• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nắm chắc vấn đề, sâu sát với thực tiễn

(laichau.gov.vn)

Nội dung chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc tại Quốc hội đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh vừa kết thúc. Có 35 đại biểu tham gia chất vấn với 28 đại biểu nêu câu hỏi và 7 đại biểu tham gia tranh luận. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng.

Phát biểu kết luận nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, với đặc thù là một quốc gia có nhiều dân tộc cùng sinh sống, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định và nhất quán về chính sách dân tộc theo nguyên tắc các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển; vấn đề dân tộc và công tác dân tộc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị.

Tại phiên chất vấn, có 62 đại biểu đăng kí chất vấn, trong đó, có 35 đại biểu tham gia chất vấn với 28 đại biểu nêu câu hỏi và 7 đại biểu tham gia tranh luận. Còn 27 đại biểu đăng kí nhưng chưa được đặt câu hỏi do hết thời gian, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu gửi chất vấn để Bộ trưởng trả lời bằng văn bản theo quy định.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng. Câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung nhóm vấn đề chất vấn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc mặc dù lần đầu tiên trả lời chất vấn nhưng đã chuẩn bị tốt nội dung, nắm chắc vấn đề, sâu sát với thực tiễn, tập trung trả lời vào các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, giải trình khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, đồng thời, đề xuất phương hướng nhằm khắc phục những bất cập trong lĩnh vực phụ trách. Qua chất vấn và trả lời chất vấn đã làm rõ thêm trách nhiệm của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan trong việc thực hiện chính sách dân tộc.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, qua Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2022 và báo cáo của Ủy ban Dân tộc gửi đến các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn và diễn biến của phiên chất vấn cho thấy, thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo nên nhiều chuyển biến trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi nước ta; góp phần tăng cường an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và khối đại đoàn kết dân tộc; củng cố lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là việc chậm triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia. Một số văn bản hướng dẫn ban hành chậm hoặc thiếu đồng bộ, chưa rõ ràng, chưa có định mức cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Trong đó, cần tập trung, quyết liệt triển khai các giải pháp để thực hiện hiệu quả Kết luận 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội; nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, định hướng quan trọng về chính sách dân tộc cho giai đoạn 2021-2030.

Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó, tập trung vào địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn và có khó khăn đặc thù…

Sớm hoàn thành việc rà soát, tổng hợp, sửa đổi, bổ sung danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I giai đoạn 2021-2025; lập danh sách các xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã, thôn chia tách, sáp nhập hoặc đề nghị điều chỉnh tên gọi; trên cơ sở đó, nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể đối với việc phân định vùng dân tộc và miền núi theo trình độ phát triển phù hợp với thực tiễn và các quy định hiện hành.

Tập trung triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu lý cần hạn chế tối đa chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích ngoài lâm nghiệp; hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, bảo đảm tất cả diện tích rừng và đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp phải được giao, cho thuê đến những chủ rừng thực sự.

Cập nhật ngày 7/6/2023


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.150
Hôm qua : 6.832
Tháng 01 : 88.205
Năm 2025 : 88.205
Tổng số : 84.045.138