• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn: Nhiều vấn đề nóng được cử tri quan tâm

(laichau.gov.vn)
Sáng ngày làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XIII, các đại biểu đã chất vấn và trả lời chất vấn trên hội trường, nhiều vấn đề nóng mà cử tri quan tâm đã được đưa ra như: Vấn đề hoạt động chưa hiệu quả của Trung tâm Giống nông nghiệp, chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân; vấn đề một số tập đoàn, tổng công ty khi được cấp phép đầu tư thủy điện chưa thực hiện mà để “ngâm dự án”; Hoạt động thương mại ở Lai Châu chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh; giá trị xuất nhập khẩu nhiều năm không đạt kế hoạch...

Đại biểu Sùng Lử Páo chất vấn: Trung tâm giống nông nghiệp trực thuộc Sở NN&PTNT đóng trên địa bàn huyện Tam Đường được đầu tư lớn từ ngân sách Nhà nước và đi vào hoạt động từ nhiều năm, nhưng hoạt động của Trung tâm không hiệu quả, các loại giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn phải nhập từ bên ngoài tỉnh và ảnh hưởng đến chất lượng, thời vụ của người dân.

 

Những tồn tại hạn chế của Trung tâm giống, trách nhiệm đó thuộc về ai? Hiệu quả của Trung tâm giống như thế nào? Với cương vị là Giám đốc Sở, đồng chí chỉ đạo và có giải pháp gì để khắc phục trong thời gian tới?

Ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời chất vấn

Về vấn đề này, ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời:Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Lai Châu là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở NN&PTNT, được thành lập theo Quyết định số 1620/QĐ-UBND ngày 2/12/2010 của UBND tỉnh Lai châu, những chính thức đi vào hoạt động vào tháng 9/ 2011. Sau khi có quyết định của UBND tỉnh giải thể trung tâm chăn nuôi, điều chỉnh một phần chức năng nhiệm vụ và cơ sở vật chất của Chi cục Thủy sản sang.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, đơn vị đang trong quá trình kiện toàn tổ chức bộ máy và tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm phục vụ cho sản xuất giống cung ứng cho nhân dân trên địa bàn. Đồng thời khắc phục những khó khăn về diện tích đất sản xuất giống ít, khó mở rộng; cán bộ kỹ thuật của trung tâm còn thiếu (hiện tại Trung tâm Giống có 12 biên chế), đa số là mới tuyển dụng, chưa có kinh nghiệm về sản xuất giống; cơ sở vật chất của Trung tâm Giống còn chưa hoàn thiện, thiếu hệ thống nhà xưởng, máy sấy, phân loại… phục vụ sản xuất giống.

Mặt khác, việc sản xuất giống phải tuân thủ lộ trình chặt chẽ theo quy định của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn như: Đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, về diện tích sản xuất, nguồn nhân lực có kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất… nên thời điểm hiện tại việc sản xuất giống tại tỉnh mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của nhân dân. Bên cạnh đó, hàng năm Trung tâm Giống chỉ được cấp nguồn chi thường xuyên, nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, cung ứng giống không huy động được. Như vậy với những lý do như trên, đến thời điểm hiện nay chưa đủ cơ sở để đánh giá về hiệu quả hoạt động của Trung tâm Giống trong 2 năm vừa qua.

Mặc dù vậy, trong thời gian vừa qua, song song với việc tập trung chỉ đạo xây dựng cơ sở vật chất, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo trung tâm khắc phục khó khăn tổ chức triển khai một số hoạt động sau:

Năm 2012: Tiến hành khảo nghiệm sản xuất được 10 giống lúa mới và đã lựa chọn được các giống PC6, DT34, GL01 chất lượng cao; phối hợp với Trung tâm Giống nông nghiệp Lào Cai thực hiện sản xuất 13 ha giống lúa Séng Cù tại xã Bình Lư (năng suất trung bình đạt 35 tạ/ha), phối hợp với Công ty cổ phần đầu tư thương mại Đại Dương sản xuất thử nghiệm hạt giống lúa lai F1 Thục Hưng 6 tại xã Bình Lư với diện tích 3ha, năng suất 1,8 tấn/ha.

Tổ chức khảo nghiệm sản xuất 3 giống ngô lai LVN 25, SB099 và giống LCH9; phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống ngô Sông Bôi – Viện nghiên cứu ngô, sản xuất thử nghiệm hạt giống ngô lai F1LVN25 và giống ngô lai F1 SB099.

Tổ chức sản xuất giống thủy sản, đã sản xuất và cung ứng ra thị trường 60 vạn con cá giống các loại (đáp ứng khoảng 10%) nhu cầu sản xuất thủy sản cho bà con nhân dân trong toàn tỉnh.

