• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dại động vật trên địa bàn tỉnh

(laichau.gov.vn)

Hôm nay (20/3), UBND tỉnh Lai Châu ban hành Công văn số 993/UBND-KTN về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dại động vật trên địa bàn tỉnh.

Công văn nêu rõ: Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 20 tháng 02 năm 2024, cả nước đã xảy ra 17 ổ bệnh Dại trên động vật tại 12 tỉnh, thành phố và 18 ca tử vong trên người do bệnh Dại ở 14 tỉnh, thành phố (tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2023), số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh Dại đã lên tới gần 70.000 người (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023). Tại địa bàn tỉnh Lai Châu, trong 05 năm gần đây đã có 13 người bị chết vì bệnh Dại, gần 9.000 lượt người phải điều trị dự phòng do bị chó mèo cắn; từ tháng 10 năm 2022 đến nay, đã xuất hiện 22 lượt ổ dịch bệnh Dại trên động vật thuộc địa bàn các xã, phường, thị trấn tại các huyện: Tam Đường, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Mường Tè, Tân Uyên, Sìn Hồ và thành phố Lai Châu; tổng số chó buộc phải tiêu hủy 127 con. Trong khi đó, công tác phòng, chống bệnh Dại trên động vật và dự phòng trên người còn nhiều hạn chế, do đó nguy cơ bệnh Dại tiếp tục xảy ra, lây lan trên động vật và người trong thời gian tới là rất cao.

Thực hiện Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh Dại; Chỉ thị số 1296/CT-BNN-TY ngày 26 tháng 02 năm 2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên động vật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại động vật theo quy Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại tại: Quyết định số 79/QĐ-UBND ngày 24 tháng 01 năm 2022 về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống bệnh Dại giai đoạn 2022-2030; Kế hoạch số 4477/KH-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2023 về phòng, chống dịch bệnh động vật, thủy sản năm 2024, đồng thời triển khai một số nhiệm vụ sau:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Chỉ đạo chính quyền cơ sở tổ chức quản lý chặt chẽ đàn chó, mèo; thống kê số hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo; quyết liệt xử lý tình trạng chó thả rông; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ cam kết thực hiện khai báo và nuôi nhốt chó, mèo, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh; tổ chức tiêm phòng cho đàn chó, mèo đồng loạt vào cùng một thời điểm, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng/tổng đàn theo quy định; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót chó, mèo mới phát sinh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng, chống bệnh Dại, nhất là trong công tác vận chuyển, quản lý chó nuôi và công tác tiêm vắc xin phòng bệnh Dại động vật.

- Tổ chức giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh; chỉ đạo lực lượng thú y và y tế chủ động chia sẻ thông tin và phối hợp điều tra, lấy mẫu, xử lý ổ dịch theo quy định; rà soát và tổ chức xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại, đặc biệt tại những khu du lịch, khu vực thành phố, thị trấn và khu đông dân cư.

- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư về trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân khi nuôi chó; về tính chất nguy hiểm, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại (nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa và đối tượng là học sinh, trẻ em); các biện pháp, các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh Dại hiệu quả; chú trọng tuyên truyền, phổ biến mức xử lý vi phạm hành chính khi vi phạm các quy định về nuôi chó và không tiêm vắc xin phòng dại cho chó mèo, trách nhiệm dân sự, hình sự khi để chó lên cơn dại cắn người gây nguy hiểm cho cộng đồng; hướng dẫn, vận động, người bị chó, mèo cào, cắn đến ngay các cơ sở y tế để được xử lý, điều trị dự phòng kịp thời. 

- Tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch số 1186/KH-UBND ngày 07 tháng 5 năm 2021 về triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2021-2030”. Đồng thời, củng cố mạng lưới thú y cấp xã bảo đảm tiêu chuẩn theo Thông tư số 29/2016/TT-BNNPTNT ngày 05 tháng 8 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

- Chủ động bố trí đủ nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn quản lý. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống bệnh Dại; chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn quản lý.

- Thành lập các Đoàn kiểm tra, phối hợp với các đơn vị chuyên môn thú y, y tế kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh Dại; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định tại Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn trong công tác phòng, chống bệnh Dại động vật trên địa bàn tỉnh đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức lấy mẫu giám sát bệnh Dại; tất cả những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Dại trên động vật phải được lấy mẫu xét nghiệm bệnh Dại để kịp thời cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dại; hướng dẫn các huyện, thành phố trong công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn đối với bệnh Dại động vật.

- Phối hợp với các đơn vị truyền thông và các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bệnh dại, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức cho lực lượng thú y cơ sở trong phòng, chống dịch bệnh Dại.

- Chủ động thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống bệnh Dại tại các huyện, thành phố, nhất là tại các địa bàn trọng điểm; tổ chức đánh giá, báo cáo kết quả công tác phòng chống bệnh Dại động vật trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Y tế

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với các đơn vị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng, chống bệnh Dại tại các huyện, thành phố; thực hiện các hoạt động truyền thông về phòng chống bệnh Dại ở người; tuyên truyền, hướng dẫn người bị chó, mèo cắn, cào... đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế tổ chức xây dựng, thực hiện kế hoạch truyền thông học đường về phòng, chống bệnh Dại.

5. Sở Thông tin và Truyền thông 

Chỉ đạo cơ quan báo chí phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế tăng cường tuyên truyền về bệnh Dại, mức độ nguy hại của bệnh Dại với tính mạng con người. Tuyên truyền các biện pháp phòng chống, đặc biệt là trách nhiệm của người dân trong việc tiêm phòng bệnh Dại bắt buộc cho đàn chó, mèo; các biện pháp điều trị khi bị chó, mèo cắn, cào,...

6. Công an tỉnh

Chỉ đạo lực lượng Công an chủ động nắm tình hình, kịp thời điều tra, xử lý nghiêm trường hợp chủ nuôi chó không thực hiện quy định về nuôi, quản lý chó dẫn tới gây hậu quả nghiêm trọng.

7. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể

Chỉ đạo các cấp hội phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y, y tế tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho đoàn viên, hội viên, cộng đồng dân cư về mức độ nguy hiểm, các biện pháp phòng, chống bệnh Dại theo quy định; giam sát, vận động chủ vật nuôi thực hiện khai báo, không thả rông, tiêm phòng đầy đủ vắc xin theo quy định của pháp luật.


Tác giả: Thu Hoài BT
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.064
Hôm qua : 9.410
Tháng 04 : 199.304
Năm 2024 : 870.894
Tổng số : 82.336.987