A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Công tác khuyến nông phải theo hướng tích hợp đa giá trị, gắn với thị trường

(laichau.gov.vn)

Sáng 18/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến về chiến lược phát triển khuyến nông đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 (Chiến lược Khuyến nông).

Công tác khuyến nông phải theo hướng tích hợp đa giá trị, gắn với thị trường- Ảnh 1.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến về chiến lược phát triển khuyến nông đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 - Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng nêu rõ Chiến lược Khuyến nông có đủ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, và rất cần thiết trong bối cảnh nhiệm vụ mới, tình hình mới đối với hoạt động kinh tế nông nghiệp.

Chiến lược cần xác định rõ quan điểm, vị trí của công tác khuyến nông hiện nay sẽ kế thừa gì, đổi mới gì; phạm vi triển khai, thực hiện; có mục tiêu toàn diện, bao trùm, hiệu quả đối với cả nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đặc biệt là phải đề ra một số giải pháp mang tính cốt lõi, sống còn, đột phá đối với công tác khuyến nông, gắn với nhiệm vụ, dự án cụ thể; đổi mới mô hình, phương thức hoạt động của hệ thống khuyến nông bảo đảm hiệu quả, hiệu lực.

"Khuyến nông phải làm sao để người nông dân có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, đứng vững trước rủi ro", Phó Thủ tướng nói.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, công tác khuyến nông có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ nông dân tiếp cận và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo.

Hiện nay có nhiều tổ chức, thành phần tham gia hoạt động khuyến nông (doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã, tổ chức quốc tế,...), tuy nhiên, chưa có cơ chế phối hợp giữa khuyến nông nhà nước và khuyến nông ngoài nhà nước để định hướng hoạt động và chưa có chính sách để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khuyến nông.

Công tác khuyến nông phải theo hướng tích hợp đa giá trị, gắn với thị trường- Ảnh 2.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh báo cáo tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Đình Nam

Nội dung hoạt động khuyến nông còn đơn điệu; chậm đổi mới cơ chế chính sách để theo kịp với sự phát triển của sản xuất.

Trong khi đó, nhu cầu về hoạt động khuyến nông của nông dân rất lớn để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của thị trường trong nước, thế giới; góp phần xây dựng nông thôn mới văn minh, phát triển cộng đồng và bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, định hướng công tác khuyến nông trong thời gian tới là: Hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật công nghệ; tổ chức lại sản xuất gắn với phát triển hợp tác xã; hỗ trợ xây dựng các vùng nông sản liên kết với doanh nghiệp; đẩy mạnh khuyến nông điện tử.

Lực lượng khuyến nông sẽ phát triển theo hướng tích hợp đa giá trị, gắn với thị trường để người nông dân sản xuất trên những cánh đồng nhỏ nhưng tạo ra sản lượng hàng hoá lớn. Thay vì chỉ hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, lực lượng khuyến nông sẽ phải chuyển giao tổ chức sản xuất, liên kết thành vùng nguyên liệu, thông tin thị trường, hỗ trợ người nông dân trong chuyển đổi số để lựa chọn giải pháp sản xuất đúng trên cơ sở khai thác thông tin, dữ liệu của từng thị trường.

Bên cạnh đó, lực lượng khuyến nông của các hiệp hội, doanh nghiệp sẽ tiếp tục được thúc đẩy mở rộng hơn nữa tại những khu vực thuận lợi, còn khuyến nông nhà nước tập trung hỗ trợ cho những vùng khó khăn.

Công tác khuyến nông phải theo hướng tích hợp đa giá trị, gắn với thị trường- Ảnh 3.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Khuyến nông phải làm sao để người nông dân có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, đứng vững trước rủi ro - Ảnh: VGP/Đình Nam

Mục tiêu chung của Chiến lược là đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức và hoạt động khuyến nông, tăng cường phân cấp, đảm bảo bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với từng loại hình sản xuất và địa phương; phát triển, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa khuyến nông nhà nước với khuyến nông doanh nghiệp, khuyến nông cộng đồng, theo chuỗi ngành hàng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong khuyến nông; xây dựng hệ thống khuyến nông chuyên nghiệp, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đến năm 2030, 90% số xã trên cả nước có tổ khuyến nông cộng đồng; trên 50% tài liệu kỹ thuật khuyến nông được số hóa, hình ảnh hóa, cập nhật trên cơ sở dữ liệu khuyến nông quốc gia; tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ cho khoảng 100.000 nông dân; 70% số mô hình, dự án khuyến nông được xây dựng và phát triển theo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững, đem lại lợi ích và hiệu quả kinh tế cho những người tham gia và cộng đồng.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT đề nghị làm rõ vai trò của Hội Nông dân trong công tác khuyến nông; đổi mới mô hình, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống khuyến nông nhà nước; vai trò dẫn dắt của lực lượng khuyến nông trong phát triển kinh tế nông nghiệp…

"Khuyến nông là một mắt xích trong hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp, vì vậy, thiết kế hệ thống khuyến nông cần đi vào từng vùng nguyên liệu, sản phẩm nông nghiệp cụ thể với quy chuẩn, tiêu chuẩn, hỗ trợ tài chính…", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung trao đổi.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác khuyến nông đối với người nông dân trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đa dạng, bảo đảm an ninh lương thực.

Chiến lược phải rõ ràng, mạch lạc khi xác định vị trí, chức năng, nhiệm vụ của công tác khuyến nông nhằm đóng góp nhiều nhất vào việc thực hiện các chiến lược, mục tiêu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Khuyến nông phải cùng với bà con nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống sang canh tác nông nghiệp hữu cơ, hiện đại, thông minh; kết nối các khâu, chuỗi sản xuất - thương mại; nâng cao chất lượng, năng suất, kiểm soát an toàn thực phẩm; phát triển các vùng hàng hoá, thương hiệu nông sản cung cấp cho thị trường trong nước, quốc tế với chất lượng cao nhất; xây dựng các mô hình gắn với chiến lược phát triển từng vùng, sản phẩm nông nghiệp quốc gia, du lịch nông nghiệp, nông nghiệp đô thị;…

Bên cạnh đó, Chiến lược Khuyến nông cần bổ sung thêm cơ chế, chính sách huy động các trường, viện nghiên cứu nông nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực cho công tác khuyến nông, cũng như bà con nông dân; quỹ phòng ngừa rủi ro trong sản xuất nông nghiệp;…

Cập nhật ngày 18/2/2025


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 308
Hôm qua : 5.936
Tháng 02 : 104.346
Năm 2025 : 255.030
Tổng số : 84.211.963