Ý kiến bên lề Kỳ họp: Tập trung vào các vấn đề mà cử tri quan tâm
Các đại biểu gặp gỡ, trao đổi bên lề Kỳ họp. |
Chương trình giám sát tập trung vào những vấn đề trọng điểm được cử tri quan tâm; lấy phiếu tín nhiệm sẽ được thực hiện trên tinh thần công tâm, khách quan, chính xác.
Đại biểu Bùi Từ Thiện, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Năm 2018 có nhiều hình thức giám sát, giám sát cao nhất là giám sát theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. HĐND tỉnh đã giám sát Nghị quyết về Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020. Báo cáo giám sát cho thấy sau 2,5 năm thực hiện tích cực, tỷ lệ giảm nghèo của các xã, huyện thực hiện cao và đều vượt các chỉ tiêu về giảm nghèo hàng năm. Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy tính bền vững và chất lượng giảm nghèo chưa cao. Thành tích nổi bật sau 2,5 năm thực hiện Nghị quyết về Chương trình giảm nghèo bền vững là năm 2018 tỉnh Lai Châu có hai huyện được công nhận ra khỏi danh sách huyện nghèo là Tân Uyên và Than Uyên. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân của hai huyện này rất vui mừng, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế để giữ vững huyện ra khỏi huyện nghèo. Ngoài ra, trong năm 2018, HĐND tỉnh đã giám sát việc đầu tư công, giám sát việc quản lý sử dụng ngân sách nhà nước ở tất cả các cấp, các ngành để đảm bảo đầu tư công và quản lý sử dụng ngân sách hiệu quả nhất, chất lượng nhất, thiết thực cho việc phát triển kinh tế-xã hội.
Đại biểu Bùi Từ Thiện cũng nhấn mạnh rằng: Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh lấy phiếu tín nhiệm đối với những người do HĐND tỉnh bầu. Đến thời giờ phút này, 29 người giữ chức vụ do HĐND bầu thì đã thực hiện nghiêm túc cho việc chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm bằng việc có báo cáo về mình và có báo cáo kê khai thu nhập tài sản. Việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này có giá trị quan trọng là thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm, các đại biểu HĐND sẽ đo đếm, đánh giá chính thức đối với những người do HĐND bầu. Căn cứ vào mức độ tín nhiệm, những người được lấy phiếu sẽ xem xét lại quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình để tiếp thu, khắc phục những hạn chế, thiếu sót để đáp ứng sự mong mỏi của các vị đại biểu HĐND tỉnh. Thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm của HĐND cũng chính là tín nhiệm của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đối với những người được lấy tín nhiệm HĐND tỉnh đã giao. Với tinh thần nghiêm túc, theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các vị đại biểu HĐND tỉnh phải thực hiện một cách công tâm, khách quan, chính xác.
Lợi ích từ Nghị quyết sát nhập các thôn, bản, khu phố
Ông Vừ A Tiến, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thông báo số 798-TB/TU ngày 22/10/2018 của Tỉnh ủy Lai Châu về tổ chức bộ máy và cán bộ; thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Sở Nội vụ xét thấy điều kiện thực tiễn trên địa bàn tỉnh rất nhiều tiêu chí về thôn, bản, tổ dân phố không đảm bảo theo quy định. Các thôn, bản, tổ dân phố bị phân tán, chia nhỏ sẽ gây khó khăn về đầu tư cơ sở vật chất, phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội. Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ xây dựng Đề án tổng thể sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đến năm 2021. Trong năm 2018, đã lựa chọn 60 thôn, bản, tổ dân phố để tiến hành sáp nhập. Sau khi các thôn, bản, tổ dân phố sáp nhập, số lượng cán bộ không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố giảm, tiết kiệm ngân sách Nhà nước; do đó có nhiều điều kiện đầu tư cho cơ sở hạ tầng; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân xóa đói giảm nghèo và thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ tiền ăn được thông qua sẽ giảm bớt khó khăn cho học sinh
