• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự báo năm 2024 sẽ tiếp tục xảy ra nhiều hiện tượng thiên tai cực đoan, dị thường

(laichau.gov.vn)

Chiều nay (21/3), Tổng Cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn năm 2023, nhận định xu thế năm 2024 bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tới 63 điểm cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố cả nước; 7 Đài Khí Tượng Thủy văn khu vực và 56 Đài Khí tượng Thủy văn của các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.

Tại điểm cầu Trung ương, đồng chí Hoàng Đức Cường - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Khí tượng Thủy văn dự và phát biểu kết luận Hội nghị. Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đại diện lãnh đạo các Sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh; chuyên viên theo dõi lĩnh vực của Văn phòng UBND tỉnh…

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2023, diễn biến thời tiết toàn cầu thất thường, nhiệt độ trung bình toàn cầu là năm nóng nhất trong 174 năm qua. Mùa bão ít, dị thường trên Thái Bình Dương; trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương số lượng bão nhiệt đới có tên thấp hơn trung bình nhiều năm, chỉ có 17 cơn bão.

Tại Việt Nam, thời tiết, khí hậu chịu tác động mạnh mẽ của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu. Năm 2023, nước ta không có bão đổ bộ vào đất liền; có 20 đợt nắng nóng (nhiều nhất tính từ năm 2017 đến nay), vào ngày 7/5 tại Tương Dương (Nghệ An) đã quan trắc được giá trị nhiệt độ cao nhất là 44,2°C và đây là giá trị nhiệt độ ngày cao nhất trên cả nước đã từng được quan trắc. Nhiều nơi xảy ra mưa lớn, trong đó Đà Nẵng là địa phương có lượng mưa lớn nhất. Do ảnh hưởng của các đợt mưa lớn kéo dài, mưa lớn cục bộ đã gây ra lũ quét, sạt lở đất trên phạm vi 35 tỉnh thuộc khu vực trung du. Tuy nhiên, do lượng mưa không phân bổ đều ở các khu vực, mực nước ở nhiều hồ chứa thủy điện lớn khu vực Bắc Bộ cuối tháng 5/2023 đã xuống mức thấp nhất trong 5 năm gần đây…

Biểu đồ nhận định xu thế thiên tai năm 2024.

Nhận định xu thế năm 2024, là một năm được dự báo thiên tai sẽ tiếp tục xảy ra nhiều hiện tượng cực đoan, dị thường. Dự báo nắng nóng sớm và gay gắt hơn trung bình nhiều năm, số đợt nắng nóng có khả năng nhiều hơn và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Dự báo đầu mùa ít khả năng xuất hiện bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông, số lượng bão/áp thấp nhiệt đới năm 2024 trên khu vực Biển Đông có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm và có khả năng tập trung vào nửa cuối mùa bão. Đầu mùa dự báo ít mưa, dồn dập vào cuối năm. Mùa lũ ít có khả năng đến sớm trên các sông suối khu vực Bắc Bộ, nguồn nước trên các sông và các hồ chứa lớn khu vực Bắc Bộ ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm…

Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận tập trung vào công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm ảnh hưởng đến con người và phát triển kinh tế - xã hội; cập nhật phân vùng nguy cơ và xác định ngưỡng mưa phục vụ cảnh báo sạt lở đất; kết quả phân vùng rủi ro thiên tai, lũ, ngập lụt và lũ quét phục vụ công tác cảnh báo và dự báo thiên tai…

Đồng chí Hoàng Đức Cường - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Khí tượng Thủy văn kết luận Hội nghị.

Phát biểu Kết luận Hội nghị, đồng chí Hoàng Đức Cường - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Khí tượng Thủy văn nhấn mạnh, dự báo, cảnh báo sớm thiên tai khí tượng thủy văn là một trong những công cụ quan trọng cảnh báo các hiện tượng thời tiết, nước và khí hậu cực đoan giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ của cải của Nhà nước và người dân. Nhằm thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, đồng chí đề nghị, các địa phương, các đơn vị chức năng tiếp tục nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo mưa lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo dài hạn để các cơ quan chỉ đạo cũng như Nhân dân chủ động trong công tác ứng phó với thiên tai; đẩy mạnh công tác dự báo chuyên đề phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra; triển khai công tác dự báo tác động trong các tình huống thiên tai đa dạng hơn, chi tiết hơn. Tăng cường công tác phối hợp với cơ quan liên quan để chủ động cung cấp thông tin, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai. Tích cực tuyên truyền để người dân chủ động trong phòng, chống thiên tai nhất là tại các khu vực dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan…


Tác giả: Kim Anh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 720
Hôm qua : 5.827
Tháng 04 : 202.787
Năm 2024 : 874.377
Tổng số : 82.340.470