáy tiếng đầu tiên, người chủ gia đình nhanh chóng thức dậy, trong trang phục mới, chỉnh tề, pha 1 ấm chè khô nóng hổi đặt cạnh 3 chén, thắp 3 nén hương trên bàn thờ đặt dưới đất và đọc lời khấn bằng tiếng địa phương. Nội dung lời khấn bày tỏ năm cũ đã hết, năm mới đã sang, mời thần linh về chứng kiến, thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho gia chủ năm mới được mạnh khỏe, công việc hanh thông, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc. Tiếp đó, người chủ gia đình mang 3 bó chổi chít nhỏ (mỗi bó to bằng khoảng đầu ngón tay và được bó sẵn từ trước) đi ra ngoài nhà bằng cửa chính, rồi vứt bỏ 1 bó chổi chít nhằm xóa hạn cũ. Quay về, người chủ gia đình cài 1 bó chổi chít lên cửa chính nhằm chắn tai họa, tai ương trong năm mới.    

“Cài chổi ở cửa song, chủ nhà lấy 1 chậu nhỏ đặt trước bàn thờ, dùng giấy màu gấp thành chiếc thuyền thả vào chậu, quay 3 vòng theo chiều kim đồng hồ, đốt giấy cho thần linh để xin giống cây trồng, vật nuôi. Sau đó, quay 3 vòng ngược lại, lấy 1 chén nước đặt ở bàn thờ, cho gạo, đốt giấy cúng để cho tàn rơi vào chén nước, sau đó mang chén nước đó vẩy nhẹ vào thức ăn của vật nuôi, rót vào thóc giống để thần linh chứng kiến phù hộ cho cây trồng vật nuôi phát triển tốt, không bị sâu bệnh, dịch bệnh. Sau khi đặt bó chổi thứ 3 lên bàn thờ cố định trên tường, gia chủ rót nước chè ra 3 chén, đặt lên bàn thờ cùng với 5 chiếc bánh mật, bánh kẹo, hoa quả và thắp 3 nén hương. Kết thúc nghi lễ mời thần linh về ăn Tết, chủ nhà dán giấy màu đỏ xung quanh bàn thờ trên tường, cửa, đồ dùng và chuồng trại. Các cháu nhỏ cũng được huy động đọc sách, học bài bởi theo quan niệm của bà con đây là thời gian lý tưởng để tiếp thu kiến thức và khởi đầu năm mới học tập tốt hơn” – Ông Lý Phủ Ngan chia sẻ.

Nếu như nghi lễ mời tổ tiên, thần linh về ăn Tết được chủ mỗi gia đình tiến hành cẩn thận, tỷ mỷ thì nghi lễ cúng cho cả bản tiến hành ngay sau đó cũng được thực hiện nghiêm túc. Mỗi hộ cử ra 1 người đại diện đến miếu đầu bản thắp hương dâng lễ với nước chè, 12 chiếc chén và bánh kẹo. Việc làm này nhằm cầu mong thần linh phù hộ cho cả năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, bản làng yên vui, hạnh phúc. Cúng ở miếu xong, ngay sau đó mỗi người tự về nhà nấu 1 ít thức ăn gói đi cùng với 1 chai rượu, 1 bó hương, giấy cúng, sau đó đến nhà đại diện của bản cúng tiếp và ăn cơm tại đó. Trong lúc này, các thành viên khác trong gia đình tiếp tục đi chơi, mừng tuổi cho trẻ nhỏ, chúc thọ người già.

Tết của người Dao Tiển xã Ma Ly Pho có nhiều nghi lễ mang tính gắn kết cộng đồng cao, cần được giữ gìn và phát huy hơn nữa trong thời gian tới. Qua đó, góp phần tạo nên sự đa dạng trong bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong tình hình hiện nay.

Thu Giang


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 9.013
Hôm qua : 8.942
Tháng 04 : 195.843
Năm 2024 : 867.433
Tổng số : 82.333.526