A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản
Giải báo chí viết về lực lượng bộ đội Biên phòng Lai Châu năm 2024

Lặng lẽ xanh

(laichau.gov.vn)

265,165km đường biên giới, Lai Châu như một “mắt xích” nối liền đường biên trên cạn trấn giữ vùng biên ải Tây Bắc. Những cánh rừng trùng điệp lại thêm xanh bởi màu áo của những chiến sỹ biên phòng. Họ đang lặng lẽ cống hiến tuổi trẻ, sức xuân, có khi là cả đời riêng để canh giữ miền đất mẹ. 101 cột mốc biên cương chưa bao giờ bị xâm phạm; cuộc sống nơi biên giới được bình yên dưới xanh thẫm màu rừng đều thấm đẫm mồ hôi, công sức của những người lính mang quân hàm xanh.

Kỳ 1: Giấc mơ có thật

Những tưởng mảnh đất nơi ven trời Tây Bắc xa lắc, xa lơ và thật khó đến. Nhưng thực tình, Tây Bắc lại thật gần, thân thương, có thể sờ, nắm lấy và đặt chân đến, thậm chí dễ dàng hít thở bầu không khí trong veo ở nơi ranh giới quốc gia. Ranh giới ấy bao gồm hết thảy những điều thiêng liêng về biên giới Việt Nam - nơi có những người lính biên phòng Lai Châu đang ngày đêm canh giữ bầu trời Tổ quốc bằng tất cả sự kiên cường và ý chí bất tử.

Ước mơ thuở thiếu thời

Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, những học sinh ở miền xuôi như chúng tôi chỉ biết đến Tây Bắc qua những bài hát, câu thơ, tập truyện. Nào là ý chí của đoàn binh Tây Tiến với “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” của những người lính “đi không hẹn ước” với “Đường lên thăm thẳm một chia phôi” trong bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng. Rồi những câu thơ lục bát dễ nhớ dễ thuộc với những hình ảnh đẹp như trong tranh ở bài thơ “Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu: “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi/Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng/Ngày xuân mơ nở trắng rừng/Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”… Có cả một cuộc sống mới trên nông trường rộn tiếng ca, đầy hy vọng, hừng hực khí thế dựng xây đất nước trong những năm miền Bắc tiến lên xã hội chủ nghĩa trong truyện ngắn “Mùa lạc” của nhà văn Nguyễn Khải. Một không khí lao động hăng say, tấp nập trên cánh đồng Điện Biên (Lai Châu cũ) và cả sự hồi sinh con tim đã héo úa của người phụ nữ luống tuổi… Những dấu vết của chiến tranh, của trận chiến một mất một còn với quân giặc Pháp vẫn còn hằn in trên cánh đồng lạc… Tây Bắc hiện lên như mơ, như thơ trong những trang sách, sinh động lạ thường khiến lũ học trò chúng tôi chỉ ao ước được đến một lần.

Thế mà khi lập nghiệp, cơ duyên đã đưa chúng tôi ngược ngàn Tây Bắc đến với Lai Châu như một định mệnh. “Nơi ngủ dậy núi đã đầy trong mắt. Trong chiêm bao còn vọng tiếng nai chiều”, nơi chỉ có núi, mây và rừng xanh thăm thẳm nhưng bình yên và thơ mộng với những con người bình dị, hiền hòa, quanh năm lam lũ, bám chặt lấy đất, lấy rừng.

Lá cờ Tổ quốc tung bay trên cột mốc biên giới xã Vàng Ma Chải (huyện Phong Thổ).

Bình yên đó nhưng không bỗng dưng mà đến, đều có “giá” của nó. “Giá của bình yên” đó đánh đổi bằng những gian lao vất vả hy sinh của lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, trong đó có công sức đóng góp quan trọng của những người lính biên phòng. Với mục tiêu bảo vệ sự an toàn cho quốc gia, dân tộc, các anh mỗi người một quê, đến công tác ở vùng biên Lai Châu. Những chiến sỹ mang quân hàm xanh đã lặng lẽ cống hiến sức xuân, tuổi trẻ cho mảnh đất nơi ven trời Tây Bắc này. May mắn cho những ai được đặt chân đến những đơn vị bộ đội biên phòng (BĐBP) của tỉnh, được chạm tay vào cột mốc biên giới, được chứng kiến và trải nghiệm phần nào nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ ở mỗi đồn biên phòng. Và khi đến tận nơi, nhìn tận mắt, thấu hiểu mọi thứ, chủ quyền biên giới quốc gia càng trở nên thiêng liêng, quý giá hơn bao giờ hết.

