• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ - bước phát triển về lý luận quân sự của Đảng

(laichau.gov.vn)

Cách đây tròn 80 năm, ngày 15-4-1945, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trường Chinh, Ban Thường vụ Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quân sự cách mạng (QSCM) Bắc Kỳ tại Hiệp Hòa (Bắc Giang). Đây là hội nghị đặc biệt quan trọng, xác định đúng tình hình, đề ra quyết sách cho chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, nhất là việc chuẩn bị lực lượng, căn cứ địa tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Xác định nhiệm vụ quân sự cách mạng

Hội nghị QSCM Bắc Kỳ khai mạc vào lúc trên thế giới, cuộc giao tranh giữa mặt trận xâm lược và phản xâm lược đã đi vào bước quyết liệt cuối cùng. Ở trong nước vừa xảy ra cuộc Nhật-Pháp bắn nhau và nhân đó một cao trào kháng Nhật, cứu nước đã lôi cuốn nhiều tầng lớp tham gia đấu tranh. Nghị quyết hội nghị khẳng định: Nhật tiến hành cuộc đảo chính lật đổ Pháp (tối 9-3-1945) đã tăng sự mâu thuẫn giữa hai quân cướp nước lên tột bậc. Chính quyền Pháp tan rã, còn Nhật chưa ổn định và chưa thể thiết lập bộ máy đàn áp tinh xảo như của bọn thống trị Pháp. Tuy nhiên, sau đảo chính, phát xít Nhật tích cực thi hành chính sách lừa gạt, bóc lột tàn bạo nhân dân ta, lập ra chính phủ bù nhìn... Giặc Nhật là kẻ thù của ta, nhân dân cách mạng là lực lượng duy nhất kháng Nhật. Cùng với đó, hội nghị đánh giá, bên cạnh một số kết quả đạt được, phong trào kháng Nhật, cứu nước của nhân dân ta bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là phong trào phát triển không đồng đều giữa các địa phương; không tạo ra những cán bộ trung kiên ở địa phương để điều khiển phong trào khi bị khủng bố; không gây được cơ sở công nhân rộng rãi, nhất là ngành công nhân vận tải; không chú ý việc thực hành công tác trong bộ đội...

Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ - bước phát triển về lý luận quân sự của Đảng
Chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh để giữ vững Thủ đô. Ảnh tư liệu: TTXVN  

Trên cơ sở đó, hội nghị xác định đặt nhiệm vụ quân sự lên trên hết; đề ra biện pháp tập trung phát triển chiến tranh du kích; định rõ nhiệm vụ cho 7 chiến khu, gồm: Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, Trưng Trắc, Nguyễn Tri Phương. Về nhiệm vụ gây dựng căn cứ địa kháng Nhật để chuẩn bị tổng khởi nghĩa khi có thời cơ, hội nghị nhấn mạnh, trong những vùng đủ điều kiện về địa hình cơ sở quần chúng, lương thực, về lực lượng so sánh giữa ta và địch, phải gây dựng những căn cứ địa kháng Nhật. Các căn cứ địa là những bàn đạp cho cuộc tổng khởi nghĩa và là cái mầm của nước Việt Nam độc lập, tự do ngày mai.

Làm thế nào chống lại sự tiến công của Nhật? Câu hỏi được hội nghị đặt ra và xác định giải pháp: Thực hiện chiến lược phát động du kích để chuẩn bị phát động tổng khởi nghĩa, dùng chiến thuật đánh úp quân địch bằng những trận nhỏ, nắm chắc phần thắng để giữ gìn và bồi dưỡng lực lượng của ta. Phát động du kích ở các chiến khu, gây dựng nhiều căn cứ địa, đề phòng địch bao vây. Nếu địch bao vây căn cứ địa thì dùng chiến thuật “dĩ công vi thủ” để đối phó. Khi không giữ được căn cứ địa thì di chuyển quân đi nơi khác để giữ gìn thực lực. Nếu địch xông vào đóng trong căn cứ, phải thi hành triệt để “vườn không nhà trống”, các phố nhỏ tản cư. Cùng với đó, thường xuyên tuyên truyền lính Nhật bằng mọi hình thức, làm cho tinh thần chúng tan rã. Từng chiến khu và các căn cứ địa phải có tính cách tương ứng cùng nhau. Ở ngoài căn cứ địa, nếu Nhật dùng chính sách dồn làng, đốt nhà... thì lãnh đạo nhân dân tranh đấu bằng những hình thức như thỉnh cầu, biểu tình... Nếu tình thế bắt buộc phải dồn làng thì bộ đội giúp nhân dân võ trang tranh đấu chống lại...

