A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản
TỔNG BÍ THƯ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM QUA CÁC THỜI KỲ

Tổng Bí thư Lê Hồng Phong - Người chiến sĩ cộng sản quốc tế kiên cường, bất khuất, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam

(laichau.gov.vn)

Đồng chí Lê Hồng Phong, người chiến sĩ cộng sản Quốc tế kiên cường, bất khuất, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng chí Lê Hồng Phong là Tổng Bí thư thứ hai của Đảng ta, suốt đời chiến đấu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Tấm gương hy sinh oanh liệt và những hoạt động, cống hiến to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong cho Đảng và cách mạng Việt Nam là nguồn sức mạnh cổ vũ những người cộng sản, các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, phấn đấu, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những hoạt động của đồng chí Lê Hồng Phong trước năm 1932

Lê Hồng Phong (lúc còn nhỏ tên là Lê Huy Doãn) sinh ra trong một gia đình nông dân, ở làng Đông Thôn, tổng Thông Lãng, phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Cha là ông Lê Huy Quán, một người có học nhưng không may mắn trong đường khoa cử. Mẹ là bà Phạm Thị Sáu, hết lòng thương yêu chồng, con.

Năm 1924, do sớm giác ngộ cách mạng, Lê Hồng Phong và nhiều thanh niên yêu nước của xứ Nghệ đã lần lượt tìm cách xuất dương sang Xiêm (Thái Lan)[1], rồi từ đó mới qua Trung Quốc. Trong những thập kỷ đầu thế kỷ XX, Nghệ An có hàng trăm thanh niên xuất dương tìm đường cứu nước. Bởi thế, Nghệ An là nơi sinh ra của lớp người cộng sản đầu tiên ở nước ta, như: Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Trương Vân Lĩnh...

Chính họ là những người đầu tiên gieo hạt giống cách mạng vô sản, truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào quần chúng đang sôi sục tinh thần yêu nước trên quê hương của mình và cả nước.

Tổng Bí thư Lê Hồng Phong - Người chiến sĩ cộng sản quốc tế kiên cường, bất khuất, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam
Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Ảnh: TTXVN

Tháng 4-1924, Lê Hồng Phong cùng Phạm Hồng Thái được kết nạp vào Tân Việt Thanh niên Đoàn (tức Tâm Tâm xã), tại nhà Nguyễn Giảng Khanh - một trong 7 thành viên của tổ chức, nhằm tập hợp những người Việt Nam yêu nước, nhất là lực lượng thanh niên, khôi phục lại đất nước, giành lại quyền làm người của người dân Việt Nam[2].

Hai tháng sau, vào ngày 19-6-1924, Phạm Hồng Thái được giao nhiệm vụ ám sát Méclanh khi viên Toàn quyền Đông Dương khét tiếng này trên đường sang Nhật ghé qua Quảng Châu dự tiệc ở Sa Diện. Lê Hồng Phong và Lê Hồng Sơn - một thanh niên yêu nước quê ở huyện Nam Đàn (Nghệ An), được giao nhiệm vụ yểm trợ cho Phạm Hồng Thái. Việc không thành, Phạm Hồng Thái nhảy xuống sông Châu Giang hy sinh.

Cuối năm 1924, nhằm tránh sự truy lùng của mật thám, Lê Hồng Phong vào học tại Trường Quân sự Hoàng Phố, khóa 2, kéo dài 16 tháng, do nhiều tướng lĩnh của Hồng quân Liên Xô và nhiều cán bộ ưu tú của Đảng Cộng sản Trung Quốc giảng dạy. Một trong những cố vấn giáo viên của Trường Quân sự Hoàng Phố là A.I.Trêrêpanốp đã xác nhận: “Đồng chí Hồ Chí Minh đã ở Quảng Châu vào những năm 1924-1925, đã thường xuyên liên hệ với các học viên Việt Nam ở Trường Quân sự Hoàng Phố”[3].

Tháng 12-1924, đồng chí Lê Hồng Phong đã được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và từ đây, dưới sự dẫn dắt, đào tạo của Người, Lê Hồng Phong trở thành cán bộ ưu tú của cách mạng, một chiến sĩ cộng sản quốc tế kiên cường.

Tháng 2-1925, Nguyễn Ái Quốc chọn Lê Hồng Phong và một số thanh niên ưu tú thành lập nhóm Cộng sản đoàn, sau đó trở thành nòng cốt để thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.

Năm 1925, Lê Hồng Phong gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và tham dự lớp huấn luyện cán bộ cách mạng do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức, trở thành một trong những cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam được trang bị lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng chí được học tập toàn diện về quân sự và chính trị tại Trường Quân sự Hoàng Phố, Trường Hàng không ở Quảng Châu (Trung Quốc), Trường Lý luận quân sự của lực lượng Không quân Xô viết…

Sau khi tốt nghiệp, Lê Hồng Phong nhận trọng trách liên lạc giữa Đảng Cộng sản Đông Dương với Quốc tế Cộng sản. Trong thời gian này, đồng chí được học tập lý luận cách mạng tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Moscow (1928 - 1931).

