A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng kết hoạt động Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024

(laichau.gov.vn)

Chiều nay (6/2), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Phiên họp lần thứ 10 nhằm tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.

Phiên họp được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Chính phủ tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Dự Phiên họp tại điểm cầu Chính phủ có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; các thành viên Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ; đại diện các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quam thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty: Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Bưu điện Việt Nam, Tập đoàn FPT, Viễn thông MobiFone….

Dự Phiên họp tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; các thành viên, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, Tổ Công tác triển khai thực hiện Đề án 06 tỉnh và các đơn vị có liên quan… Phiên họp được kết nối từ điểm cầu tỉnh đến điểm cầu các huyện, thành phố trong tỉnh.

Năm 2024, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 71/193 quốc gia trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc, tăng 15 bậc so với 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử ở mức "Rất Cao". Thể chế giải quyết được nhiều điểm nghẽn tạo động lực phát triển mới cho nền kinh tế tiêu biểu như Luật Viễn thông sửa đổi, Luật dữ liệu, Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn… 

Hạ tầng số được mở rộng, phát triển. Năm 2024 - lần đầu tiên sau 15 năm kể từ khi Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội thông qua, Việt Nam đã tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số: Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số thu về cho ngân sách Nhà nước 12.697 tỷ đồng, tăng 88% số lượng tần số di động đã cấp cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ, cụ thể hóa mục tiêu phổ cập hạ tầng số quốc gia. Tỷ lệ dân số được phủ sóng 5G toàn quốc đạt 25,5%, tỷ lệ dân số được phủ sóng 5G khu vực thủ phủ tỉnh đạt 93,34%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang băng rộng nâng lên 82,9%. 

Dữ liệu số và nền tảng số tiếp tục được xây dựng; năm 2024, xác lập thêm 04 cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên, nâng tổng số cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên triển khai là 10; xác lập thêm 678 cơ sở dữ liệu các ngành, lĩnh vực của các bộ, ngành, địa phương, tăng 30%. Tỷ trọng kinh tế số đạt 18,3% GDP, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Xã hội số có bước phát triển 25% người trưởng thành có chữ ký số, số lượng tài khoản VNeID đã kích hoạt đạt trên 55,25 triệu.

Quang cảnh Phiên họp tại các điểm cầu.

Việc triển khai Đề án 06 đã mang lại những kết quả cụ thể, thiết thực trong công tác quản lý, điều hành của các cấp, ngành, địa phương và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cung cấp tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Là tiền đề xây dựng, phát triển trung tâm dữ liệu quốc gia. Từ hoàn thiện thể chế đến phát triển hạ tầng công nghệ, đến nay mạng băng rộng di động đã phủ sóng 99,25% số thôn bản toàn quốc. Về dữ liệu, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương đạt 67,06%, 33 địa phương đã hoàn thành số hóa dữ liệu đất đai.

Chủ đề Chuyển đổi số quốc gia năm 2025 là “Chuyển đổi số toàn diện để phát triển kinh tế số, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế”. Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số sẽ tập trung chỉ đạo triển khai chuyển đổi số toàn diện các ngành, lĩnh vực góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8 - 10% trong năm 2025. Với một số giải pháp như: Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ số để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Phát triển các doanh nghiệp công nghệ số đạt tỷ lệ tối thiểu 0,8 doanh nghiệp/1.000 dân.

Tại Phiên họp, đại diện các bộ, ngành, các địa phương đã phân tích, làm rõ những thuận lợi, khó khăn, thách thức đặt ra trong công tác chuyển đổi số. Chia sẻ kinh nghiệm, chỉ rõ những nội dung mới, cấp bách mà các bộ, ngành, địa phương cần phải triển khai thực hiện trong thời gian tới. Đồng thời, đề xuất các giải pháp thiết thực thúc đẩy chuyển đổi số trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, đời sống xã hội.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã cùng thực hiện bấm nút công bố khai trương thí điểm Hệ thống điều phối dữ liệu y tế. Hệ thống điều phối dữ liệu y tế là một hệ thống công nghệ thông tin được thiết kế để thu thập, lưu trữ, chia sẻ và phân tích dữ liệu y tế giữa các cơ sở y tế, tổ chức và cá nhân liên quan. Mục tiêu chính của hệ thống này là cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe, tăng cường hiệu quả hoạt động của ngành y tế và hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Phiên họp. 

Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số năm 2024 và biểu dương sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Năm 2025, Bộ Chính trị đã xác định “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bút phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới”. Để cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo trên, năm 2025 đòi hỏi Đề án 06 phải chuyển đổi trạng thái, làm tiền đề để xây dựng phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia phục vụ cuộc cách mạng chuyển đổi về bản chất của dữ liệu, khai phá, phát huy tiềm năng của dữ liệu, để dữ liệu thực sự trở thành tài nguyên, tư liệu sản xuất quan trọng.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các cấp khẩn trương ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2025 và phân công nhiệm vụ cụ thể đảm bảo “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm”. Đồng thời tập trung xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo tiền đề nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển đổi số trên các lĩnh vực, ngành, địa phương. Trong quá trình thực hiện phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể. Huy động hiệu quả các nguồn lực tham gia chuyển đổi số, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của người dân, kết hợp với sức mạnh của dân tộc, sức mạnh của thời đại. Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc đồng bộ, tích cực, tạo nguồn lực cho chuyển đổi số; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.


Tác giả: Thu Hoài
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 6.761
Hôm qua : 6.608
Tháng 02 : 32.181
Năm 2025 : 182.865
Tổng số : 84.139.798