A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện của người La Hủ trồng Sâm Lai Châu trên đất Mường Tè

(laichau.gov.vn)

Từ bỏ lối sống du canh du cư để ổn định cuộc sống, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đồng bào La Hủ ở Mường Tè (một trong 4 dân tộc ít người đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu) vẫn bám rừng, giữ rừng và được rừng đền đáp. Nhiều người dân đã có cuộc sống ổn định nhờ trồng, nhân giống, phát triển những vườn Sâm Lai Châu của vùng núi Pu Si Lung.

Những cô gái La Hủ (huyện Mường Tè) chăm sóc vườn Sâm Lai Châu.

Những vườn Sâm Lai Châu tiền tỷ - Quà tặng từ núi rừng

Trên chiếc xe gầm cao 7 chỗ, chúng tôi ngược núi lên Đồn Biên phòng Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè. Đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn xã Pa Vệ Sủ, quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 31,556 km, với 7 mốc quốc giới (từ mốc 42 đến mốc 48), quản lý 1 xã biên giới (Pa Vệ Sủ), gồm 12 bản, trong đó 5 bản giáp biên, với 2 dân tộc chủ yếu sinh sống đó là dân tộc La Hủ và Mảng. Nhiều năm qua, với sự phối hợp tích cực của cán bộ, chiến sỹ trong Đồn với chính quyền địa phương, Nhân dân khu vực biên giới chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có niềm tin với cấp ủy, chính quyền địa phương và gắn bó với lực lượng Bộ đội Biên phòng trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới; tình hình chính trị, quốc phòng, an ninh trên địa bàn được giữ vững. Hệ thống chính trị cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Chất lượng hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương đạt khá; quốc phòng, an ninh luôn được giữ vững.

Đưa chúng tôi ngược lên Sín Chải B, nơi có đông đồng bào dân tộc La Hủ đang trồng những vườn Sâm Lai Châu tiền tỷ, Trung tá Trần Đình Thọ kể: “Khi nói đến đồng bào La Hủ nhiều người nghĩ ngay đến sự nghèo khó, vất vả và lối sống du canh, du cư. Đúng là cho đến giờ, cuộc sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng so với trước đây đã có sự đổi khác nhiều lắm. Bà con đã không còn du canh, du cư nữa nhưng vẫn cách sống bám rừng, bảo vệ rừng, tìm nguồn lợi từ rừng mà nhờ đó, cuộc sống của bà con đang dần khởi sắc”.

Đường lên Sín Chải B ngược lên núi Pu Si Lung cao trên 3.000m so với mực nước biển, một bên là núi cao, một bên là vực sâu như thử thách sự bền bỉ, vững vàng của con người. Dọc đường lên bản, lác đác những khu vườn được quây bởi lưới đen, linon che phủ mà theo Trung tá Trần Đình Thọ thì “Đó là những vườn Sâm Lai Châu đang được bà con nhân giống, mở rộng diện tích”.

Sâm Lai Châu vốn là một loại Sâm có nhiều hoạt chất quý đã được kiểm chứng và được tỉnh Lai Châu xây dựng đề án để trồng và nhân rộng diện tích, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết đầu tư, vận động Nhân dân tham gia trồng để bảo tồn nguồn gen quý. Trên cơ sở chủ trương của tỉnh, chính quyền địa phương, các lực lượng đã tích cực phối hợp, vận động Nhân dân tham gia. Đồn Biên phòng Pa Vệ Sử cũng tích cực đi đầu cùng chính quyền địa phương tổ chức bám bản, bám dân. “Đơn vị đã cử cán bộ, chiến sĩ đến từng hộ gia đình nắm tình hình, tuyên truyền vận động, đặc biệt là đối với các hộ tích cực, chăm chỉ làm ăn, triển khai các mô hình phát triển kinh tế như chăn nuôi dê, trồng Sâm Lai Châu để làm gương cho các hộ trong bản, trong xã… cùng với việc vận động Nhân dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc”. Trung tá Trần Đình Thọ cho biết.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh khảo sát vùng Sâm Lai Châu tại huyện Mường Tè.

