A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Khai thác tiềm năng nuôi cá nước lạnh

(laichau.gov.vn)

Với hàng chục nhánh suối lớn, nhỏ từ diện tích rừng già của các dãy núi cao Hoàng Liên Sơn chảy về đã ban tặng cho huyện Tam Đường một lượng lớn nước lạnh. Đây là nguồn tài nguyên quý đang được người dân khai thác để nuôi cá tầm, cá hồi, góp phần nâng cao thu nhập gia đình.

Cán bộ huyện Tam Đường thăm trại nuôi cá tầm của Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp và Dịch vụ du lịch Ngũ Chỉ Sơn (bản Chu Va 12, xã Sơn Bình).
Cán bộ huyện Tam Đường thăm trại nuôi cá tầm của Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp và Dịch vụ du lịch Ngũ Chỉ Sơn (bản Chu Va 12, xã Sơn Bình).

Chúng tôi tới thăm một số trại nuôi cá nước lạnh xã Sơn Bình (huyện Tam Đường). Đến xã Sơn Bình, chúng tôi thấy các bản: Nậm Giê, Chu Va 6, Chu Va 8, Chu Va 12 nằm dưới dãy núi Hoàng Liên Sơn được thiên nhiên ban tặng cho dòng suối Nậm Giê và Nâm Thi chảy qua với lưu lượng nước ổn định. Đây là nguồn nước lạnh quanh năm, thích nghi với điều kiện nuôi thả cá nước lạnh. Toàn xã có 18 tập thể, cá nhân tận dụng nguồn nước xây dựng 202 bể nuôi cá tầm, cá hồi. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, cá nước lạnh của xã nhanh lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tư thương đặt mua cá nước lạnh tại xã với giá ổn định từ 200 - 250 nghìn đồng/kg.

Điểm đầu tiên chúng tôi tới thăm là Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nông nghiệp và Dịch vụ du lịch Ngũ Chỉ Sơn (bản Chu Va 12) đầu tư xây dựng quy mô trại nuôi cá nước lạnh lớn (99 bể nuôi cá rộng 6.000m2 mặt nước). Nhớ lại mùa mưa lũ năm 2018, HTX bị lũ “xóa sổ” hơn 40 bể nuôi cá nước lạnh, gây thiệt hại lớn về tài sản. 2 năm gần đây, thành viên HTX “gồng mình” cải tạo lại bể, nhân giống, duy trì hoạt động nuôi thả cá. Mỗi lứa, HTX nuôi hơn 10 vạn cá hồi, cá tầm. Giờ đây, lúc nào HTX cũng có cá nước lạnh thương phẩm sẵn sàng xuất bán. Mỗi tháng, HTX bán ra thị trường 15 tấn cá tầm và 1,5 tấn cá hồi, trị giá 300 triệu đồng. Hiện nay, HTX có 13 thành viên, thu nhập từ 6 - 15 triệu đồng/người/tháng. Tiếp chuyện chúng tôi, anh Hoàng Văn Dương - Phó Giám đốc HTX Sản xuất nông nghiệp và Dịch vụ du lịch Ngũ Chỉ Sơn cho biết: “Năm 2008, HTX lựa chọn khu vực bản Chu Va 12 xây dựng trại nuôi cá tầm, cá hồi bên dòng Nậm Giê. Hàng ngày, thành viên HTX kiểm tra nhiệt độ nguồn nước. Khi thời tiết thay đổi, “nước nóng lên”, HTX xả nhiều nước, sử dụng điện bơm thêm ôxi tạo độ mát lạnh cho cá không bị ngạt. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, tỷ lệ cá sống đạt 95%. Mỗi năm, HTX thu lãi trên 1 tỷ đồng”.

Thăm trại cá nước lạnh của HTX Sản xuất nông nghiệp và Dịch vụ du lịch Ngũ Chỉ Sơn, chúng tôi được “mãn nhãn” những con cá tầm bố, mẹ nặng từ 10 - 30kg. HTX nhập thức ăn cho cá nước lạnh đúng chủng loại từ các nước: Phần Lan, Na Uy, Pháp, Úc và cho cá ăn đủ 3 bữa (sáng, trưa, chiều). Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, cá lớn nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử, anh Giàng A Cua (ở bản Chu Va 8) nhiều năm gắn bó với HTX Sản xuất nông nghiệp và Dịch vụ du lịch Ngũ Chỉ Sơn. Mỗi tháng, anh thu nhập 6 triệu đồng từ việc tham gia nuôi cá nước lạnh tại HTX. Giờ đây, anh rút ra kinh nghiệm không thả quá nhiều cá trong một bể. Kịp thời phát hiện khi cá thiếu sức sống như: bơi lờ đờ, không linh hoạt, nổi đầu lên mặt nước, lười ăn. Từ đó, tìm ra nguyên nhân để chăm sóc cá mau khỏe, chóng lớn.

Cạnh HTX Sản xuất nông nghiệp và Dịch vụ du lịch Ngũ Chỉ Sơn còn có các hộ: Dương Văn Bình, Nguyễn Văn Cường, Trần Văn Yên, Đỗ Chí Đoàn (ở bản Chu Va 12) cũng nuôi cá tầm, cá hồi. Các hộ nuôi cá nước lạnh nơi đây cung cấp sản phẩm cá tầm, cá hồi cho thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) và Hà Nội. Mỗi hộ nuôi cá nước lạnh trên địa bàn huyện thu lãi từ 300 - 1 tỷ đồng/năm.

Hay như, xã Hồ Thầu có gia đình anh Phàn A Páo và Chảo A San (ở bản Rừng Ổi Khèo Thầu) xây dựng 13 bể nuôi cá nước lạnh. Điều quan trọng nhất là bà con nơi đây có nguồn nước sạch dồi dào, chất lượng nước đảm bảo với nhiệt độ từ 5 - 20 độ C để nuôi cá nước lạnh. Bà con từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thiết kế bể theo mô hình bậc thang nhằm tạo ra nguồn nước “động” cho cá sinh trưởng tốt. Nhận thức người dân đổi thay khi mua thức ăn cho cá nước lạnh đúng chủng loại. Nhờ đó, bà con phát huy lợi thế nguồn nước lạnh nuôi cá tầm, cá hồi mang lại nguồn thu lớn cho gia đình.

Anh Nguyễn Hồng Quân - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tam Đường cho biết: “Hiện nay, huyện Tam Đường có 25,640m2 với 215 bể nuôi cá tầm, cá hồi. Nhờ nuôi cá đúng kỹ thuật, mỗi năm, huyện xuất bán ra thị trường hơn 300 tấn cá thịt nước lạnh. Mỗi tập thể, cá nhân tự đầu tư vốn, giống, thức ăn nuôi cá nước lạnh theo hướng hàng hóa. Đây là nguồn thu ổn định nhằm nâng cao thu nhập cho bà con”.

Với giá trị kinh tế cao từ nuôi cá tầm, cá hồi, thời gian tới, Phòng NN&PTNT huyện Tam Đường tiếp tục tham mưu cho UBND huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân khai thác tiềm năng, nuôi cá nước lạnh. Từ đó giúp bà con nâng cao thu nhập từ nuôi cá tầm, cá hồi, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội khởi sắc.

Cập nhật ngày 02/11/2020


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 902
Hôm qua : 6.019
Tháng 04 : 127.256
Năm 2024 : 798.846
Tổng số : 82.264.939