A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu: Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè, chuối trên địa bàn tỉnh

(laichau.gov.vn)

Sáng nay (27/8), UBND tỉnh Lai Châu đã tổ chức buổi làm việc bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè, chuối trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng chủ trì cuộc họp.

Quang cảnh buổi làm việc.

Tham dự cuộc họp còn có: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giàng A Tính; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan; đại diện các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động về chè và chuối trên địa bàn tỉnh…

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng đã nhấn mạnh: Đối với tỉnh Lai Châu, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đến nay Lai Châu đang định hướng một số cây trồng chính để tập trung phát triển. Cùng với đó, tỉnh đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung. Trong đó chè được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh, hiện đang tập trung nguồn lực để hỗ trợ; chuối đang phát triển mở rộng tương đối tập trung để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Các doanh nghiệp đầu tư vào trồng chè, chuối đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động... Tuy nhiên, hiện nay do dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp cả trong và ngoài nước nên các thị trường quan trọng của Việt Nam đều đình trệ trong cả hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Do vậy, tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè chuối đang gặp khó khăn cần bàn các giải pháp để tháo gỡ.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tại buổi làm việc.

Theo báo cáo tại buổi làm việc, qua rà soát, tổng hợp số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan trên địa bàn, đến ngày 25/8/2021 trên địa bàn tỉnh còn tồn đọng một số mặt hàng như: Chè khô 3.030 tấn, chuối quả 3.000 tấn, đương quy 50 tấn, hoa hồng 450.000 bông, cá (cá chiên, cá lăng, cá nheo, cá rô phi) 141 tấn, cá hồi, cá tầm 52 tấn.

Trong đó, đối với sản phẩm chè: Đến hết tháng 8 toàn tỉnh có 8.461 ha, trong đó chè kinh doanh có 5.970ha với sản lượng chè khô chế biến dự kiến năm 2021 đạt 9.777 tấn. Ước sản lượng chè khô chế biến từ đầu năm đến hết tháng 8 đạt 6.933 tấn; số lượng tiêu thụ 4.688 tấn (bao gồm cả lượng tồn đọng năm 2020); số lượng còn tồn kho, chưa tiêu thụ (đến 25/8/2021) là 3.030 tấn.

Nguyên nhân tồn đọng, chưa tiêu thụ được sản phẩm chè là: Do dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp cả trong và ngoài nước nên các thị trường quan trọng của Việt Nam đều đình trệ trong cả hoạt động sản xuất và xuất khẩu; giá cước vận chuyển quốc tế tăng cao, thiếu vỏ container để đóng hàng. Đặc biệt từ đầu tháng 8 năm 2021, tình hình chính chính trị tại Afganistan có sự biến động đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xuất khẩu chè, khách hàng yêu cầu giảm giá, hoãn thời gian giao hàng hoặc hủy đơn hàng dẫn đến số lượng chè sau chế biến tồn kho lớn. Thị trường tiêu thụ nội địa của sản phẩm chè Lai Châu còn rất hạn chế do chất lượng sản phẩm, bao bì, mẫu mã chưa cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của các vùng chè truyền thống như: Thái Nguyên, Lâm Đồng…

Bà Nguyễn Thị Loan – Giám đốc Công ty Cổ phần Chè Lai Châu, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Chè Tam Đường phát biểu tại buổi làm việc.

Đối với sản phẩm quả chuối tươi, hiện nay toàn tỉnh có trên 4.128 ha chuối với sản lượng dự kiến năm 2021 đạt 45.000 tấn. Ước sản lượng chuối đã thu hoạch từ đầu năm đến nay là 30.000 tấn, trong đó đã tiêu thụ 27.000 tấn qua các kênh tiêu thụ: Xuất khẩu qua cửa khẩu Ma Lù Thàng của tỉnh 17.973 tấn, xuất khẩu qua thương nhân và cửa khẩu của tỉnh khác (Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn) và tiêu thụ trong nước là 9.027 tấn.  Hiện nay sản lượng chuối đến kỳ thu hoạch còn tồn đọng, chưa tiêu thụ khoảng 3.000 tấn.

Nguyên nhân tồn đọng, chưa tiêu thụ do dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp doanh nghiệp phía Trung Quốc đã tạm dừng nhập khẩu tại cửa khẩu Ma Lù Thàng đối với mặt hàng chuối từ ngày 08/7/2021 đến nay chưa hoạt động trở lại. Trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy chế biến sản phẩm từ quả chuối tươi nên đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ.

Ông Đỗ Văn Khôi - Giám đốc Doanh nghiệp Mai Hưng, huyện Phong Thổ phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, đồng chí chủ trì đã dành phần lớn thời gian để lắng nghe các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn. Các doanh nghiệp đã trân trọng cảm ơn lãnh đạo tỉnh Lai Châu quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và trình bày một số khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa, trong thâm canh vùng nguyên liệu, trong liên kết hỗ trợ giữa các doanh nghiệp…

Đã có rất nhiều ý kiến của đại diện các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã tại buổi làm việc.

