A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Trả lời chất vấn: Thẳng thắn và trọng tâm vào vấn đề

(laichau.gov.vn)

Chiều ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ mười lăm HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2020, các đại biểu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn; đã có 9 phiếu chất vấn với 15 vấn đề được đại biểu gửi đến Kỳ họp. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Lai Châu lược ghi một số ý kiến được đại biểu quan tâm.

Có kế hoạch duy trì và nâng cao tiêu chí các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới

Đồng chí Hà Trọng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời chất vấn của đại biểu.

Đại biểu Nguyễn Bảo Đông – Tổ đại biểu huyện Sìn Hồ chất vấn: Chương trình nông thôn mới, dự ước đến hết năm 2020, các xã trong tỉnh đạt nông thôn mới là 38 xã, chiếm tỷ lệ 40,4% tổng số xã, dự kiến đạt kế hoạch, song một số xã được công nhận nông thôn mới nhưng hiện nay một số tiêu chí vẫn còn đạt thấp. Bình quân tiêu chí nông thôn mới đạt 15,5 tiêu chí/xã như vậy là còn thấp. 

Đề nghị UBND tỉnh làm rõ tính bền vững của việc thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đối với các xã đã đạt và việc duy trì các tiêu chí đã đạt?

Đại biểu Nguyễn Bảo Đông – Tổ đại biểu huyện Sìn Hồ chất vấn.

Đồng chí Hà Trọng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời: Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Lai Châu đã đạt được những kết quả rất tích cực: Đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn không ngừng nâng cao, diện mạo nông thôn của tỉnh đã có nhiều thay đổi, đường xá khang trang, sạch đẹp hơn, kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện; nông nghiệp đã dần phát triển theo hướng hiện đại, hình thành chuỗi liên kết, các hình thức tổ chức sản xuất ngày càng rõ nét, đã bước đầu gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Do tiêu chí đánh giá nông thôn mới của các năm khác nhau, năm sau cao hơn năm trước, nên có thể tại thời điểm năm trước đã đạt tiêu chí nhưng đến năm sau không đạt như: Tiêu chí thu nhập của năm 2016 là 9,2 triệu/người/năm, năm 2017 là 26 triệu, 2018 là 29 triệu; 2019 là 32 triệu nhưng đến năm 2020 là 36 triệu/người/năm.

Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, UBND tỉnh đã có chỉ đạo, UBND các huyện, xã đều có kế hoạch duy trì và nâng cao tiêu chí các xã đã đạt chuẩn, đặc biệt là tiêu chí thu nhập và hộ nghèo. Hiện nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thông qua 2 Đề án trọng điểm như Đề án phát triển hạ tầng vùng sản xuất hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2030 và Đề án phát triển rừng bền vững, sau khi thực hiện Đề án này sẽ tạo thu nhập, sinh kế bền vững, ổn định cho người dân.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Đại biểu Đào Xuân Huyên – Đại biểu HĐND thành phố Lai Châu chất vấn.

Đại biểu Đào Xuân Huyên – Đại biểu HĐND thành phố Lai Châu chất vấn: Ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp là xu hướng sản xuất hiện nay nhằm nâng cao các giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Tỉnh Lai Châu hiện nay có 303 hợp tác xã (HTX). Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của các HTX là rất ít. Đồng chí hãy cho biết giải pháp của ngành để giúp các HTX nông nghiệp có thể sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao?

Đồng chí Đặng Văn Châu – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chất vấn của đại biểu.

Đồng chí Đặng Văn Châu – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời: Nội dung chủ đề đại biểu quan tâm là chủ đề đang được Chính phủ quan tâm đẩy mạnh thực hiện trong thời gian vừa qua. Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã có các quy định, hướng dẫn cụ thể về tiêu chí, quy hoạch khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao.

Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 303 HTX, trong đó có 115 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 6 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất theo Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó có 4 HTX ứng dụng công nghệ tự động hóa trong chế biến; 1 HTX ứng dụng trong chăn nuôi, 1 HTX ứng dụng trồng rau sạch bằng thủy canh (HTX Quyết Tâm, thành phố Lai Châu). Tuy nhiên, quy mô ứng dụng công nghệ cao còn thấp do nguồn vốn của HTX còn khó khăn, trình độ nhân lực công nghệ cao còn hạn chế. Để giúp các HTX nói riêng, các thành phần kinh tế khác nói chung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ngành Nông nghiệp đề ra các giải pháp chủ yếu sau: Tăng cường công tác đào tạo tập huấn, nâng cao nguồn nhân lực HTX, nhất là lao động chất lượng cao. Tuyên truyền chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh cụ thể hóa chính sách và nguồn nhân lực hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có hỗ trợ cho HTX. Phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường các giải pháp thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư vào sản xuất, chế biến trong nông nghiệp.

Phát triển sản xuất nông nghiệp các xã đặc biệt khó khăn và xã biên giới

Đại biểu Sùng A Hồ – Đại biểu HĐND huyện Tam Đường chất vấn.

Đại biểu Sùng A Hồ – Đại biểu HĐND huyện Tam Đường chất vấn: Thực hiện Nghị quyết số 39/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh thông qua Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp các xã đặc biệt khó khăn và xã biên giới tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020 - 2025, hiện nay đã xây dựng được bao nhiêu dự án để triển khai thực hiện Đề án?

Về hỗ trợ bảo tồn, trồng bổ sung và phát triển trồng mới vùng chè cổ thụ đã triển khai được bao nhiêu ha trong tổng số 300 ha theo đề án? Việc đầu tư hỗ trợ đường nội đồng vào vùng chè cổ thụ được thực hiện như thế nào?

Đồng chí Đặng Văn Châu – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời: Thực hiện Nghị quyết 39/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 14/QĐ-UBND ngày 08/01/2020 về phê duyệt Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp các xã đặc biệt khó khăn và xã biên giới tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020 - 2025. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Hướng dẫn số 759/HD-SNN ngày 24/4/2020 thực hiện một số nội dung của Đề án. Trong Đề án đã giao UBND các huyện xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện Đề án. Đến nay, có 7/7 huyện xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án.

Kết quả thực hiện Đề án: Trong năm 2020, các huyện đã lồng ghép các chương trình, dự án, thực hiện trồng mới 585,5/534 ha chè, đạt 109,7% kế hoạch; trồng mới 812,43/196,5 ha cây ăn quả các loại, đạt 413,5% kế hoạch; trồng mới 614/310 ha quế, đạt 198,1% kế hoạch; trồng 91,45/55 ha sơn tra, đạt 166,3 kế hoạch.

Về hỗ trợ bảo tồn, trồng bổ sung và phát triển trồng mới vùng chè cổ thụ: Để hỗ trợ bảo tồn trồng bổ sung và phát triển trồng mới vùng chè, cây chè giống phải đảm bảo độ tuổi từ 3 năm trở lên. Năm 2020 là năm đầu thực hiện đề án, chưa có cơ sở nào sản xuất cây chè giống đủ tiêu chuẩn 3 năm tuổi (lấy từ những cây Chè cổ thụ trên địa bàn tỉnh hoặc nguồn giống Chè cổ thụ khác đã được công nhận), nên nội dung này năm 2020 đề án không giao chỉ tiêu thực hiện. Năm 2021, các huyện đã đăng ký trồng mới diện tích cây Chè cổ thụ 55 ha.

Việc đầu tư hỗ trợ đường nội đồng vào vùng Chè cổ thụ: Do năm 2020 chưa thực hiện trồng mới diện tích chè cổ thụ nên chưa xác định được địa điểm, phạm vi để lập dự án đầu tư đường nội đồng. Mặt khác do nguồn lực của tỉnh còn hạn hẹp, nên ưu tiên nguồn lực để thực hiện các nhiệm quan trọng khác. Năm 2021 sẽ nghiên cứu để đầu tư thực hiện nội dung này.


Tác giả: Kim Anh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.893
Hôm qua : 6.019
Tháng 04 : 128.247
Năm 2024 : 799.837
Tổng số : 82.265.930