A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đưa các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế đi vào thực chất, hiệu quả hơn

(laichau.gov.vn)

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 4, diễn ra vào chiều 12/10.

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 4

Cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện quyết liệt hơn

Trình bày tờ trình của Chính phủ về Kế hoạch này tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, thời gian tới, bối cảnh quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Đặc biệt, dịch COVID-19 diễn biến nhanh, phức tạp và còn có thể kéo dài, tác động trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, gây đình trệ sản xuất, đứt gẫy chuỗi cung ứng, tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Trước bối cảnh đó, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện quyết liệt hơn nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 nêu lên các quan điểm lớn, gồm: Cơ cấu lại nền kinh tế phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được thực hiện đồng bộ, giữa các ngành, lĩnh vực, giữa Trung ương với địa phương, là bước đi cần thiết để đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dần dựa nhiều hơn vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện thực chất, hiệu quả hơn nữa trên cơ sở củng cố và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt và phối hợp hài hòa, hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, phù hợp với điều kiện, lợi thế, trình độ phát triển của từng ngành, địa phương gắn với thực hiện 3 đột phá chiến lược và 6 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng.

Lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá. Lấy cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị-nông thôn và vai trò dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn làm nhiệm vụ trọng tâm.

Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài, quyết định, kết hợp chặt chẽ với nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá.

Gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ và phục hồi môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng-an ninh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 được xác định là: Tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng-an ninh. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dư địa chính sách và cơ chế điều chỉnh linh hoạt để ứng phó hiệu quả với những biến động trong và ngoài nước.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển đầy đủ các loại hình thị trường; thúc đẩy phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội vào các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và năng suất cao. Hình thành cơ cấu không gian kinh tế hợp lý; nâng cấp chuỗi giá trị của các ngành. Nâng cao nội lực của nền kinh tế và của doanh nghiệp Việt Nam. Thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Kế hoạch đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại không gian kinh tế và các ngành, phát triển lực lượng doanh nghiệp trên cơ sở giữ vững ổn định và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, hoàn thiện đồng bộ thể chế và thúc đẩy ứng dụng tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Cụ thể, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: Thứ nhất là hoàn thành cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đầu tư công, ngân sách Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo mục tiêu đề ra.

Thứ hai là phát triển các loại hình thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực.

Thứ ba là phát triển lực lượng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Tăng cường kết nối khu vực tư nhân với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp Nhà nước.  

Thứ tư là cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị-nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn trong thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng.

Thứ năm là nâng cấp chuỗi giá trị các ngành dựa vào ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát huy yếu tố con người, giá trị văn hoá, truyền thống, lịch sử, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

Cần thiết xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

Thẩm tra Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc xây dựng Kế hoạch là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của giai đoạn trước, đồng thời đưa các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2021-2025 đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

Đề cập đến quan điểm và mục tiêu tổng quát, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung trong mục tiêu tổng quát một số nội dung, như: Nâng cao hiệu quả, chất lượng tăng trưởng của một số ngành kinh tế chủ lực, ưu tiên.

Phát triển đô thị, kinh tế đô thị. Kinh tế đô thị là trụ cột của nền kinh tế quốc dân, khai thác tối đa lợi thế của đô thị để phát triển kinh tế đô thị, tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế của hệ thống các đô thị. Chú trọng mở rộng không gian phát triển kinh tế đô thị theo vùng, phát huy lợi thế kết nối đa chiều. Thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, xây dựng các mô hình mới để tạo đột phá trong phát triển kinh tế đô thị.

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thích ứng với biến động của kinh tế thế giới, chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Khai thác triệt để những lợi thế từ các FTA thế hệ mới để thúc đẩy các nỗ lực cải cách kinh tế trong nước, sử dụng và phân bổ các nguồn lực hiệu quả. Bảo đảm tăng trưởng xanh để gắn kết tăng trưởng kinh tế với chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, về cơ bản, Ủy ban Kinh tế nhất trí với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu để ra tại Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025 trên cơ sở tiếp tục các nhiệm vụ cơ cấu lại từ giai đoạn trước, đồng thời đề nghị tách một số nội dung thành nhiệm vụ riêng để cho thấy rõ nét trọng tâm, trọng điểm và điểm mới trong Kế hoạch./.

Cập nhật ngày 12/10/2021


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.492
Hôm qua : 7.759
Tháng 04 : 137.605
Năm 2024 : 809.195
Tổng số : 82.275.288