Biến đổi khí hậu: Châu Âu đối mặt nguy cơ kép
Biến đổi khí hậu do con người gây ra đang đẩy châu Âu vào tình trạng báo động kép: Nhiệt độ tăng đột biến đe dọa tính mạng người dân và những tác động kinh tế nghiêm trọng có thể khiến GDP của Eurozone sụt giảm tới 5% vào năm 2030.
Một nghiên cứu mới do Viện nghiên cứu Copernicus của châu Âu công bố cho thấy, biến đổi khí hậu do con người gây ra đã làm nhiệt độ tại nhiều thành phố châu Âu tăng thêm từ 2-4 độ C, đẩy mức nóng lên ngưỡng nguy hiểm và có thể gây tử vong nếu không có các biện pháp bảo vệ thích hợp.
Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu nhiệt độ từ 12 thành phố châu Âu trong giai đoạn từ ngày 23/6 đến 2/7, thời điểm xảy ra đợt nắng nóng đầu mùa Hè. Nhiệt độ tại một số nơi vượt quá 40 độ C, khiến các cơ quan y tế phải phát đi cảnh báo khẩn cấp.
Theo nhóm nghiên cứu, nếu không có tác động của biến đổi khí hậu, mức nhiệt trong thời gian này có thể thấp hơn từ 2-4°C, đồng nghĩa với việc giảm đáng kể nguy cơ tử vong do nắng nóng.
Ước tính có khoảng 2.300 người thiệt mạng do nhiệt độ cao tại các thành phố khảo sát trong 10 ngày nói trên, trong đó hơn 1.500 ca có thể tránh được nếu không có biến đổi khí hậu.
Châu Âu vừa trải qua tháng 6 nóng nhất trong lịch sử, đặc biệt tại khu vực Tây Âu. Nhiều trường học và điểm du lịch buộc phải đóng cửa. Hiện tượng "đêm nhiệt đới" – khi nhiệt độ ban đêm không đủ mát để cơ thể hồi phục – xảy ra ở nhiều nơi thuộc miền Nam châu Âu.
Nhiệt độ chỉ tăng thêm vài độ C cũng có thể trở thành "kẻ giết người thầm lặng", đặc biệt đe dọa người già, trẻ nhỏ, người có bệnh lý nền, lao động ngoài trời và cư dân sống ở đô thị. Tại các thành phố, hiệu ứng đảo nhiệt càng làm trầm trọng thêm tình hình khi bê tông và mặt đường hấp thụ nhiệt, tạo ra những "bản đồ nhiệt" khổng lồ.
Nhiệt độ bề mặt biển Địa Trung Hải trong tháng 6 cũng tăng kỷ lục, có nơi cao hơn trung bình đến 5 độ C, đạt mức 27°C vào ngày 30/6. Nhiệt độ biển cao không chỉ ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển mà còn làm giảm hiệu quả làm mát vào ban đêm cho các vùng ven biển.
Đe dọa kéo giảm 5% GDP
Song song với rủi ro sức khỏe cộng đồng, một cảnh báo kinh tế nghiêm trọng cũng được các nhà kinh tế học của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra. Trên blog chính thức, ECB cảnh báo rằng các thảm họa khí hậu như hạn hán, cháy rừng, lũ lụt và bão có thể kéo giảm GDP của Eurozone tới 5% vào năm 2030, nếu không có hành động chính sách quyết liệt.
ECB nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu không còn là một rủi ro tiềm ẩn mà đã trở thành "mối nguy hiểm sắp xảy ra". Theo một kịch bản nghiêm trọng, toàn bộ 20 quốc gia thành viên Eurozone có thể chịu thiệt hại kinh tế lớn không chỉ từ các thảm họa thiên nhiên xảy ra trong nước mà còn từ các cú sốc khí hậu toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng – yếu tố then chốt đối với nền kinh tế khu vực.
ECB cho rằng tác động từ biến đổi khí hậu có thể gây ra một cuộc suy thoái tương đương khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, lạm phát tăng và tăng trưởng kinh tế bị kìm hãm. Ngoài ra, nắng nóng cực đoan cùng các thiên tai sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến lực lượng lao động, tài sản và hệ thống cơ sở hạ tầng.
Dự báo trên được xây dựng dựa trên mô hình của Mạng lưới Xanh hóa hệ thống tài chính (NGFS) – một liên minh quốc tế gồm hơn 140 ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý tài chính. ECB lưu ý đây không phải là một dự báo, mà là một cảnh báo có cơ sở về những gì có thể xảy ra trong vòng 5 năm tới nếu không có hành động chính sách kịp thời, trong đó bao gồm cả những hiện tượng khí hậu cực đoan vốn chỉ xảy ra khoảng 50 năm một lần.
Trong kịch bản xấu nhất mang tên "Thảm họa và đình trệ chính sách", châu Âu sẽ phải hứng chịu liên tiếp các đợt nắng nóng khắc nghiệt, hạn hán và cháy rừng bắt đầu từ năm 2026, kèm theo các trận lũ lụt và bão gây thiệt hại lớn. Ngược lại, kịch bản tích cực hơn – "Con đường tới Paris", hướng tới thực hiện các mục tiêu của Hiệp định Paris về khí hậu, cho thấy châu Âu vẫn có thể hấp thụ được chi phí chuyển đổi xanh và duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định.
Trên thực tế, Tây Âu đã trải qua ba tháng 6 liên tiếp nóng bất thường trong ba năm gần đây, phần nào cho thấy các cảnh báo đang dần trở thành hiện thực và biến đổi khí hậu đã trở thành bài toán cấp bách không chỉ về môi trường, mà còn về kinh tế và sự an toàn, sinh kế của người dân.
Cập nhật 10/7/2025