Năm 2013: Tiến hành khảo nghiệm sản xuất và đề nghị đưa vào cơ cấu 2 giống lúa chất lượng cao (giống Nam Định 5 và HC4) và 1 giống lúa có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu (giống lúa hoa khôi 4) vào sản xuất trên địa bàn tỉnh. Tiến hành khảo sát, phục tráng giống lúa đặc sản địa phương: Séng Cù, Tẻ Râu làm nguồn giống phục vụ sản xuất. Sản xuất và đóng gói gần 10 tấn giống lúa thuần chất lượng phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh. Tổ chức khảo nghiệm và đề nghị đưa vào cơ cấu 2 giống ngô lai có năng suất cao và khả năng chịu hạn vào sản xuất trên địa bàn tỉnh (giống ngô lai Vn8960 và LVN99). Sản xuất giống thủy sản và cung ứng ra thị trường 62 vạn con cá giống các loại, đáp ứng khoảng 10% nhu cầu sản xuất thủy sản của nhân dân trong tỉnh.

Về đội ngũ cán bộ phục vụ công tác sản xuất giống: Đã cử đi học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật sản xuất hạt giống, 1 cán bộ tại Trung tâm Giống Lào Cai, 1 cán bộ kỹ thuật lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng hạt giống tại trung tâm kiểm định giống quốc gia và tập huấn sản xuất giống tại Trung Quốc.

Tuy số lượng giống sản xuất ra chưa nhiều song đội ngũ cán bộ của Trung tâm đã bước đầu tiếp cận và làm chủ được quy trình kỹ thuật sản xuất lúa lại, ngô lai, lúa xác nhận và một số giống thủy sản. Đây là tiền đề quan trọng, khẳng định cho việc tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất giống, đáp ứng một phần nhu cầu giống nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Những chỉ đạo và một số giải pháp khắc phục chủ yếu của Sở trong thời gian tới:

1.Yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình trung tâm giống.

2. Đề nghị tỉnh đầu tư trang thiết bị cần thiết cho sản xuất giống như: Hệ thống nhà xưởng, máy phân loại, máy sấy giống cho trung tâm giống.

3. Đề nghị bổ sung chức năng kinh doanh, cung ứng giống cho Trung tâm Giống nông nghiệp.

4. Điều động, tuyển dụng cán bộ có kinh nghiệm, có chuyên môn phù hợp cho Trung tâm Giống. Tiếp tục cử cán bộ đi đào tạo, tập huấn chuyên sâu về quy trình, kỹ thuật sản xuất giống tại các trung tâm giống có uy tín trong và ngoài nước.

5. Chỉ đạo Trung tâm Giống nông nghiệp xây dựng đề án sản xuất, cung ứng giống chủ yếu là giống lúa thuần, giống thủy sản, trong đó đề nghị, xem xét cho vay vốn từ nguồn ngân sách nhà nước tỉnh.

6. Đề nghị UBND tỉnh xem xét phương án xây dựng đề án nhập Trung tâm Giống nông nghiệp với Công ty cổ phần Giống vật tư Lai Châu để đảm bảo tốt hơn trong quá trình sản xuất và cung ứng giống được khép kín và đồng bộ.

Đại biểu Đao Thị Thủy

Đại biểu Đao Thị Thủy chất vấn: Hiện nay có tình trạng một số tập đoàn, tổng công ty xin cấp phép đầu tư về thủy điện. Nhưng sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư các tập đoàn, tổng công ty này không triển khai thực hiện theo quy định mà để ngâm dự án.

 

- Ở Mường Tè có giấy chứng nhận đầu tư 4 bậc thủy điện Nậm Sì Lường cho Công ty Sông Đà 7 đã cấp lại lần 2 đến nay đều đã hết hạn. Đầu năm 2013, Công ty có báo cáo với huyện sẽ động thổ khởi công công trình nhưng đến nay vẫn không làm gì.

- Thủy điện Nậm Cấu 1, 2 Tổng Công ty Si Măng miền Bắc đã mở xong đường công vụ nhưng đã ngừng triển khai hơn 1 năm nay không rõ nguyên nhân.

- Cấp ủy chính quyền và nhân dân địa phương rất băn khoăn thắc mắc các dự án này sẽ còn tiếp tục thực hiện hay là bỏ.

Đề nghị UBND tỉnh làm rõ nguyên nhân và hướng xử lý như thế nào?

