• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

ADB kêu gọi hành động tập thể giải quyết các thách thức khu vực

(laichau.gov.vn)

Những bất ổn mà khu vực châu Á và Thái Bình Dương đang đối mặt cũng chính là cơ hội để xây dựng một tương lai thích ứng và bền vững hơn, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Masato Kanda nhấn mạnh tại Phiên khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 58 của Hội đồng Thống đốc ADB ngày 5/5.

Các đại biểu tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 58 của Hội đồng Thống đốc ADB. (Ảnh: ADB)
Các đại biểu tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 58 của Hội đồng Thống đốc ADB. (Ảnh: ADB)

Phát biểu tại hội nghị diễn ra tại thành phố Milan, Italia, Chủ tịch Masato Kanda cho biết, các cú sốc từ bên ngoài, áp lực nợ công và tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đang đặt ra nhiều thách thức đối với người dân và nền kinh tế trong khu vực.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh khu vực không khởi đầu từ con số 0, khi tăng trưởng vẫn giữ đà vững chắc, thương mại và hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, chuỗi cung ứng đang đa dạng hóa, còn đổi mới sáng tạo và kết nối số tiếp tục gia tăng.

“Bất ổn không phải là lý do để thoái lui. Đó là lời kêu gọi phải táo bạo hơn, hành động nhanh hơn và hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết”, ông Kanda khẳng định.

ADB kêu gọi hành động tập thể giải quyết các thách thức khu vực ảnh 1
Chủ tịch ADB Masato Kanda phát biểu. (Ảnh: ADB)

Hội nghị thường niên năm nay thu hút sự tham dự của hơn 5.000 đại biểu, gồm lãnh đạo các chính phủ, đại diện khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự và giới học giả. Thủ tướng Italia Giorgia Meloni, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Italia Giancarlo Giorgetti, và Thống đốc Ngân hàng trung ương Italia, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Thống đốc ADB, Fabio Panetta, cũng tham dự và phát biểu tại phiên khai mạc.

Theo đó, Bộ trưởng Giorgetti nhấn mạnh mối quan hệ đối tác giữa Italia và ADB, đồng thời khẳng định sự hợp tác chặt chẽ sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn và bền vững, hạn chế các rủi ro bất lợi và giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra.

Tại hội nghị, ADB cũng giới thiệu 4 trọng tâm hợp tác chiến lược, hướng tới thúc đẩy sự chuyển đổi toàn diện tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương:

Thứ nhất, nhằm ứng phó với tình trạng dễ tổn thương của các hệ thống lương thực, ADB cam kết tăng quy mô tài trợ cho chuyển đổi hệ thống lương thực lên 40 tỷ USD vào năm 2030.

Thứ hai, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ số, cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục, tài chính và thị trường cho người dân.

Thứ ba, hỗ trợ hiện đại hóa hệ thống năng lượng và kết nối lưới điện trong khu vực, trong đó ADB cam kết tài trợ tới 10 tỷ USD cho sáng kiến Lưới điện ASEAN.

Thứ tư, tăng cường khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu thông qua củng cố hạ tầng, phục hồi hệ sinh thái và hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương.

ADB cũng khẳng định mục tiêu tăng cường huy động khu vực tư nhân, hướng tới nâng tổng tài trợ cho khu vực này lên 13 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030, qua đó huy động thêm nguồn lực phục vụ phát triển bền vững, bao trùm và thích ứng tại khu vực.

Cập nhật 6/5/2025


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 8.603
Hôm qua : 7.008
Tháng 05 : 34.526
Năm 2025 : 783.315
Tổng số : 84.740.248