Tháng 11-1931, Lê Hồng Phong và Pépnherơ (Trần Đình Long) nhận nhiệm vụ trở về nước tham gia công tác của Ban Chấp ủy Trung ương Đảng, lãnh đạo việc khôi phục, phát triển tổ chức Đảng, đưa cách mạng Đông Dương vượt qua giai đoạn khó khăn, hiểm nghèo.

Khi đến Paris, đồng chí Lê Hồng Phong được biết tình hình trong Đảng đã thay đổi, Ban Chấp ủy Trung ương không còn… Lúc đó tôi (Lê Hồng Phong) và đại diện của các đồng chí ở Pháp quyết định: “Đưa một số sinh viên về nước và vào công tác trong các xí nghiệp, mới có thể bắt được liên lạc với các tổ chức đảng” [4].

Đầu năm 1932, đồng chí Lê Hồng Phong bắt mối liên lạc với các đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn, Lương Văn Tri tại Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc) và xây dựng lại hệ thống tổ chức của Đảng. Tháng 6-1932, Lê Hồng Phong bàn bạc với các đồng chí lãnh đạo của Đảng cho công bố bản Chương trình hành động của Đảng do đồng chí tham gia khởi thảo và được Quốc tế Cộng sản thông qua.

Tổng Bí thư Lê Hồng Phong - Người chiến sĩ cộng sản quốc tế kiên cường, bất khuất, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam
Thẻ dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản của Tổng bí thư Lê Hồng Phong (lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng). 

Giữa năm 1933, đồng chí Lê Hồng Phong và một số đồng chí khác chuẩn bị cho việc thành lập Ban chỉ huy ở nước ngoài. Sau thời gian hoạt động vận động thành lập Ban chỉ huy ở nước ngoài, Lê Hồng Phong đã nhận được thư của đồng chí Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Dựt, đến Quảng Châu để gặp hai đồng chí. Tại đây, ngày 1-8-1933, diễn ra cuộc họp quan trọng giữa Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Dựt [5].

Theo chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, Ban chỉ huy ở nước ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập đầu năm 1934, do đồng chí Lê Hồng Phong làm Thư ký (Bí thư) [6]. Ban chỉ huy ở nước ngoài giữ vai trò lãnh đạo và tổ chức lại cơ quan Trung ương của Đảng.

Vượt qua cuộc "khủng bố trắng" ác liệt, Đảng ta và các phong trào cách mạng, các cơ sở quần chúng vẫn tồn tại, phát triển rộng khắp. Đồng chí Lê Hồng Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, cùng các đồng chí lãnh đạo trong nước tổ chức khôi phục phong trào, tổ chức của Đảng và chuẩn bị Đại hội.

Cuối năm 1934, đồng chí Lê Hồng Phong dẫn đầu đoàn đại biểu của Đảng đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tại Moscow (Liên Xô), ngày 8-12 đoàn đến Moscow.

Từ ngày 27 đến 31-3-1935, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng ở Ma Cao (Trung Quốc), đồng chí Lê Hồng Phong được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và là Tổng thư ký (Tổng Bí thư).

Đại hội chuẩn y việc Ban chỉ huy ở nước ngoài chỉ định các đồng chí Lítvinốp (Lê Hồng Phong), Bà Vai (Nguyễn Thị Minh Khai), Cao Bằng (Hoàng Văn Nọn) là đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và cử thêm 3 đại biểu khác tham gia đoàn [7].

Từ ngày 25-7 đến ngày 21-8-1935, tại Moscow, với bí danh Hải An, số thẻ 167, Lê Hồng Phong cùng Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Lê Hồng Phong được bầu vào Đoàn Chủ tịch Đại hội [8], tại Đại hội đồng chí Lê Hồng Phong được bầu là Ủy viên chính thức Ban Chấp ủy Quốc tế Cộng sản và có nhiều hoạt động tích cực đóng góp cho thành công của Đại hội.

Ngày 4-5-1936, sau một thời gian ở Liên Xô, đồng chí Lê Hồng Phong đã gửi thư cho Ban Bí thư Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản: “Đề nghị cho phép được trở về Đông Dương. Vì sau Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản chưa có ai trong số các đại biểu của Đông Dương lên đường về nước và Đảng yêu cầu tôi trở về nước” [9].

Tháng 7-1936, đồng chí Lê Hồng Phong về đến Thượng Hải (Trung Quốc), triệu tập và chủ trì Hội nghị với các đồng chí trong Ban chỉ huy ở ngoài, bàn về công tác tổ chức của Đảng và đường lối đấu tranh trong tình hình mới sau Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Hội nghị quyết nghị bầu đồng chí Hà Huy Tập là Thư ký Ban chỉ huy ở nước ngoài của Đảng, thay đồng chí Lê Hồng Phong.

