A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm

(laichau.gov.vn)

Hội nghị được Bộ Y tế tổ chức sáng nay (21/5) bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Bộ Y tế tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Nguyễn Thị Hương - Phó Giám đốc Sở Y tế; đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Cục Quản lý thị trường, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã báo cáo tình hình ngộ độc thực phẩm 5 tháng đầu năm 2024 và công tác chỉ đạo phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Theo đó, 5 tháng đầu năm cả nước đã ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm, làm gần 2.138 người mắc, 6 trường hợp tử vong; trong đó ghi nhận 11 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến vi sinh vật, làm 1.241 người mắc. So với năm 2023, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm 4 vụ (10%), số tử vong do ngộ độc thực phẩm giảm 5 người (21,2%).

Theo kết quả điều tra ban đầu, nguyên nhân ngộ độc phần lớn liên quan đến các loại nguyên liệu thực phẩm như thịt gà, thịt lợn, thủy sản, rau, củ, quả từ các cơ sở sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Điển hình như, chiều tối ngày 15/5, tại Đồng Nai xảy ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm khiến gần 100 công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Dechang Việt Nam, Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, Đồng Nai phải nhập viện. Ngay sau khi nhận được thông tin về các vụ ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo, đề nghị, hướng dẫn địa phương chỉ đạo các cơ sở y tế tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân, có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với tuyến trên; đình chỉ ngay cơ sở gây ngộ độc, tổ chức điều tra, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm, xác định rõ nguyên nhân. Truy xuất đến tận cùng nguồn gốc các thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm… Đối với một số vụ ngộ độc lớn, Bộ Y tế đã thành lập Đoàn công tác trực tiếp làm việc, hướng dẫn các đơn vị chức năng, địa phương, kiểm tra thực tế tình hình tại các cơ sở y tế, các cơ sở, các địa điểm liên quan đến vụ ngộ độc.

Quang cảnh Hội nghị tại các điểm cầu.

Tham luận tại Hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung đánh giá kết quả và chia sẻ các kinh nghiệm trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian qua. Đồng thời nêu phương hướng, nhiệm vụ nhằm thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm thời gian tới như: Công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm; tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm…

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên kết luận Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát chặt với nguồn nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý, đặc biệt là các sản phẩm thịt, rau, củ... Chủ động và phối hợp với các cơ quan thuộc ngành Y tế truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm khi có các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra; tổ chức thực hiện chương trình giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm và công tác phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

UBND các tỉnh, thành phố quan tâm công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; nâng cao năng lực hiệu quả, hiệu lực quản lý đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn, chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc nguyên liệu nông sản, đặc biệt với các cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; kiên quyết không để các cơ sở không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm; tổ chức đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm...


Tác giả: Thu Hoài
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 420
Hôm qua : 4.522
Tháng 09 : 83.303
Năm 2024 : 1.889.348
Tổng số : 83.355.441