Năm 2025: Phong Thổ quyết tâm thoát khỏi huyện nghèo
Xác định quyết tâm và mục tiêu thoát nghèo vào năm 2025, thời gian qua cả hệ thống chính trị của huyện Phong Thổ đã và đang tích cực triển khai các giải pháp giảm nghèo với quyết tâm thoát khỏi huyện nghèo.
Phong Thổ là huyện biên giới của tỉnh, có 17 xã, thị trấn, trong đó có 12 xã biên giới, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Ngay sau khi có Kế hoạch, chủ trương của UBND tỉnh về hỗ trợ huyện Phong Thổ thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025, Ban Thường vụ Huyện ủy Phong Thổ ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 22/12/2022 của Huyện ủy Phong Thổ về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đưa huyện Phong Thổ ra khỏi huyện nghèo vào năm 2025; UBND huyện cụ thể hóa Nghị quyết, ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND, ngày 3/3/2023 triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội đưa huyện Phong Thổ ra khỏi huyện nghèo vào năm 2025. Hằng năm, UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện giảm nghèo, tập trung vào 3 nội dung: Giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm; nâng cao thu nhập; giảm các xã đặc biệt khó khăn.
Để thực hiện 3 nội dung giảm nghèo, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND xã, thị trấn tham mưu, tổ chức thực hiện hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhất là triển khai có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Hằng năm các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn chủ động nghiên cứu, tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hiệu quả cho người dân. Giao thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp với UBND xã được giao phụ trách đến tận thôn, bản, hộ gia đình để tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức thực hiện kế hoạch giảm nghèo hằng năm, đặc biệt tập trung quan tâm thực hiện các giải pháp hỗ trợ đối với những hộ gia đình trong kế hoạch thoát nghèo. Kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh nhằm tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, góp phần thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Huyện cũng đã chủ động triển khai chính sách đặc thù, đồng bộ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo theo hướng hỗ trợ theo nhóm cộng đồng, có thu hồi, luân chuyển do cộng đồng tự quản lý và tổ chức thực hiện phù hợp với phong tục, tập quán, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, dân tộc nhằm phát huy nội lực của mỗi người dân, hộ gia đình, đồng thời hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát từng tiêu chí của các hộ nghèo để có phương hướng hỗ trợ; phân loại các nhóm đối tượng nghèo và có chính sách hỗ trợ phù hợp; tăng dần các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, có chính sách đối với các hộ thoát nghèo mua phương tiện sản xuất, cây, con giống, khuyến khích họ vươn lên thoát nghèo bền vững, hạn chế tình trạng tái nghèo.
Triển khai chuỗi liên kết trồng 71,7ha cây Lê với 196 hộ gia đình tham gia; 60ha lúa Tẻ râu, Nếp tan với 132 hộ tham gia… nhằm tiếp tục giữ vững diện tích gieo cấy lúa, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn (tổng sản lượng lương thực đạt 36.595,83tấn), đảm bảo 500ha diện tích lúa hàng hóa tập trung toàn huyện. Phát triển mở rộng vùng nuôi cá nước lạnh với các giống đặc sản có giá trị cao như: Cá Tầm, cá Hồi..., tiếp tục duy trì và mở rộng quy mô tại 27 cơ sở nuôi cá nước lạnh với quy mô trên 18.400m3 (tập trung tại xã Sin Suối Hồ)…
Công tác giải quyết việc làm được các cấp chính quyền quan tâm nhằm thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho người dân, gắn đào tạo nghề với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Theo đó, cùng với chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện Phong Thổ đã huy động các nguồn để tập trung cho vay giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề giải quyết việc làm cho 1.146 lao động, cho vay xuất khẩu lao động 313 lao động. Trong 2 năm (2022, 2023) đã đào tạo nghề cho 2.400 lao động, giải quyết việc làm cho 2.000 người; riêng năm 2024 đã giải quyết việc làm cho 1.580 lao động, trong đó có 95 lao động đi làm việc ở các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan; cho vay vốn hỗ trợ việc làm 350 lao động. Sau đào tạo các lao động đã áp dụng kỹ thuật, kiến thức trong sản xuất, chăn nuôi, hoặc đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước, một số đi xuất khẩu lao động, có thu nhập ổn định, góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo chung toàn huyện.
Nhằm giảm chỉ số thiếu hụt về nhà ở, trong 2 năm (2023 - 2024) huyện đã huy động các nguồn lực từ nguồn ngân sách các Chương trình mục tiêu quốc gia, từ Bộ Công an và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguồn vay Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn khác để tập trung hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 1.523 hộ trên địa bàn huyện, góp phần ổn định nhà ở an toàn, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững cho các hộ dân.
Với những chính sách triển khai đồng bộ, năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 37,93%; năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo ước còn 31,84%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,08%, vượt 0,65% so với kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn năm sau tăng so với năm trước: Năm 2023 đạt 40 triệu đồng/người, năm 2024 ước đạt 42 triệu đồng/người, dự kiến năm 2025 đạt khoảng 45 triệu đồng/người.
Bản Lang là xã biên giới của huyện Phong Thổ, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, đời sống của nhiều hộ gia đình vẫn còn khó khăn nhưng đây lại là địa phương có số hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo nhiều nhất của huyện Phong Thổ. Những lá đơn xin thoát nghèo thể hiện rõ rằng trong nhận thức của người dân đã có sự thay đổi. Thay vì tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân thấy được trách nhiệm của mình, nỗ lực vươn lên, nhường lại nguồn hỗ trợ cho những hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình. Đây chính là điểm mới của xã Bản Lang và một số xã như xã Sin Suối Hồ, Khổng Lào của huyện Phong Thổ mà trước đây chưa từng có. Theo thống kê, năm 2024 toàn xã Bản Lang có 115 hộ thoát nghèo, 20 hộ thoát cận nghèo và không có hộ tái nghèo. Đây là những tấm gương tốt, thể hiện sự quyết tâm trong vươn lên thoát nghèo của mỗi hộ dân trong công cuộc xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2025 toàn huyện xuống còn dưới 30%.
Xuân mới Ất Tỵ 2025 đã về, tin rằng cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực tự vươn lên của hộ nghèo, cận nghèo và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị sẽ là cơ sở tiền đề vững chắc giúp huyện Phong Thổ bứt phá, quyết tâm thoát khỏi huyện nghèo, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, huyện biên giới Phong Thổ ngày càng phát triển...