Biên giới thiêng liêng

Biên giới quốc gia là bộ phận thiêng liêng, bất khả xâm phạm của lãnh thổ quốc gia, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế và đối ngoại. Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, ông cha ta luôn coi biên cương là “phên dậu” của Tổ quốc, mọi biến động nơi biên cương đều liên quan đến sự an nguy của đất nước. Vì vậy, từ thời xa xưa, người đứng đầu mỗi vùng đất đã tranh thủ các tù trưởng, tộc trưởng ở biên cương để đoàn kết các dân tộc chống ngoại xâm; kết hợp với đề ra chính sách “biên viễn” (coi nơi địa đầu biên cương xa xôi là huyết mạch cốt tử của triều đình) để xây dựng thành lũy, tích trữ lương thảo, vũ khí, lấy dân binh lập phên dậu, đồn trú canh giữ... Thời nào cũng có tướng tài và binh lính tinh nhuệ làm nòng cốt trấn giữ biên thùy nên đã bảo vệ toàn vẹn non sông bờ cõi, xác lập vững chắc cương vực của một quốc gia độc lập, có chủ quyền, đó là gia tài thiêng liêng, vô cùng quý giá mà ông cha ta truyền lại cho con cháu muôn đời.

Bức tranh ở vùng biên giới Thu Lũm (huyện Mường Tè).

Lực lượng BĐBP Lai Châu đến nay đã hơn 6 thập kỷ tuổi đời, luôn nhận thức rõ trách nhiệm, trung thành tuyệt đối với Đảng, tận tụy với nhân dân; vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhân dân, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Cùng với đó, tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội. Góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Năm 2004, tỉnh Lai Châu được chia thành 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Theo đó, BĐBP tỉnh Lai Châu được chia tách thành lập mới và đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2004, có nhiệm vụ quản lý đoạn biên giới Việt - Trung dài 273km (sau phân giới cắm mốc là 265,165km). Trong đó có 191,740km đường biên giới phân thủy và 73,425km đường biên giới tụ thủy. Khu vực biên giới gồm 211 bản ở 22 xã thuộc 4 huyện: Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn và Mường Tè với 10 dân tộc sinh sống. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh hiện quản lý 13 đồn biên phòng và Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động (huyện Sìn Hồ); làm nhiệm vụ canh giữ 101 cột mốc (từ mốc giới số 16 đến mốc giới số 85+70m (gồm 7 điểm mốc ba, 10 điểm mốc đôi, 53 điểm mốc đơn và 9 điểm mốc phụ). Đến nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng được 134/321km đường tuần tra dọc biên giới, trong đó 48,7km đường tuần tra đã được bê-tông hóa, còn lại là đường cấp phối, đường đất, mùa mưa xói lở, đất đá sạt sụt… Đây là một trong những khó khăn mang tính đặc thù ở biên giới mà lực lượng BĐBP Lai Châu phải đối mặt và vượt qua trong mỗi bước đường hành quân thực hiện nhiệm vụ.

Là người đã chứng kiến và góp phần đắc lực vào quá trình dựng xây, trưởng thành và phát triển của BĐBP Lai Châu, đã cống hiến trọn vẹn sức xuân, tuổi trẻ cho những vùng quê biên giới và thấu tỏ hơn ai hết nhiệm vụ người lính biên phòng, Đại tá Lê Công Thành - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tự hào khẳng định: “Từ khi tiến hành phân giới cắm mốc đến nay, tình hình biên giới trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, công tác quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu theo 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc được triển khai hiệu quả. Không chỉ vậy, lực lượng BĐBP tích cực đồng hành, hỗ trợ nhân dân trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, củng cố quốc phòng - an ninh ở khu vực biên giới, giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh ở địa bàn đóng chân, góp phần xây dựng vùng biên vững chắc toàn diện”.

Vùng biên giới ổn định, vững chãi, bình yên nhờ có những người lính biên phòng Lai Châu. Đây chính là “một trong hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của vô sản chuyên chính” như Bác Hồ kính yêu đã chỉ rõ. Nhân dân gửi trọn niềm tin và xem đây là điểm tựa tinh thần lớn nhất để cùng hợp lực canh giữ miền biên ải, làm chủ đất nước, quê hương và làm chủ chính mình.


(Còn nữa)

Cập nhật ngày 9/10/2024


Tác giả: Theo Bạch - Vương - Trang/baolaichau.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.858
Hôm qua : 4.217
Tháng 12 : 125.468
Năm 2024 : 2.435.718
Tổng số : 83.901.811