• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với tỉnh Lai Châu

(laichau.gov.vn)

Tiếp tục chương trình công tác tại tỉnh Lai Châu, sau khi đi kiểm tra, giám sát tại một số đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh, chiều nay (30/3) Đoàn giám sát đã làm việc với tỉnh Lai Châu.

Quang cảnh buổi làm việc.

Đoàn giám sát do đồng chí Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng đoàn. Tham gia Đoàn còn có PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đồng chí thành viên Đoàn giám sát.

Làm việc với Đoàn, tỉnh Lai Châu có các đồng chí: Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Hoàng Quốc Khánh - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh và các đơn vị có liên quan.

Đánh giá về kết quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Lai Châu cho thấy, thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo ban hành các văn bản theo thẩm quyền để tổ chức triển khai thực hiện việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn theo đúng lộ trình, đảm bảo chất lượng và phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương. UBND tỉnh chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức quán triệt học tập, triển khai sâu rộng trong cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, nhân viên và phối hợp tuyên truyền trong Nhân dân về chủ trương của Đảng và Nhà nước trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chuyên môn trong quá trình triển khai thực hiện.

Đồng chí Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo tại buổi làm việc.

Từ năm 2015 đến năm 2018, tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều hoạt động đổi mới làm nền tảng cho việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Từ năm 2018 đến năm 2022 tiếp tục chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông theo đúng lộ trình và kế hoạch. Các đơn vị giáo dục đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Đội ngũ nhà giáo cơ bản đảm bảo để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông. Chỉ đạo các trường lựa chọn, bố trí đội ngũ giáo viên phân công giảng dạy phù hợp; việc biên soạn, thẩm định, phát hành, sử dụng Tài liệu giáo dục địa phương đúng quy định. Công tác quản lý Nhà nước về giáo dục được tăng cường và đã có bước chuyển biến tích cực theo hướng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới cơ chế quản lý tài chính; nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tăng cường phân cấp quản lý giáo dục; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được quan tâm, đầu tư. Môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, xanh sạch đẹp…

Tại buổi làm việc, tỉnh Lai Châu đề xuất một số nội dung: Đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ cho ngành Giáo dục, nhất là tự chủ về đội ngũ và tài chính; có chính sách hỗ trợ sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương sử dụng chung cho học sinh vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi; giao bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục cho tỉnh Lai Châu giai đoạn 2022 - 2026 đảm bảo định mức số lượng người làm việc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao…

Thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc.

Cũng tại buổi làm việc, thành viên trong Đoàn giám sát đã nêu một số nội dung nhằm làm rõ hơn những kết quả đã làm được, những vướng mắc, bất cập, nguyên nhân và thống nhất những giải pháp thực hiện trong giai đoạn tới. Đại biểu tỉnh Lai Châu cũng đã trao đổi, trả lời nhằm làm rõ những vấn đề mà Đoàn giám sát quan tâm.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, thời gian qua, nhất là thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tỉnh Lai Châu luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Vụ, Cục thuộc Bộ. Đánh giá cao các vấn đề Đoàn giám sát đã nêu đối với việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội trên địa bàn tỉnh Lai Châu, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định, mặc dù ngân sách còn khó khăn song tỉnh luôn quan tâm đầu tư cho giáo dục. Tại buổi làm việc này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất với Đoàn giám sát có đề án đặc thù dành cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên Tiếng Anh, Tin học; quan tâm có chính sách hỗ trợ cho học sinh, giáo viên ở các xã vùng 1.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu kết luận buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo của Lai Châu đảm bảo đúng đề cương yêu cầu; đồng hành cùng Đoàn đi khảo sát, làm việc với các địa phương, nhà trường trên địa bàn. Đồng thời, có nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các nhà trường, phụ huynh, học sinh tham gia thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đoàn công tác cơ bản tán thành những đề xuất, kiến nghị của Lai Châu tại buổi làm việc. 

Đồng chí đề nghị tỉnh Lai Châu, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện thống nhất, hiệu quả. Trong điều kiện có thể, tiếp tục tích hợp thực hiện hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật, trang thiết bị dạy học; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên. Rà soát, bố trí giáo viên, tập trung cao độ cho tuyển dụng giáo viên đảm bảo đúng chuẩn. Tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm triển khai đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đúng lộ trình, đạt hiệu quả trong những năm học tới… Một số khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực trong ngành Giáo dục và Đào tạo, Đoàn công tác sẽ phản ánh trực tiếp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các bộ, ngành liên quan. 

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và thành viên Đoàn giám sát trao biển tượng trưng 8 ngôi nhà đại đoàn kết cho lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lai Châu.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và thành viên Đoàn giám sát trao biển tượng trưng 150 triệu tiền mặt cho lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lai Châu. 

Nhân dịp này, Đoàn đã trao các phần quà do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tài trợ cho người nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Lai Châu gồm 8 ngôi nhà đại đoàn kết, 150 triệu đồng tiền mặt, tổng các quà tặng trị giá 630 triệu đồng.


Tác giả: Chanh Nguyễn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.785
Hôm qua : 9.410
Tháng 04 : 198.025
Năm 2024 : 869.615
Tổng số : 82.335.708