Đại biểu HĐND tỉnh Phùng Lê Na: Tại Kỳ họp lần này, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ tiền ăn cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở ở các xã khu vực II thuộc huyện nghèo 30a và các xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn không được hưởng chế độ theo Nghị định số 116/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Đây là một Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP thì đối với học sinh đang học tại trường tiểu học, trung học cơ sở công lập ở xã có điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn (khu vực II) không được hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn. Điều này khiến các học sinh có hoàn cảnh khó khăn lại càng khó khăn hơn vì nhà ở xa trường, địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn, không thể đi đến trường và trở về trong ngày, dẫn đến nguy cơ bỏ học tăng, ảnh hưởng đến tỷ lệ huy động ra lớp và tỷ lệ chuyên cần ở các cấp học. Việc Nghị quyết này được ban hành sẽ góp phần duy trì tỷ lệ chuyên cần, huy động học sinh đến lớp ở các cấp học, hạn chế học sinh bỏ học giữa chừng, góp phần giảm bớt khó khăn cho học sinh và phụ huynh học sinh
Giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông, phòng chống cháy nổ
Đại biểu Vừ A Chía, đại biểu HĐND tỉnh: Năm 2018, tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp, đã xảy ra 35 vụ cháy (tăng 18 vụ so với cùng kỳ năm 2017). Trong tổng số vụ cháy xảy ra chủ yếu xảy ra tại khu vực nhà dân và một số hộ kinh doanh buôn bán. Với nguyên nhân chủ yếu là do ý thức, trách nhiệm của người dân, chủ hộ gia đình còn chưa cao, còn chủ quan. Tai nạn giao thông giảm 02 tiêu chí về số vụ, số người bị thương, nhưng lại tăng về số người chết, do vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Km 57+551 Quốc lộ 4D thuộc địa phận bản Tiên Bình, thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường làm 13 người chết và 03 người bị thương. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tăng số người chết so với năm 2017. Vậy giải pháp để giảm thiểu tai nạn giao thông và phòng chống cháy nổ thì ngoài việc lực lượng chức năng phải tăng cường rất nhiều giải pháp như: Chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều kế hoạch, biện pháp tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, kiểm soát trọng tải; tổ chức các đợt cao điểm; tổ chức điểm dừng phương tiện trên tuyến đèo dốc để tuyên truyền, nhắc nhở người lái kiểm tra hệ thống an toàn kỹ thuật phương tiện; tổ chức rà soát, điều tra các tuyến đường phức tạp vê tai nạn giao thông… Tăng cường kiểm tra an toàn phòng chống cháy nổ và cứu nạn cứu hộ, đặc biệt là các phương tiện vận chuyển hành khách, vận chuyển chất, hàng nguy cơ; mở các lớp tập huấn về phòng cháy chữa cháy; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật… Thì giải pháp vô cùng quan trọng đó là cần nâng cao ý thức của mỗi cá nhân, tổ chức khi tham gia giao thông và trong công tác phòng chống cháy nổ. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành, các đoàn thể cùng chung tay đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến đông đảo người dân.
Kế hoạch đầu tư công sẽ có nguyên tắc phân bổ theo quy định
Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Việc sử dụng vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn phù hợp với khoản 2 Điều 7 Nghị định số 77/2015 ngày 10/9/2015 của Chính phủ. Số vốn dự phòng dự kiến phân bổ theo đúng mức được giao tại Quyết định số 547/QĐ-TTg ngày 20/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 572/QĐ-BKHĐT ngày 20/4/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong đó, bố trí vốn cho nhiệm vụ lập, thẩm định, công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung bố trí vốn đủ 90% tổng mức đầu tư theo quy định cho các dự án chuyển tiếp, sử dụng vốn cân đối ngân sách địa phương, có danh mục trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, để đẩy nhanh tiến độ các dự án sớm hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư. Đồng thời, bố trí vốn cho một số dự án cấp bạch đã có quyết định; dự án chào mừng kỷ niệm 15 năm chia tách, thành lập tỉnh; một số dự án mới cấp bách phát sinh, có chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy./.
Nhóm PV