Đồng thời, đại diện các doanh nghiệp cũng đã đề xuất một số giải pháp như: Đề nghị cho phép thành lập Hiệp hội chè của tỉnh Lai Châu nhằm tập hợp các doanh nghiệp, cùng định hướng sản xuất các mặt hàng xuất khẩu; đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, quy hoạch lại diện tích chè (vùng nguyên liệu) để thâm canh theo chứng nhận, tức là căn cứ vào tiêu chuẩn của thị trường các nước, xây dựng chứng nhận gắn với nhu cầu của thị trường; các doanh nghiệp sản xuất chè cần đa dạng hóa sản phẩm; tháo gỡ cho doanh nghiệp lượng hàng tồn kho; có chính sách thâm canh vùng nguyên liệu nhằm tăng năng suất, giá trị trên 1ha chè; phối hợp với nước bạn Trung Quốc để bàn bạc song phương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để xuất khẩu được các mặt hàng sang thị trường Trung Quốc và tạo điều kiện tìm đối tác doanh nghiệp nước bạn; đề xuất quỹ đất đầu tư xây dựng nhà máy chế biến chè trên địa bàn huyện Sìn Hồ; có nguồn tạm ứng vốn, cho vay vốn cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm trong thời gian ngắn hạn; đề nghị các Ngân hàng kéo dài thời hạn cơ cấu, giãn hoãn nợ, hoặc hỗ trợ lãi suất cho vay mới; quản lý tốt hơn vùng nguyên liệu, nhất là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ đối với cây chè; kết nối với các doanh nghiệp chuyên bao tiêu sản phẩm trà cổ thụ; hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chè cổ thụ…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giàng A Tính phát biểu tại buổi làm việc.

Sau khi nghe các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của đại diện các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành, UBND các huyện có doanh nghiệp chè và chuối đã phát biểu để làm rõ, giải đáp một số ý kiến, đồng thời đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời gian tới. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải phát biểu tại buổi làm việc.

Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị Sở Công thương cần thành lập nên đầu mối kết nối, rà soát các sản phẩm trên địa bàn tỉnh; Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì làm đầu mối xây dựng tiêu chuẩn chất lượng theo quy chuẩn của thị trường; nên thành lập Hiệp hội nông sản để dùng cơ chế thị trường quản lý thị trường; các doanh nghiệp cần quan tâm thị trường trong nước; sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện chặt chẽ các hợp đồng trong liên kết sản xuất, vận động người dân chia sẻ với doanh nghiệp, hợp tác xã vượt qua giai đoạn khó khăn này; tăng cường quản lý thị trường đối với thuốc bảo vệ thực vật…

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận tại buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng đánh giá rất cao các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã có mặt tại buổi làm việc với các ý kiến đề xuất rất hữu ích cho các cơ quan có thẩm quyền, từ đó tạo sự gắn kết, kéo gần khoảng cách giữa doanh nghiệp và chính quyền trong quan điểm phát triển chung. Đồng chí cũng ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực và những đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp đã luôn đồng hành với tỉnh trong những năm qua, góp phần tạo sinh kế cho hàng nghìn người lao động trong tỉnh.

Đi thẳng vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Đối với chè, đề nghị đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải sớm tổ chức buổi làm việc với một số công ty tại Hà Nội để sớm tiêu thụ các sản phẩm chè còn tồn đọng. Đối với việc tìm kiếm các thị trường tiêu thụ sản phẩm, giao Sở Công thương phải rà soát, thống kê cụ thể về số lượng doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm, đáp ứng những tiêu chuẩn nào, thị trường nào, từ đó làm cơ sở để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm và UBND tỉnh sẽ vào cuộc quyết liệt. Đối với chuối, đồng chí đề nghị Sở Công thương phối hợp chặt chẽ với huyện Phong Thổ phải tập trung hỗ trợ ngay cho các doanh nghiệp để giải quyết những khó khăn trước mắt.

Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, trong thời kỳ hội nhập phải liên kết với nhau thành một tập thể mạnh để cùng nhau phát triển. Vì vậy, phải thành lập ngay Hiệp hội chè, Hiệp hội Xuất nhập khẩu thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. “Hiện nay, các doanh nghiệp quá phụ thuộc vào trung gian xuất khẩu, vì vậy khi thành lập được Hiệp hội sẽ xuất khẩu trực tiếp được sản phẩm, qua đó giúp giảm giá thành sản phẩm”.

Cùng với đó, phải tiến hành thâm canh theo chứng nhận, hướng tới các thị trường khó tính; nhưng cũng không quên đẩy mạnh phát triển tại thị trường nội địa. Hiện các doanh nghiệp còn đang yếu về quản trị doanh nghiệp, vì vậy cần mạnh dạn thuê hoặc mời những người có khả năng về xuất nhập khẩu để nâng cao khả năng quản lý doanh nghiệp.

Đối với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Cùng với đó, đề nghị lực lượng công an, Cục Quản lý thị trường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Chia sẻ khó khăn về vốn của các doanh nghiệp, đồng chí Trần Tiến Dũng giao cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giàng A Tính làm việc với Ngân hàng Nhà nước rà soát lại, nghiên cứu phương thức đáo hạn, gia hạn nợ, thanh khoản để hỗ trợ cho các doanh nghiệp bằng các kênh khác nhau. Đồng thời cũng đề nghị các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã nghiên cứu các nghị quyết mới ban hành của tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, qua đó khai thác hiệu quả các chính sách để phát triển. Về các loại chứng nhận truy suất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ làm chặt chẽ theo hướng cầm tay chỉ việc, xuống trực tiếp công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã để hướng dẫn. Thời gian tới, lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức làm việc với các ngành, địa phương đối đẳng của tỉnh Vân Nam - Trung Quốc về tiêu thụ các sản phẩm nông sản trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi…


Tác giả: Đinh Lan
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.199
Hôm qua : 6.336
Tháng 12 : 142.446
Năm 2024 : 2.452.696
Tổng số : 83.918.789