Củng cố và phát triển quân giải phóng

Một trong những quyết định quan trọng tại Hội nghị QSCM Bắc Kỳ tháng 4-1945 là hợp nhất Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân cùng các tổ chức vũ trang khác thành Việt Nam Giải phóng quân để cùng nhân dân tiến hành khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa. Hội nghị cũng đã vạch ra 7 quan điểm cơ bản về xây dựng Việt Nam Giải phóng quân: Thống nhất biên chế; thống nhất việc huấn luyện chính trị, quân sự; tổ chức công tác chính trị trong bộ đội, trau dồi kỷ luật, chống khuynh hướng thổ phỉ hóa và chủ nghĩa địa phương; mở Trường Quân chính kháng Nhật để đào tạo cán bộ; thu nhận và mua sắm vũ khí, lập xưởng sửa chữa vũ khí và chế tạo súng ống, bom đạn; tích trữ lương thực, lập kho thóc giải phóng; phát triển bộ đội giải phóng. Ủy ban QSCM chỉ huy toàn xứ, thống nhất chỉ huy quân sự; chỉ định các chính trị ủy viên, các chi đội trưởng và chính trị viên chi đội. Chỉ huy cấp dưới do cấp trên trực tiếp đề nghị hoặc chỉ định, Ủy ban QSCM chuẩn y. Trong mỗi chiến khu có một bộ tư lệnh, một hay nhiều chính trị ủy viên hoặc đại biểu hay phái viên của Ủy ban QSCM...  Cùng với đó là công tác bảo đảm hậu cần, trang bị vũ khí, kỹ thuật cho bộ đội. Việc tổ chức lực lượng vũ trang địa phương, dân quân, tự vệ, đội quân đấu tranh chính trị trong công nhân, phụ nữ, người ngoại quốc... cũng được thảo luận và quyết nghị.

Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị QSCM Bắc Kỳ, ngày 15-5-1945, Lễ thống nhất Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang cách mạng khác được tổ chức tại xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Việt Nam Giải phóng quân là quân chủ lực của cả nước, có chỉ huy thống nhất và hệ thống tổ chức chặt chẽ. Bộ tư lệnh của Việt Nam Giải phóng quân gồm các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh và Chu Văn Tấn. Tổ chức biên chế của Việt Nam Giải phóng quân gồm 13 đại đội, được tổ chức thống nhất từ tiểu đội, trung đội đến đại đội. Mỗi tiểu đội 12 người, 3 tiểu đội thành một trung đội và 3 trung đội thành một đại đội. Việt Nam Giải phóng quân ra đời đã đánh dấu bước trưởng thành của bộ đội chủ lực về quy mô tổ chức, biên chế, trở thành nòng cốt cùng lực lượng vũ trang địa phương hỗ trợ toàn dân tiến hành từ khởi nghĩa từng phần giành chính quyền ở địa phương chuyển lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước, lập ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa-nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Cùng với một số nội dung trên, Hội nghị QSCM Bắc Kỳ cũng đề cập nhiều vấn đề quan trọng của cách mạng. Hội nghị đánh dấu bước phát triển mới về tư tưởng và lý luận quân sự của Đảng hội tụ sau 15 năm ra đời và lãnh đạo đấu tranh cách mạng. Đây là bước cụ thể hóa những vấn đề quân sự mà Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng (từ ngày 9 đến 12-3-1945) nêu ra trong Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”; về nhiệm vụ, công tác quân sự, cũng như chỉ ra những biện pháp cụ thể để thực hiện chỉ thị trong tình hình cách mạng mới, nhằm đẩy mạnh việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cả nước.

SƠN BÌNH

(Dựa theo Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7 (1930-1945), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, năm 2000)

Cập nhật ngày 15/4/2025


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.069
Hôm qua : 10.011
Tháng 04 : 97.555
Năm 2025 : 646.127
Tổng số : 84.603.060