Ưu tiên chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, những năm qua, tỉnh Lai Châu đã thực hiện tốt các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) không ngừng được cải thiện và nâng cao, diện mạo kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc, quốc phòng - an ninh vùng đồng bào DTTS đảm bảo. Giai đoạn 2019 - 2024 là giai đoạn chuyển tiếp, song song cùng thực hiện nhiều chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, trong đó trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Song, kết quả các chương trình, dự án đều thực hiện đạt và vượt mục tiêu của giai đoạn đã đề ra.
Các chương trình, dự án được triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng góp phần quan trọng làm thay đổi đời sống của đồng bào các DTTS tỉnh Lai Châu. Đến cuối năm 2023 toàn tỉnh còn 25.426 hộ nghèo, chiếm 23,88% (trong đó hộ nghèo DTTS là 25.194 hộ/89.467 hộ DTTS, chiếm 28,2%). Hiện nay, tỷ lệ xã có đường ôtô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê-tông đạt 100%, tỷ lệ bản có đường ôtô đến trung tâm được cứng hóa đạt 91%; tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố đạt 100%, tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 99%, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học đến trường đạt 99,9%; tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 94,7%; tỷ lệ số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98,3%; tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 91,5%; tỷ lệ đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh đạt 95,3%; tỷ lệ trường học được xây dựng kiên cố đạt 94,4%...
Những kết quả trên minh chứng cho sự phát triển ở vùng DTTS của tỉnh, là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự vào cuộc thực hiện công tác tuyên truyền, vận động tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đồng thời, khẳng định sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, khuyến khích đồng bào các DTTS phát huy nội lực, tinh thần vượt khó vươn lên để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân tộc vẫn còn một số hạn chế như: việc thực hiện một số chính sách chưa giải quyết được nhu cầu nguyện vọng của đồng bào các DTTS, nhất là các chính sách tác động trực tiếp đến người dân như: hỗ trợ nhà ở, đất ở, phát triển sản xuất, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS; lĩnh vực giáo dục, y tế chất lượng cao và chuyển đổi số ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn chưa được phát triển đồng bộ…
Nhằm khắc phục mọi khó khăn, phát huy những thành tựu đạt được, thời gian tới, tỉnh Lai Châu tiếp tục thực hiện các chính sách dân tộc để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; thu hẹp khoảng cách về mức sống với các vùng phát triển. Giai đoạn 2024-2029, Lai Châu phấn đấu: thu nhập bình quân người DTTS đạt trên 34 triệu đồng/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2-3%; 70% số xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới; trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào DTTS có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân… Phấn đấu các địa phương cơ bản xóa bỏ hết các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, các hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện tốt các nội dung xây dựng nếp sống văn minh và nông thôn mới.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, tỉnh Lai Châu tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản của trung ương nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, nhiệm vụ của công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong tình hình mới. Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, xác định rõ các lĩnh vực, các việc trọng tâm trọng điểm để tập trung thực hiện. Thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo nguồn cán bộ gắn với nhu cầu sử dụng của địa phương, đặc biệt chú trọng đào tạo cán bộ là người DTTS.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục tập trung các nguồn lực, sử dụng tối đa nguồn vốn để thực hiện phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông vùng đồng bào DTTS và miền núi theo hướng bền vững, liên kết vùng. Cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường. Ưu tiên đầu tư xây dựng công trình thủy lợi quan trọng, nhất là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông - lâm nghiệp, đồng thời giải quyết nguồn nước cho sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ du lịch. Tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ, phục vụ và việc cung ứng các sản phẩm viễn thông; phấn đấu phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đạt mức bình quân chung của cả nước. Mở rộng, cải tạo, nâng cấp hệ thống điện tới các vùng nông thôn, đảm bảo cung ứng nguồn điện ổn định, an toàn cho sản xuất, sinh hoạt. Tiếp tục thực hiện quy hoạch sắp xếp, ổn định dân cư gắn với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Mở rộng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng đồng bào DTTS. Phát triển các vùng chuyên canh cây trồng có năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, tỉnh chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, quan tâm xây dựng, phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ người DTTS, người uy tín, góp phần xây dựng khối đoàn kết các dân tộc ngày càng bền chặt.
Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh
Cập nhật ngày 14/11/2024