A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đòn bẩy cho thương mại Việt Nam - Anh

(laichau.gov.vn)

Ngày 15-12-2024, Vương quốc Anh đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và chính thức trở thành thành viên thứ 12 của khối thương mại này. Hiệp định quan trọng này đang tạo động lực tăng trưởng rất lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.

Còn nhiều dư địa hợp tác

Vương quốc Anh gia nhập CPTPP với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Việt Nam. Thông qua CPTPP, Vương quốc Anh cũng muốn mở rộng thị trường xuất khẩu đến các thành viên tham gia Hiệp định như Nhật Bản, Canada, Australia, Việt Nam, New Zealand, Singapore, Mexico, Peru, Brunei, Chile và Malaysia. Với CPTPP, nhiều sản phẩm hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh sẽ được miễn, giảm thuế quan. Vương quốc Anh cam kết xóa bỏ 94,4% số dòng thuế cho Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực (các nước thành viên CPTPP khác là 93,9%). Đồng thời, giúp doanh nghiệp trong nước có cơ hội học hỏi trong các ngành công nghệ, năng lượng sạch... Điều này góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa hai nước.

Đòn bẩy cho thương mại Việt Nam - Anh
Gạo là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường Anh. Trong ảnh: Người dân Thái Bình thu hoạch lúa. Ảnh: CƯỜNG TRỊNH 

Năm 2024, giá trị trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 8,4 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2023. Vương quốc Anh hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Âu. Tuy nhiên, dư địa hợp tác giữa hai bên còn rất lớn. Hiện tỷ trọng kim ngạch xuất, nhập khẩu với thị trường Vương Quốc Anh chỉ chiếm khoảng 6,8% trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam ra thế giới; trong khi đó, Việt Nam chỉ chiếm 0,4% tổng kim ngạch hàng nhập khẩu của Vương quốc Anh với đối tác. Điều này cho thấy có rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp của hai quốc gia đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của nhau.

Chia sẻ về những lợi ích kinh tế đối với Việt Nam từ việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP, nhiều ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, lợi ích to lớn nhất mà CPTPP mang lại chính là quy tắc xuất xứ. Doanh nghiệp hai bên có thêm cơ hội mở rộng nguồn cung nguyên vật liệu để tăng cường sản xuất, xuất khẩu, mở rộng thị trường trong khối CPTPP. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng khẳng định, Vương quốc Anh gia nhập CPTPP mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp thủy sản cả về thuế quan và xuất xứ nội khối... nhất là đối với mặt hàng cá ngừ. Vương quốc Anh là thị trường quan trọng đối với ngành thủy sản Việt Nam cả về xuất khẩu và nhập khẩu. Nhấn mạnh Anh là thị trường tiềm năng, tuy nhiên không phải dễ dàng để có thể thâm nhập, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) Nguyễn Thị Huyền khẳng định: Khi hàng hóa được vào thị trường Anh sẽ mang về giá trị gia tăng cao hơn so với nhiều thị trường khác. Khi các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Anh được tăng cường thì doanh nghiệp được hưởng lợi rất nhiều.

Yêu cầu rất cao về trách nhiệm doanh nghiệp

Thị trường Anh vốn là thị trường khó tính, có tiêu chuẩn cao hàng đầu thế giới về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, gần đây là một trong những quốc gia tiên phong về chống biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn. Những yêu cầu này đã được chuyển hóa vào chính sách thương mại của Vương quốc Anh và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thâm nhập thị trường. Nguyên Tham tán công sứ Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh, ông Nguyễn Cảnh Cường, chia sẻ, người tiêu dùng Anh  rất coi trọng trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và chuỗi cung ứng minh bạch. “Xu hướng tiêu dùng bền vững ngày càng mạnh và đã được cả Chính phủ, doanh nghiệp, người tiêu dùng cùng cộng đồng dân cư ở Anh coi như một trong những giá trị, yêu cầu rất quan trọng. Do vậy, hàng hóa Việt Nam phải xây dựng thương hiệu xanh, đầu tư vào công nghệ xanh và tìm hiểu rõ thị hiếu của người tiêu dùng”, ông Nguyễn Cảnh Cường gợi mở.

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Huyền cho rằng, Việt Nam đã có sự chuẩn bị rất chủ động, tích cực và đã có những bước đi khá rõ nét để hỗ trợ doanh nghiệp của Việt Nam đáp ứng các yêu cầu về kinh tế xanh, thương mại xanh của thị trường xuất khẩu nói chung và thị trường Anh nói riêng. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm vào thị trường này thì đầu tiên phải kiểm soát được chất lượng và đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với nền tảng yêu cầu của nhà nhập khẩu. “Doanh nghiệp cần tập trung vào chất lượng hàng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm thay vì số lượng. Việc này không chỉ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Anh mà quan trọng hơn là xây dựng được bảo chứng về chất lượng, sau đó mở rộng sang các thị trường lớn, trọng điểm khác”, bà Nguyễn Thị Huyền chia sẻ.

Là một trong những hiệp định thương mại tự do toàn diện và năng động nhất thế giới, mang đến những cơ hội to lớn cho việc tăng trưởng kinh tế và hợp tác quốc tế. Với sự gia nhập của Anh, CPTPP sẽ chiếm 15% tổng GDP thế giới và dân số hơn 500 triệu người. Cùng với CPTPP, Việt Nam và Vương quốc Anh cũng đã ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực năm 2021. Như vậy, cơ hội thâm nhập thị trường Anh là rất lớn, nhưng điều quan trọng là phải hiểu và tận dụng được ưu đãi thuế quan từ các hiệp định này.

Cập nhật 24/2/2025


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.942
Hôm qua : 5.432
Tháng 02 : 142.421
Năm 2025 : 293.105
Tổng số : 84.250.038