A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Fed giảm lãi suất lần đầu tiên sau hơn 4 năm: Tác động thế nào?

(laichau.gov.vn)

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm, bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, trong bối cảnh lạm phát đang hạ nhiệt một cách ổn định và lo ngại ngày càng tăng về sức khỏe của thị trường lao động.

Fed giảm lãi suất lần đầu tiên sau hơn 4 năm: Tác động thế nào?- Ảnh 1.
Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell phát biểu tại họp báo sau khi Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm ngày 18/9/2024. Ảnh cắt từ clip của Reuters

Kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, vào hôm 18/9, theo giờ địa phương, Fed quyết định hạ lãi suất lần đầu tiên kể từ những ngày đầu của đại dịch COVID-19.

Báo hiệu lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ đang bắt đầu

Quyết định này được Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đưa ra trong bối cảnh cả thị trường lao động và lạm phát đều đang hạ nhiệt với mức cắt giảm được cho là “mạnh tay” – 0,5% - đưa lãi suất tiêu chuẩn về dao động trong khoảng 4,75% - 5%, báo hiệu lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ đang bắt đầu.

Ngoài các lần cắt giảm khẩn cấp trong thời kỳ Covid, lần cuối cùng cơ quan này cắt giảm ở mức tương tự là vào năm 2008 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ngoài quyết định cắt giảm, thông qua biểu đồ dot plot, FOMC còn phát tín hiệu sẽ cắt giảm thêm 0,5 điểm phần trăm nữa vào cuối năm nay. Đối với năm 2025, các quan chức Fed dự kiến có thể cắt giảm tổng cộng 1% còn năm 2026 là 0,5%

Nhìn chung, biểu đồ cho thấy lãi suất tiêu chuẩn giảm khoảng 2 điểm phần trăm sau quyết định mới nhất của Fed.

Theo đó, các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng lãi suất chuẩn kết thúc năm 2025 ở mức từ 3,25% - 3,5%. Đến cuối năm 2026 lãi suất có thể thấp hơn 3% một chút.

Chứng khoán tăng, chỉ số đồng USD giảm

Phản ứng trước quyết định mạnh tay của Fed, các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ đều tăng điểm trong phiên giao dịch 18/9.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,36%, lên 41.755,91 điểm, trong khi chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,47%, lên 5.661,29 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,77% lên 17.764,34 điểm.

Ngoài ra, chỉ số đồng USD, thước đo giá trị của đồng bạc xanh so với một giỏ các đồng tiền mạnh khác, đã giảm 0,54%.

Giá vàng thế giới cũng tăng thẳng đứng, gần 30 USD, lên 2.596 USD một ounce.

Thúc đẩy nhu cầu

Lãi suất tham chiếu của Fed áp dụng cho các khoản vay qua đêm liên ngân hàng. Đây không phải mức lãi người tiêu dùng và doanh nghiệp phải trả, nhưng động thái của Fed ảnh hưởng đến lãi suất cho vay và tiết kiệm.

Khi lãi suất thấp, chi phí đi vay rẻ hơn. Doanh nghiệp có thể đầu tư vào các dự án mới hoặc tuyển thêm nhân viên khi tiền lãi giảm đi. Tương tự, người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn do gửi tiết kiệm kém hấp dẫn.

Dù vậy, các nhà kinh tế học cho rằng phải mất ít nhất là một năm, tác động từ việc điều chỉnh này mới rõ rệt trong nền kinh tế. Điều này lý giải vì sao lãi suất tại Mỹ tăng từ đầu 2022, nhưng một năm sau lạm phát mới bắt đầu hạ nhiệt.

Tác động tích cực cho thị trường vàng và dầu thô

Giá vàng đạt mức cao kỷ lục trong tuần này khi nhà đầu tư kỳ vọng kim loại quí được hưởng lợi nhờ động thái giảm lãi suất dự kiến của Fed. Lãi suất cao thường là lực cản đối với vàng vì tài sản này không tạo ra thu nhập cố định như trái phiếu, dù về mặt lịch sử điều này không phải lúc nào cũng đúng.

Nhà đầu tư cũng tăng mua vàng trong những thời điểm kinh tế bất ổn và thị trường tài chính căng thẳng.

Dầu thô và các hàng hóa khác, thường được định giá bằng đô la, dự kiến hưởng lợi khi Fed hạ lãi suất. Chi phí vay đô la thấp hơn có thể kích thích tăng trưởng kinh tế và tăng nhu cầu hàng hóa.

Cập nhật 19/9/2024


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.627
Hôm qua : 4.217
Tháng 12 : 124.237
Năm 2024 : 2.434.487
Tổng số : 83.900.580