Nhà của anh Pờ Và Hừ - Trưởng bản Sín Chải B sạch sẽ nằm ngay trên trục đường chính. Ngôi nhà khá rộng được thưng từ gỗ, chia thành các gian, tách rời nhà với bếp, khu chăn nuôi bò cách xa nhà. Trong nhà anh Hừ còn khá nhiều thóc dự trữ mà theo lời anh thì “Đủ ăn đến mùa tới, không lo thiếu đói, không phải nhận hỗ trợ gạo của Nhà nước nữa”. Dẫn chúng tôi ra vườn Sâm Lai Châu ngay phía bên kia đường, Trưởng bản Pờ Và Hừ bảo: “Ngày trước mình hay theo bố lên rừng kiếm củ Sâm Lai Châu về bán nhưng mình không biết củ Sâm Lai Châu có giá trị lớn nên cứ mang bán, đổi lấy gạo, thóc thôi. Khai thác mãi cũng cạn kiệt dần, bố mình tìm cách trồng ở trên rừng, ở luôn đó để trông coi. Mấy năm trở lại đây, biết được chủ trương của tỉnh, của huyện về trồng và phát triển cây Sâm Lai Châu, bản mình được nhiều cán bộ đến vận động bà con tham gia trồng Sâm Lai Châu, giữ nguồn giống quý nên mình cũng đi tìm hiểu, rồi nhân giống, trồng thành các khu để dễ chăm và quản lý. Trồng Sâm Lai Châu thì mình vẫn dựa chủ yếu vào kinh nghiệm đi rừng, tự tìm hiểu cây Sâm Lai Châu tự nhiên từ rừng rồi rút kinh nghiệm trong quá trình trồng và chăm sóc. Mình cũng được bố hỗ trợ nên giờ mình cũng có một vườn Sâm Lai Châu thuần và chuẩn giống với diện tích hơn 2.000m2. Cũng có một số củ Sâm Lai Châu to, mình khai thác từ rừng về, nhiều khách hỏi mua nhưng mình không bán, mình muốn để nhân giống lên rồi chia sẻ giống với bà con trong bản ”.

Vốn là trưởng bản, lại còn trẻ nên anh Pờ Và Hừ luôn mạnh dạn thử những cách làm mới để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. “Mình là trưởng bản, mình không làm trước thì nói bà con không nghe đâu. Trồng Sâm Lai Châu cũng thế, dù bà con biết là Sâm Lai Châu rất quý nhưng trước đây đều là khai thác tự nhiên mang đi bán. Giá trị của Sâm Lai Châu là rất lớn nên giữ củ lại trồng lấy giống cũng rất may rủi, nếu như không biết trồng, chăm đúng kỹ thuật thì hỏng cả củ Sâm Lai Châu, mất từ chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Chính vì thế, nên mình phải tìm hiểu, rồi rút kinh nghiệm, sau đó chia sẻ kỹ thuật với bà con trong bản. Đến nay, trong bản mình đã có trên 44 hộ tham gia trồng Sâm Lai Châu. Vườn nhỏ cũng trị giá cả tỷ đồng rồi”.

Ngoài trồng Sâm Lai Châu theo vườn, nhiều hộ dân cũng trồng Sâm Lai Châu dưới tán rừng để vừa chăm sóc, vừa tham gia bảo vệ rừng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Trưởng bản Pờ Và Hừ chia sẻ: "Giờ bà con đã không đốt rừng làm nương nữa mà có ý thức tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ biên giới. Mỗi năm, trung bình một hộ dân trong bản được nhận từ 20 - 25 triệu đồng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Được hưởng lợi ích từ rừng đem lại nên người dân thêm yêu rừng, bảo vệ rừng và gắn bó với rừng hơn. Bà con cũng tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc cùng với Bộ đội Biên phòng bởi giữ đất, giữ rừng chính là bảo vệ tài sản cho con cháu mình sau này".

Nhiều doanh nghiệp cũng thực hiện liên kết với người dân để trồng Sâm Lai Châu trên vùng đất Mường Tè.

Toàn xã Pa Vệ Sủ theo ước tính đã có khoảng trên 15ha Sâm Lai Châu của người dân và các doanh nghiệp tham gia liên kết trồng với gần 100 vườn, khu, dự án trồng Sâm Lai Châu. Và với chính sách mở của địa phương khuyến khích phát triển cây Sâm Lai Châu thì diện tích này sẽ tiếp tục được mở rộng trong những năm tiếp theo. Theo đồng chí Lò Phù Mé - Chủ tịch UBND xã Pa Vệ Sủ, “Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nên người dân trong xã rất đồng thuận tham gia trồng Sâm Lai Châu. Có những hộ nhận biết được giá trị của cây Sâm Lai Châu nên đã tự trồng từ những năm 2018 cho đến nay. Không chỉ thoát nghèo từ cây Sâm Lai Châu mà nhiều năm nay, nhờ chính sách hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc, nhất là các dân tộc vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư vào các công trình công cộng, giao thông, thủy lợi… đã giúp người dân trong xã bớt khó khăn hơn trước. Chúng tôi đang đặt ra mục tiêu mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 8,92%/năm để phấn đấu thực hiện”.

Không còn di dịch cư theo mùa lá vàng đã từng gắn với tên gọi, đồng bào La Hủ ở Pa Vệ Sủ vẫn bám rừng, gắn bản, cùng nhau làm kinh tế, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cuộc sống của bà con đã có nhiều khởi sắc, điều đó cũng chính là nhờ chính sách hợp với lòng dân của chính quyền địa phương.

Còn tiếp kỳ 2: Những chính sách hợp với lòng dân.


Tác giả: Nguyễn Chanh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.726
Hôm qua : 4.025
Tháng 12 : 127.361
Năm 2024 : 2.437.611
Tổng số : 83.903.704