Ông Đặng Trần Thắng, 
Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư trả lời chất vấn

Nội dung đại biểu chất vấn, ông Đặng Trần Thắng, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư thừa ủy quyền của UBND tỉnh trả lời: Việc cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã đảm bảo theo đúng quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ công thương) và UBND tỉnh phê duyệt. Qua rà soát của Bộ Công thương về quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ toàn quốc năm 2013 tỉnh Lai Châu chưa có dự án nào loại ra khỏi quy hoạch, đồng thời Bộ Công thương đã bổ sung quy hoạch thủy điện Pắc Ma vào quy hoạch bậc thang thủy điện Sông Đà tại Quyết định số 8638/QĐ-BCT ngày 19/11/2013. Tuy nhiên hầu hết các dự án thủy điện trên địa bàn huyện Mường Tè chậm tiến độ theo giấy chứng nhận đầu tư, hiện mới thực hiện xong các bước khảo sát, thiết kế chưa tiến hành khởi công xây dựng là do nguyên nhân cụ thể như sau:

* Nguyên nhân khách quan: Theo quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Lai Châu giai đoạn 2006 – 2010 có xét đến năm 2015 và Quyết định của Bộ Công thương về việc phê duyệt phương án quy hoạch đấu nối các dự án thủy điện vừa và nhỏ miền Bắc vào hệ thống điện Quốc gia 2009 – 2010 có xét đến 2015 (Tại quyết định 0643/QĐ-BCT ngày 9/12/2009 của Bộ Công thương) thì đến năm 2010 sẽ hoàn thiện xong đường dây lưới điện 110KV để phục vụ việc truyền tải và đấu nối các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh lên lưới điện Quốc gia. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, lưới điện 110KV vẫn chưa được xây dựng trên địa bàn huyện Mường Tè.

* Nguyên nhân chủ quan: Việc huy động vốn thực hiện các dự án gặp nhiều khó khăn trong khi các dự án thủy điện vốn đầu tư là rất lớn.

Do đó, phần lớn các dự án thủy điện trên địa bàn các huyện triển khai xây dựng cầm chừng hoặc tạm ngừng thi công hoặc chưa triển khai xây dựng vì chưa có lưới điện để truyền tải hoặc thiếu vốn thực hiện dự án. Các nhà đầu tư cam kết tiếp tục triển khai thực hiện dự án khi có đường dây chuyển tải điện.

Hàng năm UBND tỉnh chỉ đạo Sở kế hoạch và đầu tư phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh thường xuyên kiểm tra, rà soát tình hình thực hiện dự án sau cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 15/50 dự án do vi phạm các quy định của luật đầu tư và luật doanh nghiệp. Hiện nay, UBND tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, rà soát và tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án vi phạm quy định của chất lượng.

- Đối với 4 dự án bậc thủy điện Nậm Sì Lường:

UBND tỉnh Lai Châu không cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Sông Đà 7.

Dự án đầu tư công trình thủy điện Nậm Sì Lường 1,2,3,4 đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 22/6/2007 cho công ty cổ phần đầu tư xây dựng. Tuy nhiên các dự án này đã vi phạm các quy định của luật đầu tư, do đó UBND tỉnh đã thu hồi 4 giấy chứng nhận đầu tư tại Quyết định 183/QĐ-UBND ngày 24/2/2009.

Sau đó 2 dự án đầu tư thủy điện Nậm Sì Lường 3, 4 đã được cấp lại giấy chứng nhận đầu tư mới số 23121000161 và số 2312100162 ngày 31/8/2009cho công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng thủy điện; thời gian khởi công tháng 10/2009 – hoàn thành phát điện vào tháng 10/2011. Ngày 30/9/2010 điều chỉnh lại tiến độ thực hiện 2 dự án là khởi công tháng 8/2010 – hoàn thành tháng 8/2013.

Hiện nay 2 dự án xong mới thực hiện xong công tác đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng một số lán tạm cho công nhân ở sau đó dừng triển khai không tiếp tục thực hiện. Các sở ngành chức năng đã phối hợp với UBND huyện Mường Tè kiểm tra, đôn đốc yêu cầu nhà đầu tư báo cáo tình hình thực hiện và kế hoạch triển khai dự án tiếp theo nhưng không có phản hồi của nhà đầu tư, hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành tiếp tục đôn đốc nhà đầu tư khẩn trương thực hiện dự án theo quy định. Trường hợp nhà đầu tư cố tình trì hoãn, không thực hiện dự án theo tiến độ tại giấy chứng nhận đầu tư đã cấp hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.

