A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trung giải quyết những vấn đề liên ngành, tạo đột phá, đổi mới trong bảo đảm TTATGT

(laichau.gov.vn)

Chiều 14/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia làm việc với Thường trực Uỷ ban; nghe báo cáo về kết quả thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) 9 tháng đầu năm 2024.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, công tác bảo đảm TTATGT là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách trong bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân, đòi hỏi có sự đổi mới, tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng cách thức triển khai để đạt được những mục tiêu, mong muốn đặt ra.

Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan là thành viên Thường trực Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia (Ủy ban) tập trung thảo luận giải pháp về công tác xây dựng văn bản pháp luật, thông tin tuyên truyền, kiện toàn bộ máy tổ chức để thực hiện Luật TTATGT đường bộ năm 2024, Luật Đường bộ năm 2024…

Bên cạnh đó, các thành viên Thường trực Uỷ ban cần xác định một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm khắc phục, giải quyết triệt để những nguyên nhân, tồn tại hạn chế trong công tác bảo đảm TTATGT, từ đó, giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành, địa phương "rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm".

Xử lý hơn 3 triệu trường hợp vi phạm ATGT

Theo báo cáo của Văn phòng Uỷ ban, trong 9 tháng đầu năm năm 2024, Bộ GTVT đã triển khai 7 nội dung thanh tra, kiểm tra liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT: Kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa; quản lý, kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu thuyền; kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tại 15 sở GTVT địa phương.

Từ ngày 15/12/2023 đến ngày 13/9/2024, các cục quản lý chuyên ngành và thanh tra các sở GTVT đã thực hiện 36.197 cuộc thanh tra, kiểm tra; xử phạt vi phạm hành chính 17.270 vụ với số tiền xử phạt trên 107,1 tỷ đồng; tạm giữ 33 ô tô; đình chỉ hoạt động 33 bến và 143 phương tiện thủy nội địa; giám sát 595 kỳ sát hạch lái xe ô tô và 667 kỳ sát hạch lái xe mô tô.

Bộ Công an chỉ đạo CSGT công an các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm TTATGT, tập trung vào các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông.

Lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý hơn 3 triệu trường hợp vi phạm TTATGT trên đường bộ, đường sắt và đường thủy, phạt tiền gần 6.000 tỷ đồng; tước khoảng 600.000 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ khoảng 1 triệu phương tiện các loại.

Trong 9 tháng đầu năm 2024 (tính từ ngày 15/12/2023 đến 14/9/2024), theo số liệu của Văn phòng Bộ Công an, toàn quốc xảy ra 17.836 vụ, làm chết 8.114 người, bị thương 13.385 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 1.506 vụ (+9,22%), giảm 829 người chết (-9,27%), tăng 2.413 người bị thương (+21,99%).

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm TTATGT trong 9 tháng đầu năm 2024 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Số vụ và số người bị thương do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ năm 2023. Tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn xảy ra tại một số tỉnh, thành phố. Tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TPHCM, trên một số quốc lộ trọng điểm, nhất là tại cửa ngõ ra, vào các thành phố lớn có xu hướng diễn biến phức tạp. Hành vi chống người thi hành công vụ trong quá trình xử lý vi phạm về TTATGT gia tăng.

Các đại biểu thống nhất cho rằng nâng cao ý thức của người tham gia giao thông là giải pháp rất quan trọng, phải làm rất quyết liệt, mạnh mẽ - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Tại cuộc họp, các đại biểu đã trao đổi về tình hình thực tế, các giải pháp đã triển khai để thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới; Chỉ thị 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới; Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 17/9/2024 về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm và Kế hoạch hành động số 282/KH-UBATGTQG ngày 29/9/2024 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về việc thực hiện quy định của pháp luật về "Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông".

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho rằng bên cạnh việc nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng giao thông, một giải pháp rất quan trọng, phải làm rất quyết liệt, mạnh mẽ để giảm tai nạn giao thông là nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Thời gian tới, cơ quan Thường trực của Uỷ ban cần được kiện toàn nhằm tập trung cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, chiến lược, kế hoạch giải pháp đã đặt ra trong công tác bảo đảm TTATGT.

Nắm sát tình hình bảo đảm TTATGT tại địa phương

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao vai trò, đóng góp của Uỷ ban đã tạo chuyển biến tích cực về tình hình TTATGT trên cả nước; chủ động tham mưu và triển khai các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản pháp luật về lĩnh vực TTATGT, trong đó có những vấn đề mang tính chất liên ngành, những quyết sách lớn, đột phá để kéo giảm tai nạn giao thông, nâng cao ATGT bền vững.

Thời gian tới, bên cạnh lĩnh vực đường bộ, công tác bảo đảm an toàn, an ninh đường sắt, đường bộ, đường không cần được chú trọng, quan tâm hơn nữa.

Phó Thủ tướng giao Thường trực Uỷ ban rà soát lại cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, để xây dựng đề án kiện toàn bộ máy tổ chức từ Trung ương đến cơ sở với sự tham gia của các cấp uỷ Đảng, cơ quan của Quốc hội, HĐND, doanh nghiệp có liên quan…

"Phương thức làm việc của Uỷ ban cần có sự đổi mới, nắm sát được tình hình triển khai công tác bảo đảm TTATGT tại các địa phương", Phó Thủ tướng nói.

Thường trực Uỷ ban chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện về một số nhiệm vụ cần làm ngay như: Xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết Luật TTATGT đường bộ năm 2024, Luật Đường bộ năm 2024; kế hoạch, giải pháp thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, Chỉ thị 31/CT-TTg, Chỉ thị số 35/CT-TTg, Kế hoạch 282/KH-UBATGTQG; tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, văn hoá tham gia giao thông…

Trong đó, Bộ GD&ĐT, UBND các địa phương, Sở GD&ĐT chỉ đạo tổ chức triển khai Chỉ thị 31/CT-TTg sâu rộng trong trường học với sự tham gia của lực lượng CSGT, các đoàn thể chính trị-xã hội ở cơ sở như thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân… gắn với trách nhiệm của gia đình, nhà trường.

Các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương phải cụ thể hoá, đưa vào tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, cũng như trách nhiệm cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể trong thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TTg.

Cùng với việc khẩn trương triển khai Luật TTATGT đường bộ năm 2024, Luật Đường bộ năm 2024, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông, sớm ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy hoạch, thiết kế hạ tầng, kết cấu giao thông, hệ thống thông tin, cảnh báo, biển báo, quản lý trang thiết bị, phương tiện giao thông, xử lý dứt điểm các điểm đen về ATGT. Bộ Công an tăng cường năng lực tuần tra, kiểm sát, giám sát TTATGT, xử lý các hành vi vi phạm; phối hợp với ngành toà án nghiên cứu áp dụng án lệ trong xét xử những vụ việc về vi phạm TTATGT để răn đe, phòng ngừa…

Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ GTVT tăng cường phối hợp trong ứng phó với các sự cố mất an toàn, tai nạn giao thông; thành lập lực lượng ứng cứu khẩn cấp để cấp cứu các nạn nhân bị tai nạn giao thông, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Cập nhật ngày 14/10/2024


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 946
Hôm qua : 5.279
Tháng 12 : 147.472
Năm 2024 : 2.457.722
Tổng số : 83.923.815