Ngày 12-10-1936, tại Nam Kỳ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng được tổ chức lại. Ngày 13 và 14-3-1937, Hội nghị cán bộ ở 3 kỳ cử Ban Chấp hành Trung ương gồm 11 ủy viên. Đồng chí Lê Hồng Phong và đồng chí Phùng Chí Kiên được Ban Chấp hành Trung ương phân công “làm cán bộ dự trữ ở lại nước ngoài”. Ban Thường vụ Trung ương gồm 5 đồng chí do đồng chí Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư [10].

Tổng Bí thư Lê Hồng Phong - Người chiến sĩ cộng sản quốc tế kiên cường, bất khuất, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam
Phần mộ đồng chí Lê Hồng Phong tại Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo. Ảnh: Vietnamplus 

Ngày 29-3-1938, trước những biến động mới của tình hình thế giới, nhất là ở Pháp và Đông Dương, Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp Hội nghị toàn thể (từ ngày 29 đến 30-3-1938) tại xã Tân Thới Nhất, gần Bà Điểm, Gia Định, với sự tham dự của các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Võ Văn Tần, Nguyễn Chí Diểu... Tại Hội nghị này, Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương được củng cố, gồm 11 đồng chí. Ban Thường vụ gồm 5 đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Võ Văn Tần, Nguyễn Chí Diểu. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư.

Đồng chí Lê Hồng Phong và các đồng chí Trung ương đã hoàn chỉnh chủ trương sách lược đấu tranh mới của Đảng trong những năm 1936-1939, chủ trương được Đảng nêu ra bắt đầu từ Hội nghị Thượng Hải tháng 7-1936, góp phần vào việc thành lập Mặt trận Dân chủ thống nhất Đông Dương đấu tranh chống phát xít, chống hoạt động phá hoại của Trotsky (Tờrốkít) và các khuynh hướng cô độc, hẹp hòi, tả khuynh ở trong Đảng.

Ngày 22-6-1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị mật thám Pháp bắt tại Sài Gòn. Ngày 30-6-1939, không tìm được bằng chứng để buộc tội đồng chí hoạt động cách mạng, thực dân Pháp đã kết án Lê Hồng Phong 6 tháng tù và 3 năm cấm cứ trú [11].

Ngày 23-12-1939, chúng đưa đồng chí về quản thúc tại quê nhà Nghệ An. Về Nghệ An, đồng chí Lê Hồng Phong lại bị tòa án thực dân Pháp ở Sài Gòn buộc tội “hoạt động lật đổ” và đòi dẫn độ về Sài Gòn.

Ngày 30-1-1940, đồng chí Lê Hồng Phong bị mật thám Pháp bắt lại tại quê nhà và bị giam tại Khám Lớn, Sài Gòn. Cuối năm 1940, chúng đày đồng chí ra Côn Đảo. Ngày 6-9-1942, tại Côn Đảo, do bị bọn cai ngục đánh đập, hành hạ dã man, đồng chí Lê Hồng Phong lâm bệnh nặng và qua đời ở tuổi 40.

Trước lúc trút hơi thở cuối cùng, đồng chí đã cố gắng nhắn nhủ lại: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.

Đánh giá về công lao, đóng góp lớn lao của đồng chí Lê Hồng Phong cho Đảng và cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ, và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”.

NGUYỄN VĂN BIỂU, Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan. 


[1] Sang Trại Cày Phi Chịt trên đất Xiêm (Đông Bắc Thái Lan) của Đặng Thúc Hứa, một cơ sở cách mạng của người Việt.

[2] Trung Chính, “Tâm Tâm là gì? Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 134, 1970, tr.7.

[3] Lê Hồng Phong người cộng sản kiên cường (hồi ký), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.468.

Nguyên bản từ: Đại học Michigan

[4] Lê Hồng Phong, Về công tác trong ba năm qua và tình hình Đảng Cộng sản Đông Dương, in trong: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 491.

[5] Viện lịch sử Đảng, Biên Niên Sự Kiện Lịch Sử Đảng Cộng Sản Việt Nam, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.178.

[6] Đảng cộng sản Việt Nam, chặng đường qua hai thế kỷ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.121.

[7] Gồm các đồng chí: Nguyễn Ái Quốc, Phạm Văn Xô và Nguyễn Chánh Nhì. Vì giao thông liên lạc khó khăn nên hai đồng chí Phạm Văn Xô và Nguyễn Chánh Nhì không đi dự được. Văn kiện Đảng toàn tập, tập 5, Sđd, tr.203, 314.

[8] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 5, Sđd, tr.314-327.

[9] Lê Hồng Phong tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.284.

[10] Đồng chí Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư của Đảng từ giữa năm 1936 đến tháng 3/1938. Viện Lịch sử Đảng, Biên niên Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 1 (1930-9/1945), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.418.

[11] Nghị định số 7910, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương cấm cư trú ở Nam Kỳ, Campuchia, các tỉnh Bình Định, Bình Thuận, Đắc Lắc, Đồng Nai Thượng, Khánh Hòa, Kon Tum, Ninh Thuận, Phú Yên.

Cập nhật ngày 25/1/2025


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.655
Hôm qua : 2.199
Tháng 01 : 133.986
Năm 2025 : 133.986
Tổng số : 84.090.919