- Đối với dự án thủy điện Nậm Cấu 1, 2: Đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho công ty cổ phần kinh doanh xi măng miền Bắc làm chủ đầu tư (không phải là Tổng công ty xi măng miền Bắc như nội dung chất vấn của đại biểu); dự án Nậm Cấu 1 tại giấy chứng nhận số 23121000151 (khởi công quý 4/2009, dự kiến hoàn thành quý 4/2011) và dự án Nậm Cấu 2 tại giấy chứng nhận số 23121000152 ngày 16/7/2009 (khởi công năm 2010 - hoàn thành năm 2012). Hiện tại 2 dự án này đã tiến hành xây dựng một số hạng mục chính như đường giao thông vào đự án và mặt bằng nhà máy. Tuy nhiên do một số khó khăn về tài chính nên dự án đang bị chậm tiến độ so với dự kiến ban đầu, nhà đầu tư đã có báo cáo và văn bản đề nghị xin điều chỉnh tiến độ thực hiện và cam kết đẩy mạnh tiến độ thi công xây dựng dự án.

Đại biểu Vương Văn Thắng

Đại biểu Vương Văn Thắng chất vấn nội dung: Hoạt động thương mại ở Lai Châu chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, giá trị xuất nhập khẩu nhiều năm không đạt kế hoạch, chưa có chiến lược sản xuất hàng hóa chủ lực của tỉnh, hoạt động xúc tiến thương mại chưa rõ nét, nhiều sản phẩm hàng hóa nhân dân sản xuất chưa có thương hiệu, chưa có thị trường tiêu thụ, công tác quản lý thị trường chưa tốt dẫn đến hàng hóa kém chất lượng, quá hạn chuyển về vùng sâu, vùng xa dẫn đến ngộ độc thực phẩm, chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia kinh doanh sản xuất chế biến hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Để tình trạng trên kéo dài, chậm khắc phục trách nhiệm thuộc về ai? Trách nhiệm của đồng chí Giám đốc Sở như thế nào? Với cương vị là Giám đốc Sở, đồng chí sẽ tham mưu cho tỉnh để xây dựng quy hoạch chiến lược kế hoạch và có giải pháp gì để đưa các hoạt động thương mại của tỉnh phát triển trong thời gian tới? Để quản lý hàng trăm hàng, quán ở các xã vùng sâu, vùng xa cần phải làm gì? Làm như thế nào? Bao giờ làm?

Ông Nguyễn Sỹ Chín, Giám đốc Sở Công thương trả lời chất vấn

Trả lời vấn đề trên, ông Nguyễn Sỹ Chín, Giám đốc Sở Công thương đã trả lời khá chi tiết về chỉ tiêu giá trị hàng địa phương xuất khẩu, hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại. Trong công tác quản lý thị trường, ông Chín nhấn mạnh: Những năm qua, sở Công thương đã tích cực thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, đơn vị chức năng đã kiểm tra trên 3.500 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh, phát hiện xử lý 155 vụ vi phạm về buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổng số tiền vi phạm hành chính và giá trị hàng hóa tịch thu trên 2,5 tỷ đồng. Hàng hóa tịch thu gồm: Mỳ chính giả các loại 540kg; bánh kẹo các loại quá hạn dùng 6.050 gói; dầu gội đầu giả các loại 25.000 gói; gia cầm, phủ nội tạng gia súc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm 2.205 kg; giống gia cầm các loại nhập lậu 11.175 con; trứng gia cầm 8.050 quả... Tuy nhiên, trong quá trình thực thi công vụ về kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại với địa bàn rộng, đường biên giới dài, đi lại khó khăn, lực lượng quản lý thị trường mỏng... do đó chưa kiểm soát được triệt để việc buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Về quản lý các hộ kinh doanh thương mại ở các xã vùng sâu, vùng xa, Sở Công thương sẽ có trách nhiệm phối hợp với UBND các huyện hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ và công tác quản lý thị trường theo Điều 9 và Điều 11 của Nghị định 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ...

Giải pháp để đưa các hoạt động thương mại của tỉnh phát triển trong thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển ngành công thương đã được phê duyệt; đẩy mạnh các hoạt động khyến công, xúc tiến thương mại; đẩy mạnh sản xuất và nâng cao chất lượng hàng địa phương xuất khẩu như: Hình thành các vùng nguyên liệu tập trung: Ngô, sắn, cao su, chè, sử dụng các loại giống chất lượng cao để cung ứng cho sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu; xây dựng các nhà máy chế biến với công nghệ tiên tiến; Phối hợp với Sở Tài Chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh Phương án tạm ứng vốn ngân sách tỉnh thực hiện chương trình bình ổn thị trường để tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trọng dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ và phục vụ sản xuất năm 2014; phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, kê khai giá đối với các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng bình ổn giá. Thực hiện có hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm nhập khẩu trái phép. 

Chanh, Anh, Lan


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.202
Hôm qua : 5.190
Tháng 05 : 11.921
Năm 2025 : 760.710
Tổng số : 84.717.643